Dương Gia Nghi hay tin thím Lan về thì ghé qua thăm thím liền. Hai người kề tai nói nhỏ, lầm bầm lầu bầu hồi lâu. Sáng hôm sau, thiếu nữ xách sọt đi thị trấn, lúc về mang theo một cái chăn mới tinh, cẩn thận đưa cho thím Lan. Đến đây, Dương Gia Nghi đã tích góp được 864 đồng, đã có thể xem là con số khổng lồ. Quả nhiên, việc kiếm được tiền khiến con người ta cảm thấy vô cùng sung sướng. Những ngày kế tiếp, cuộc sống của cô gái nhỏ quay quanh việc nhặt củi, gom góp rau rừng và nấm. Nhà kho cũng dần được chất đầy các loại đồ khô. Nghe nói mùa đông ở đây vừa khắc nghiệt vừa dài đằng đẵng, nếu mà không chuẩn bị kỹ càng thì sẽ rất khó khăn. Gọi là nông nhàn vậy thôi chứ chẳng ai nhàn rỗi vào thời điểm này cả. Thôn dân thi nhau phơi khô lương thực, giã gạo, tách hạt bắp, xay cách loại hạt thành bột mịn, kiếm củi đốt và rau dại. Ngoài việc phơi khô, họ còn mang rau củ đi muối chua, muối mặn. Dương Gia Nghi nhờ vào mối quan hệ với thím Lan mà lẽo đẽo theo sau, học lỏm được một vài cách làm rau ngâm ngon, hí hửng xoắn tay vào việc. Rau ngâm ở trong siêu thị cũng có bán, nhưng không ngon bằng rau ngâm của mấy bác mấy cô ở đây. Dương Gia Nghi ăn thử một lần là thích ngay, đành phải chịu khó mà học. Hy vọng sẽ không quá khó. Thấy Dương Gia Nghi tích cực như vậy, mấy thanh niên trí thức khác cũng học theo. Thôn dân được một phần thu hoạch ngoài ý muốn, người nào người nấy cười tủm tỉm, chỉ dạy cũng tận tình. Khoảng cách giữa hai bên được kéo gần lại, thanh niên trí thức cũng tránh khỏi việc bị phân biệt soi mói. Thời tiết càng lúc càng lạnh dần. Rừng xanh vội vã thay áo mới. Lá trên cành chuyển nhanh sang màu vàng rồi vội vã rụng xuống theo chiều gió. Nấm và rau dại ít dần. Thế giới này thật kì lạ, Dương Gia Nghi đến đây hơn một tháng mà chẳng thấy cơn mưa thu nào. Thời tiết khác xa với quê hương của cô. Mùa đông đã đến rất gần rồi. Ngày này, Dương Gia Nghi đang sửa soạn lại nhà kho thì nghe tiếng gõ cửa. Là Dương Hữu Đức và thôn trưởng, nét mặt cả hai đều rất nghiêm túc. Trái tim Dương Gia Nghi hơi run rẩy. Thiếu nữ nhìn hai người trước mặt. Khuôn mặt họ toát lên vẻ không đành lòng, do dự không thốt thành lời. Bầu không khí nghiêm túc đến nghẹt thở. "Có chuyện gì vậy ạ?" Cô hỏi. Hai người ngồi đối diện im lặng hồi lâu. Có thể thấy rõ là đội trưởng nhường cho Dương Hữu Đứa lên tiếng trước. Dương Hữu Đức cũng biết ý. Trong mắt hắn đượm buồn. "Gia Nghi... chú út của cháu mất rồi. "Đùng! Sấm dậy ở trong lòng. Thiếu nữ trợn tròn mắt, quên cả hô hấp. Cô ngơ ngác hỏi lại: "Sao ạ?"Đôi mắt đội trưởng toát lên vẻ thương tiếc: "Đồng chí Hữu Minh đã hy sinh vì tổ quốc và đồng đội, cháu hãy sắp xếp quần áo cùng chúng tôi đi quân khu ngay. "Dương Gia Nghi đờ đẫn mà gấp quần áo. Tuy cô không phải nguyên chủ, Dương Hữu Minh đối với cô chỉ còn là một người lạ, không có cảm tình gì nhiều, nhưng hắn đã giúp cô rất nhiều. Nếu không có số tiền Dương Hữu Minh gửi, thời gian đầu ở đây cô sẽ rất chật vật. Nay hay tin người mất, thiếu nữ không khỏi bàng hoàng, vội vã thu xếp hành lí lên đường. Trên đường đi, Dương Hữu Đức đã nói rõ mọi việc cho cô nghe. Thì ra Dương Hữu Minh dẫn dắt đồng đội đi thực hiện nhiệm vụ. Nhiệm vụ này ở nước ngoài, độ khó rất cao. Hắn và đồng đội lại bị gian tế bán đứng mà lâm vào tình cảnh nguy hiểm. Cuối cùng, tuy nhiệm vụ hoàn thành, nhưng Dương Hữu Minh cũng vì cứu những người khác mà hy sinh. Trong quân đội có quy định, mỗi khi nhận nhiệm vụ có tính chất nguy hiểm, quân nhân bắt buộc phải viết di thư. Nếu còn sống quay về thì di thư sẽ bị trả lại, còn nếu không may hy sinh thì những dòng trên di thư cũng như những lời trăn trối cuối cùng. Di thư của Dương Hữu Minh chẳng dài, viết rõ nếu bản thân mất đi thì nhờ quân khu gửi hai đứa con gái nhỏ cho cháu gái Dương Gia Nghi. Đến lúc này, Dương Gia Nghi mới biết, Dương Hữu Minh có hai đứa con, một đứa sáu tuổi một đứa hai tuổi. Vợ đã mất vì khó sinh khi sinh đứa con gái nhỏ. Cô không biết vì sao Dương Hữu Minh lại tin tưởng mà giao con cho mình. Dù gì thì bây giờ cô vẫn còn là trẻ vị thành niên, tuổi cũng chưa tròn mười lăm. Lần này, ngoài Dương Hữu Đức, đội trưởng cũng theo cùng. Cháu trai ông cũng đang ở quân khu này. Trùng hợp thay, người này là một trong những đồng đội được Dương Hữu Minh cứu, đồng thời là con trai của thím Lan. Tuy không hy sinh nhưng những người sống sót đều bị thương rất nặng. Lãnh đạo gọi điện thoại về quê để thông báo, hy vọng thân nhân của họ sẽ đến chăm sóc. Chân thím Lan vẫn chưa khỏi nên đội trưởng không dám cho bà hay. Ông đành phải đi thay một chuyến, trong lòng cũng lo lắng cho cháu mình không kém.