Đáng lẽ tuần này bắt đầu kể về Hà, cơ mà xét thấy truyện cũng đi được khá xa rồi, mai lại cũng có đăng chương, không muốn gián đoạn mạch kể, nên để bà con tiện theo dõi thì nhóm tác quyết định sẽ thêm một chương tóm tắt các thế lực ở Huyền Hoàng giới, và sẽ có update liên tục theo tình hình thực tế của truyện. Tất nhiên sẽ update là nói 3 web chính chủ đăng, còn các web bưng tr về có update hay ko thì nhóm tác không chịu trách nhiệm. I. Đại Việt: quốc gia lập quốc muộn nhất ở Huyền Hoàng giới, tương truyền là do Lê Đồ Thành nhận lệnh vào lãnh địa của Bạo Long nằm phía nam Lục Trúc Hải để tìm di vật của Thế Tôn, sau đó dừng chân lập quốc, không về chốn phân tranh như lục quốc nữa. - Ải Quan Lâm: một cửa quan được xây dựng để trấn giữ cực bắc của Đại Việt hòng ngăn cản thú triều từ biển trúc tràn ra. Nằm ngay sát Lục Trúc Hải và ngọn núi Vô Danh có Lão Thụ cổ viện, nhưng không có truyền tống trận. - Thành Tế Kỳ: là một thành cách Quan Lâm không xa, với cước lực của Lý Thanh Vân và đi đường thủy thì khoảng một ngày một đêm là có thể tới nơi. Là nơi khi xưa Thánh Tông Lê Hạo Thanh đến đánh chặn Sơn Man từ đường núi nhỏ lẻn xuống, đã kéo chiến thuyền lên bờ thành một cái thành tạm bợ để đóng quân. Về sau dân chài lưới kéo đến định cư, lấy xác thuyền của Thánh Tông làm trung tâm xây làng dựng xóm dọc theo bờ sông, từ đó mà có thành danh là Thủy Thượng Quan và chợ nổi. Hiện tại xác thuyền vẫn được sử dụng làm phủ thành chủ. - Thành Bạch Đế: thiên hạ đệ nhất thành, là nơi khi xưa lúc thái tổ Lê Đồ Thành vượt biển trúc vào nam đã dừng chân lại, luận đạo cùng một cây Bạch Đàn Tinh, từ đó mới lập quốc, có nước Đại Việt tách biệt với lục quốc, cũng là châu phủ của châu Ngọc Lân. - Thành Đông Thanh: trước đây có tên là thành Thanh Tùng, xây dựng ở lưng chừng núi Tòng Khê rồi mở rộng xuống đồng bằng. Trên núi có Thanh Tùng thư viện là thư viện nổi tiếng nhất Đại Việt, cũng là nơi xuất thân của cựu Tế Tửu Quốc Tử Giám Lâm Thanh Tùng. Về sau vì xích mích của Lâm Thanh Tùng với Nguyễn Đông Thanh mà nơi này đổi tên thành thành Đông Thanh, do không muốn trùng tên với một vị thần giữ cửa nhà vệ sinh. - Thành Cổ Long: là đế đô nước Việt, gồm có chín vòng thành uốn lượn phân nơi này ra làm chín quận, tương truyền là do Lê Đồ Thành lấy xác Bạo Long mà xây nên. Khác biệt về mức sống của các quận rất lớn, dẫn đến thái độ của người dân đối với người quận khác cũng trở nên rất khác biệt. Thành Cổ Long có bốn thế gia lớn nắm quyền, lần lượt là:+ Trương gia, gia tộc quan văn lâu đời, nhiều đời cha truyền con nối chức thái sư đương triều và có vây cánh, quan hệ với hơn nửa các chức quan lớn trong triều. + Lý gia, gia tộc của Võ Hoàng Lý Huyền Thiên, đứng sau, nắm giữ phần lớn quân đội Đại Việt. + Đinh gia, gia tộc vốn xuất thân nông nghiệp, nhờ ủng hộ, cứu chẩn, và móc nối quan hệ với quan chức địa phương khắp cả nước mà trở thành một trong tứ đại thế gia. + Hồ gia, gia tộc làm ăn buôn bán duy nhất trong tứ đại thế gia. II. Nước Sở: là một nước nằm ở thượng nguồn – trung du Ngân Hà, còn được xưng là Mẫu Hà, dân chúng