Kể từ ngày bà Lệ Lan cùng Kiều Vi dọn vào, cô thu mình lại trong phòng, không muốn đối mặt với sự thay đổi quá lớn này. Bữa ăn được người hầu mang lên, còn lại thời gian, cô tự giam mình giữa bốn bức tường. Thỉnh thoảng, cô bước ra ngoài để hít thở không khí. Nhưng mỗi lần như vậy, ánh mắt cô lại vô tình bắt gặp cảnh tượng ông Kiều Văn ngồi ở phòng khách, trò chuyện vui vẻ cùng bà Lệ Lan và Kiều Vi. Tiếng cười giòn tan vang vọng khiến trái tim cô như bị bóp nghẹt. Cô đứng trên hành lang tầng hai, đôi mắt dõi theo họ. Trong ánh nhìn của cô, vừa có sự khó chịu, vừa có nét ghen tị không thể che giấu. Những ký ức ngày trước ùa về, như một vết dao cứa vào lòng. Cô nhớ lại những ngày ông Kiều Văn chưa bao giờ dành thời gian cho mẹ con cô. Ông ta chỉ lao đầu vào công việc, đi sớm về khuya. Mẹ cô, dù buồn, dù cô đơn, vẫn luôn nhẫn nhịn, gồng mình giữ lấy chút hạnh phúc mong manh cho gia đình. Nhưng tất cả những điều đó, đổi lại chỉ là sự lạnh lùng và thờ ơ của ông. Giờ đây, hình ảnh ông dịu dàng với một người khác, cười nói vô tư cùng họ, như một mũi kim đâm sâu vào lòng cô. Hân Hân nắm chặt tay vào thành lan can, đôi mắt long lanh nước. Trong thâm tâm, cô tự hỏi: "Mẹ từng hy sinh vì ông như thế, vậy mà bây giờ ông lại dễ dàng thay thế mẹ sao?" Gương mặt cô lạnh nhạt quay đi về lại phòng. Những ngày tháng sau khi bà Lệ Lan và Kiều Vi chính thức trở thành một phần của gia đình, cuộc sống của Hân Hân chẳng khác gì địa ngục. Ở nhà bà Lệ Lan không ngừng tìm cớ trách mắng, thậm chí bắt cô làm những công việcvốn thuộc về người hầu. Còn ở trường, Kiều Vi, người chị gái mới "được phong tặng" lại thường xuyên tìm cách bắt nạt cô. Từng ánh mắt, từng lời nói cay nghiệt của họ đều như mũi dao vô hình đâm sâu vào trái tim non nớt của Hân Hân. Coi trở nên lặng lẽ, thu mình hơn. Mỗi ngày đến trường đối với cô là một thử thách. Kiều Vi lớn hơn cô hai tuổi, luôn tận dụng mọi cơ hội để chế giễu hoặc gây khó dễ. Đôi khi là việc giật lấy sách vở, đôi khi là những lời nói độc địa trước mặt bạn bè. Cô chỉ có thể cắn răng chịu đựng, bởi cô biết nếu phản kháng, mọi chuyện sẽ chỉ tồi tệ hơn khi trở về nhà. Tại nhà, bà Lệ Lan không ngừng trách mắng cô vì những lỗi lầm nhỏ nhặt, luôn cố gắng làm cô cảm thấy mình không thuộc về nơi này. Những lúc như vậy, cô thường tìm đến bà quản gia – người duy nhất trong nhà còn đối xử tử tế với cô. Bà quản gia, người từng gắn bó lâu năm với mẹ cô, luôn là điểm tựa duy nhất của cô trong ngôi nhà lạnh lẽo ấy. Dù không thể làm được nhiều, bà vẫn âm thầm bảo vệ cô theo cách của mình. Khi thấy Hân Hân bị mắng oan, bà lặng lẽ dọn dẹp thay những công việc nặng nhọc mà bà Lệ Lan bắt cô làm, hoặc nhẹ nhàng an ủi cô bằng những lời nói đầy yêu thương. Trong những lúc riêng tư, bà thường kéo cô vào lòng, vỗ về như khi cô còn bé, dịu dàng nói:- Hân Hân à, cháu phải mạnh mẽ lên, dù mọi chuyện có khó khăn thế nào, cháu cũng phải mạnh mẽ. Bà sẽ luôn ở đây, luôn bên cạnh cháu. Những lời nói ấy, dù đơn giản, như