dựa vào con sông mẹ để làm ăn sinh sống, đến nỗi có cả một đạo gọi là Mẫu Hà Đạo. Hàng năm thỉnh thoảng sẽ có hiện tượng sen máu vào thành, ma da lên bờ bắt người ăn thịt. Nước Sở bề ngang rộng, bề dọc ngắn, thành thử cương thổ về chiều ngang có thể đến hàng chục vạn dặm, nhưng theo chiều nam – bắc chỉ có sáu ngàn dặm mà thôi. - Ngự Long thành: trọng địa trấn giữ ngã ba sông Đại Ngân Hà – Tiểu Ngân Hà, vốn là do Phó Kinh Hồng đảm nhiệm chức vị thành chủ. Về sau do nhiều nguyên nhân, họ Phó phản loạn bỏ chạy. - Bạch Lộ thư viện: một trong lục đại thư viện ở Huyền Hoàng giới, do một trong sáu đệ tử của Văn Thánh sơ đại Gia Cát Thủ Ngã gây dựng lên. III. Đại Tề: là cố quốc của Sát Thần Nghiêm Hàn, từng dẫn Huyền Giáp Vệ tung hoành sáu nước, khiến lục quốc phải phủ phục xưng thần với Đại Tề, khuếch trương lãnh thổ nước Tề lên nhiều lần. Về sau Nghiêm Hàn vượt biển trúc đánh Đại Việt, bại dưới tay Lý Huyền Thiên, quy kiếm tự vẫn. - Tây An – Đông An: hai tòa thành được coi là lá chắn của Hoàng Đô nước Tề. IV. Đại Hàn: quốc gia sát biển, lấy nghề chài lưới mưu sinh. Vương thất lập quốc là một nhóm người kỳ lạ dạt từ ngoài biển vào, sau đó truyền cho dân chúng thuật Văn Thân để vào biển Phong Bạo đánh cá. - Thành Hải Giác / núi Vọng Hương: thành Hải Giác là một đại thành được hoàng thất xây dựng để bảo vệ một Kiếm Trì non trẻ. Về sau, khi Kiếm Trì vững gót chân, thành Hải Giác mới lui về làm hậu phương, phối hợp với các Kiếm Tổ đánh lùi Hải Thú Phong Bạo Hải. Vọng Hương sơn là một quả núi, vốn nằm ở Hoàng Liên sơn mạch. Trong Phạt Hải Chi Chiến, Phạt Hải Kiếm Thánh gác kiếm xông vào biển Phong Bạo, nữ đế Hàn Thanh Ca bèn lấy đại thần thong bốc quả núi này về làm ngọn hải đăng để y không lạc lối trong sóng to bão lớn ngoài biển. V. Yêu tộc:- Thanh Tước: bá chủ Lục Trúc Hải, được xưng là cầm điểu chi vương. Phượng Hoàng sinh ra Khổng Tước, có ngũ sắc thần quang hắc bạch thanh hồng hoàng. Khổng Tước lại sinh ra năm chi tộc, mỗi tộc dùng được một loại thần quang. Trong đó, Thanh Tước được cho là yếu nhất vì Thanh Sắc thần quang chỉ có tác dụng tịnh hóa, là thần thông bản mệnh có lực công phạt yếu nhất trong năm sắc. Thế nhưng, tộc Thanh Tước lại sinh ra một kỳ tài luyện Thanh Sắc thần quang đến tột cùng, biến lực tịnh hóa thành hóa tán, từ đấy đảo khách thành chủ, Thanh Tước diệt Khổng Tước, Phượng Hoàng lại không rõ tung tích, trở thành bá điểu chi vương, bá chủ Lục Trúc Hải. - Long tộc: chủ của Phong Bạo Hải, tương truyền là tộc quần đến từ Thiên Ngoại chứ không phải sinh linh nguyên bản của Huyền Hoàng giới. Trong lịch sử, Long tộc từng có hai trận đại chiến lớn, một với Mặc Ngọc Kỳ Lân, một với Phượng Hoàng tộc. Cả hai trận chiến cuối cùng Long tộc đều chiến thắng. Nội bộ Long tộc phân hóa làm phe Phản Tổ và phe Cấp Tiến, một bên coi trọng thuần huyết, bên khác chủ trương cởi mở. Bên dưới có các tộc Thuồng Luồng, Xi Vẫn. Về sau xảy ra nội chiến, Xi Vẫn thua trận bỏ chạy. - Phượng tộc: đản sinh sau khi Kỳ Lân Vương sử dụng thần thông kích thích Long tộc tiến hóa, cuối cùng tạo ra Phượng tộc. Long Phượng về sau đại chiến một trận, từ đấy Phượng tộc cũng thất tung, nhưng thỉnh thoảng vẫn có dấu vết Phượng tộc ra tay diệt trừ kẻ đối địch trong bóng tối, chứng tỏ tộc này vẫn còn tồn tại chứ chưa hề tuyệt chủng. Thành thử, trong năm thánh tộc cũng để lại một vị trí cho Phượng tộc. - Chiến Hổ tộc: lấy Thiên Đảo làm nhà, thân hổ có vây, trên lưng có cánh, không có một tộc đàn lớn mà chia làm nhiều bộ lạc nhỏ đánh lẫn nhau triền miên, ít khi xen vào chuyện của Huyền Hoàng giới. Thế nhưng, nếu như có kẻ muốn thách thức, toàn bộ Chiến Hổ sẽ nhất chí đánh giặc ngoài trước rồi mới nội chiến tiếp. Bệ Ngạn tộc bị diệt chủng trong vòng một đêm chỉ vì dám thách thức Chiến Hổ tộc. - Mộng Yểm thụ tinh tộc: là thụ quái duy nhất trong trời đất có thể đứng ngang hàng với tứ đại thánh tộc còn lại. Huyễn Ảnh lâm là vùng rừng rậm phía cực Tây lục quốc, hễ lạc vào trong đó, thì bất kể là người hay muông thú, cường giả vào Vụ Hải hay chưa, đều sẽ gặp ảo giác. Nạn nhân bị vây khốn trong huyễn cảnh, không thoát ra nổi, đến cuối cùng kiệt sức, thì liền thành chất dinh dưỡng cho cây trong rừng, cũng chính là tộc nhân của Mộng Yểm Thụ Tinh tộc. Sau khi nạn nhân bị rút sạch hồn phách, thì sẽ trở thành con rối chịu sự điều khiển của Mộng Yểm Thụ Tinh. Chính vì vậy, tuy đám thụ quái này hiếm khi ra khỏi rừng, nhưng vẫn có tầm ảnh hưởng khắp bốn phương. - Huyết Nhãn Trúc Thử tộc: Nói về thành công của Huyết Nhãn Trúc Thử tộc, ngoại trừ việc chúng sinh sản liên tục, tạo được thế đông lực mạnh trong thời gian ngắn, còn phải kể đến “kỳ ngộ” của ông tổ của tộc này nữa. Vốn lão tổ của Huyết Nhãn Trúc Thử tộc chỉ là một con dúi tinh thông thường, trong khi đi kiếm ăn bị một con ưng tinh bắt. Khi ấy, một lão tăng đi qua, thương tình, đã đuổi con ưng tinh đi, cứu con dúi ấy một mạng, sau lại dắt theo, truyền thụ phật pháp. Ai dè, đến khi lão tăng gặp họa, con dúi kia không những không giúp đỡ, lại còn lấy oán báo ân, giết rồi ăn xác lão ta, nuốt luôn cả xá lợi của lão. Cũng từ đó, con dúi ấy có thêm một thần thông bản mệnh, chính là Tam thân của Phật môn, truyền lại cho tất cả các đời con cháu, bắt đầu nên Huyết Nhãn Trúc Thử tộc. Tam thân thần thông này, chính là giúp cho chủ nhân tạo được ba phân thân: quá khứ, hiện tại, vị lai. Chỉ cần một phân thân còn tồn tại, thì chân thân không thể chết. Huyết Nhãn Trúc Thử tộc, vì có thần thông này mà sống dai vô cùng, lại nhờ tốc độ sản sinh nhanh chóng mặt, cuối cùng áp đảo diệt sát Hổ tộc tại Lục Trúc hải, thành công tiếm quyền. Từng có ý định đánh Chiến Hổ dành ghế thánh tộc, nhưng sau khi Bệ Ngạn bị làm thịt thì bọn này rén, nên bắt đầu đổi hướng tuyên truyền “thánh tộc thứ sáu”. - Ngoài ra còn có Địa Chấn Man Tượng, Ẩm Huyết Ngô Công, Bát Tí Yêu Hầu và Ngọc Cốt Ảnh Báo cũng là tộc lớn trong Lục Trúc Hải. VI. Thánh Địa- Kiếm Trì: còn có tên là Tẩy Kiếm Trì, tương truyền là ao nước Phạt Hải Kiếm Thánh đến rửa kiếm khi trở về từ biển Phong Bạo, máu Hải Thú rỉ ra nhuộm đỏ cả một hồ nước. Là thế lực do Phạt Hải Kiếm Thánh khai sáng, Hai đồ đệ và một kiếm đồng của kiếm thánh trở thành