một tia sáng nhỏ bé thắp lên hy vọng trong lòng cô, xua đi phần nào cảm giác cô độc. Nhưng Hân Hân cũng hiểu rõ giới hạn của bà quản gia. Là người làm công, bà chỉ có thể làm đến thế. Cô không trách bà, ngược lại còn biết ơn sự hiện diện ấm áp ấy trong những ngày tháng lạnh lẽo. Khi màn đêm buông xuống, cô lặng lẽ nằm trên chiếc giường nhỏ, nhìn lên trần nhà mờ tối. Đôi mắt cô dần nhòa đi bởi nước mắt. Ký ức về mẹ ùa về như những thước phim quay chậm. Cô nhớ lại nụ cười hiền hòa, vòng tay ấm áp, và những lời an ủi dịu dàng của mẹ. - Mẹ ơi, con nhớ mẹ... Sao mẹ lại bỏ con lại một mình như thế này?Những lời thì thầm đứt quãng hòa lẫn trong tiếng nức nở. Giọt nước mắt lặng lẽ lăn xuống, thấm ướt gối. Cô co người lại, ôm lấy bản thân như để tìm kiếm chút hơi ấm còn sót lại. Trong cái lạnh lẽo của căn phòng, cuối cùng, mệt mỏi và đau buồn cũng khiến cô chìm vào giấc ngủ. Vài ngày sau, biến cố lại xảy đến. Người duy nhất mà cô có thể nương tựa bà quản gia, cũng bị bà Lệ Lan đuổi đi. Ngày bà rời khỏi căn nhà, Hân Hân chỉ biết đứng trước cửa, nhìn bóng dáng gầy gò của bà từ từ rời xa. Bà không nói lời nào, chỉ quay lại nhìn cô bằng ánh mắt dịu dàng, ánh mắt mà mẹ cô từng dành cho cô. Cô cố nén nước mắt, nhưng cảm giác mất mát quá lớn khiến cô gần như sụp đổ. Đôi chân cô như muốn chạy theo, nhưng lý trí lại níu giữ cô lại. Bà đã đi xa, mang theo chút hơi ấm cuối cùng trong cuộc đời cô. Đứng lặng người chưa được bao lâu, giọng nói sắc lạnh của bà Lệ Lan vang lên từ phía sau:- Mày đứng đó làm gì? Từ giờ mày sẽ thay thế bà ta, lo mà làm việc đi, không thì đừng hòng ăn cơm!Cô vẫn đứng yên, đôi mắt vô hồn nhìn về nơi xa xăm. Thái độ ấy càng khiến bà Lệ Lan tức giận. Bà ta lao đến, kéo mạnh cô vào trong nhà và quát lớn:- Tao nói mà mày không nghe à? Hay mày muốn tạo dạy dỗ mày thêm?Vừa nói, bà ta vừa không ngần ngại đánh mạnh vào vai và lưng cô. Cô ngã xuống sàn nhà, hai tay che lấy đầu để tự bảo vệ mình. Nhưng cô không khóc, không cầu xin, chỉ lặng lẽ chịu đựng, như một con búp bê vô tri vô giác. Cô ngồi thu mình trên sàn nhà, cảm giác tê tái tràn ngập trong từng thớ thịt. Căn nhà rộng lớn, vốn đã lạnh lẽo, giờ đây như một chiếc lồng giam khổng lồ, giam giữ cả thể xác lẫn tâm hồn bé nhỏ của côNhững ngày sau đó, Kiều Gia Hân, dù chỉ là một cô bé chín mười tuổi, đã phải gánh vác toàn bộ công việc nặng nhọc của một người hầu. Từ sáng sớm đến khuya muộn, đôi tay nhỏ bé của cô không ngừng lau dọn, giặt giũ, phục vụ người nhà. Ở trường, cô là cái bóng mờ nhạt luôn bị Kiều Vi bắt nạt, sai vặt. Về nhà, cô lại trở thành người hầu không công, cặm cụi với những công việc không bao giờ dứt. Người ba mà cô từng yêu thương giờ đây hoàn toàn bỏ mặc cô, không một lời hỏi han, không một ánh mắt quan tâm. Dù vậy, cô vẫn không oán trách bất kỳ ai. Cô chỉ im lặng, ngày qua ngày sống trong bóng tối của sự cam chịu. Ánh sáng duy nhất còn le lói trong cô là hy vọng mong manh rằng, một ngày nào đó, cơn ác mộng này sẽ chấm dứt.