Tam Tổ đời đầu, truyền xuống kiếm pháp của bản thân, từ đó nội bộ Kiếm Trì có ba phái là Cường Kiếm Phái, Hoan Kiếm Phái, Khoái Kiếm Phái. - Mỹ Vị sơn trang: là nơi bảo tồn được Trù đạo cuối cùng ở Huyền Hoàng giới, đặt ở Ngũ Vị sơn. Năm xưa khi Trương Thất lấy Địa Hỏa chi sơ, hỏa chủng phá tung đất ra ngoài khiến ngọn núi tõe làm năm đỉnh như hiện tại. Mỹ Vị sơn trang siêu nhiên tại ngoại, không chịu quản lý của bất cứ một quốc gia nào. . Trong trang có một bảo vật trấn trang là Thiên Địa Thần Úng. - Phần Thiên Cốc: Thế lực bồi dưỡng ra Kiều Minh Long, là thánh địa tu hỏa đạo của Huyền Hoàng giới. Đi lại rất gần với Đao Sơn. - Núi Long Hổ: là một trong các thánh địa của nước Sở, chủ tu đạo phù và trận pháp. Lại có công pháp Lưỡng Nghi Thái Huyền Kinh giúp sử dụng được cả các đạo thuật của nhánh khác trong Đạo Môn, thực lực không tầm thường. Đáng tiếc Thiên Sư Tiết Bình Thiên của núi Long Hổ năm xưa bại trận dưới tay Tạ Hàn Thiên, bị đánh gần chết, Long Ảnh Đào Mộc Kiếm cũng mất. Trước đây có đi lại với Hoan Kiếm Phái của Kiếm Trì, về sau vì Nguyễn Đông Thanh mà hai bên ít lui tới hơn. - Đao Sơn: đao đạo thánh địa, được khai sáng bởi Đao Tổ Nhậm Ngã Cuồng. Sau khi lão thách đấu Phạt Hải Kiếm Thánh và chết ở Kiếm Trì, Trùng Đồng và Ma Đao Di Hận được truyền thừa lại ở Đao Sơn. Ngấp nghé bí cảnh Thương Lan Kiếm Vực của Kiếm Trì đã lâu. - Văn Cung: xây dựng trên điểm cực đông của núi Hoàng Liên – Thư Sơn nằm giữa giao giới của Lục Quốc. Nơi đây là chỗ đặt nhà học của Văn Thánh đầu tiên Gia Cát Thủ Ngã. Về sau khi y đặt chân thập cảnh, hợp đạo thiên địa, khai sáng Nho môn Lục Nghệ Lễ Nhạc Xạ Ngự Thư Số, sáu học trò của y mới lập ra lục đại thư viện, truyền đạo sáu nước. Về sau, sáu viện trưởng này xây dựng Văn Cung làm chỗ thờ tự các đời văn thánh, trấn áp khí vận Nho đạo. VII. Cấm Địa- Phong Bạo Hải: là một vùng biển quanh năm bão tố sóng cồn ở phía đông Huyền Hoàng giới, là nơi sinh ra Hải Thú và Đảo Quỷ, cũng là chốn định cư của Long tộc. - Đế Mộ: Thế lực thần bí có sức ảnh hưởng toàn Huyền Hoàng giới, có thể nói ngoại trừ Lão Thụ cổ viện, Đế Mộ chính là cấm địa không ai muốn đối đầu. Dưới trướng mười chín đế tôn là bốn đại Nguyên Soái, hai trong số đó là Nghiêm Hàn và Quan Vân Phi, lại thống lĩnh vô số quỷ đói. VIII. Các thế lực khác:- Thiên Cơ các: tổ chức tình báo hàng đầu Huyền Hoàng giới, đứng sau sắp xếp Võ Bảng và tổ chức Võ Bảng hội: tổng kết được lực chiến của tất cả các tu luyện giả đã từng giao thủ qua. Thiên Cơ các làm giàu bằng mua bán tín tức, có thể nói là tổ chức nhiều tiền tài nhất nhì cả Huyền Hoàng giới. Tổ chức này có phân bộ ở khắp nơi. - Hữu Tiền Liên Minh: tổ chức đứng sau tất cả các thế lực “Nhất Phẩm”, nơi chỉ dùng tiền để nói chuyện. Chỉ cần giá tiền tương ứng với nhiệm vụ, Hữu Tiền Liên Minh liền có thể thu xếp. Từng có không ít kẻ cậy mạnh, ra tay với người của Hữu Tiền Liên Minh, nhưng về sau, hết thảy đều ăn quả đắng. Thế nên, nhìn chung, kể cả khi người của Hữu Tiền Liên Minh có tu vi cặn bã, cũng không mấy người tình nguyện chọc vào, tránh rước họa vào thân.