Chương 59: Mùa Gặt Đầu TiênMột tháng sau. Hồng thôn bắt đầu chính thức vào mùa gặt. Các tộc bên ngoài hoàn toàn không có dị động gì, chẳng thấy bóng dáng Dương Việt hay Sơn Việt. Lý Bôn và Triệu Tam Trinh sau thời gian chờ đợi không có kết quả đành trở về xây dựng Âu - Lạc. Theo tin tức truyền về thì hai tộc Âu Việt và Lạc Việt đã chính thức sát nhập lại làm một, tên gọi là Âu Lạc. Lúc này, cánh đồng quanh gò đất Hồng thôn đã vàng rực, người ra người vào tấp nập, khung cảnh đông vui như trẩy hội. Hôm nay tất cả con dân Hồng thôn, trừ những người làm nhiệm vụ nơi xa ra, đều có mặt tham gia gặt lúa. Họ chia ra nhiều nhóm nhỏ. Nhóm chịu trách nhiệm gặt lúa, trên tay cầm liềm sáng ngời. Nhóm thì bó lúa gánh về. Nhóm nhỏ yếu thì đập lúa lấy hạt, nhóm đem phơi,... Ngoài ra còn một nhóm người chịu trách nhiệm chọn lựa những cây lúa tốt, hạt chắc khoẻ để dùng vào việc lai giống. Những người đi đến địa bàn Lạc Việt đã trở về, đem theo giống lúa mới. Nhưng Nguyễn Long vẫn chưa hài lòng, muốn lai thêm nhiều giống có năng suất cao hơn. Thời hiện đại có rất nhiều phương pháp lai giống, nhưng bây giờ thiếu thốn công nghệ, chỉ có thể dùng phương pháp chọn lọc và lai thủ công. Khởi đầu, lựa chọn những cây chắc khoẻ cho hạt nhiều để làm giống. Giống lúa mới đem về cũng như thế. Đem tất cả đi gieo riêng biệt, phải canh thời gian gieo làm sao để cả hai cùng lúc ra hoa. Sau đó lại lấy phấn hoa của cây dùng làm bố thụ phấn cho nhụy hoa của cây dùng làm mẹ. Rồi lại lấy hạt của cây dùng làm mẹ gieo trồng sẽ ra được cây lúa lai. Trong đám lúa lai lại lựa chọn các cây mang tính trạng trội để nhân giống ra nhiều để dành cho mùa vụ mới. Cả quá trình cần sự tỉ mỉ, chăm sóc chú ý từng cây một. Nguyễn Long giao tất cả cho Mai An Tiêm thực hiện. Hắn tin tưởng vào khả năng tìm ra thứ mới của ông, biết đâu lại có thể lai ra giống lúa mới. Nhân số Hồng thôn tham gia gặt lúa có đến hơn bốn trăm người, nên chỉ trong vòng hai ngày, toàn bộ lúa đã được gặt sạch. Nguyễn Long lại cho đốt đồng bắt chuột, rơm thì gom lại ủ, vừa làm phân bón cho khu trồng rau, vừa để có nấm rơm ăn. Lúa được tuốt ra liền đem phơi khô, hiện tại thời tiết nóng hanh, rất phù hợp cho việc phơi lúa nên Nguyễn Long cũng chưa cho người nghiên cứu chế tạo máy sấy. Nhưng cối xay lúa để tách vỏ trấu ra khỏi hạt gạo đã được chuẩn bị từ trước. Chúng bao gồm một thớt trên và một thớt dưới làm từ nan tre, có hình dạng như chiếc cần xé. Thớt dưới được làm cố định, là điểm tựa của cả cối xay, được chèn đất để tăng sức nặng. Thớt trên được trét đất hình dạng phễu để chứa lúa, có thể quay tròn. Hai thớt được tiếp xúc với nhau bằng hai miếng gỗ. Miếng phía trên được đục hình vuông chính giữa, miếng phía dưới có các khe vừa bằng hạt lúa để hạt lúa rớt vào, khi quay có thể tách vỏ trấu mà không làm vỡ gạo. Một thanh trục chính giữa cối xay xuyên từ thớt dưới lên thới trên kết nối với một tay quay bên ngoài, được gọi là ngõng cối. Khi xay, lúa được đổ từ miệng phễu của thớt trên qua lỗ vuông của miếng gỗ trên và nằm ở các khe hở của miếng miếng gỗ dưới. Miếng gỗ và thớt trên sẽ chuyển động tạo ma sát với miếng gỗ dưới làm vỏ trấu bung ra, theo các khe hở mà rơi ra ngoài. Sau đó chỉ cần thu gom chúng lại để ra gió cho vỏ trấu bay hết là được. Cối xay lúa được làm toàn bộ từ những vật liệu đơn giản nhưng kết cấu cực kỳ tinh vi. Nguyễn Long tuy có sẵn ý tưởng nhưng cũng phải cùng nhóm chế tác nghiên cứu hì hục hơn nửa tháng trời, thất bại biết bao nhiêu lần mới có thể thành công. Cũng may hiện tại đã có một số dụng cụ bằng sắt của nghề mộc như đục, chàng, bào, dùi cui, rìu, cưa tay,... Nhóm chế tác do Mai An Long đứng đầu cũng dần dần chuyển qua nghề mộc với những vật dụng có kết cấu phức tạp hơn. Cuối cùng qua nhiều ngày làm việc vất vả, Hồng thôn cũng đã hoàn tất việc thu hoạch lúa và xay thành gạo. Ngoài một số để lại làm giống thì tổng số gạo thu được cũng gần năm trăm ký. Nhìn có vẻ nhiều nhưng thực tế với nhân số hơn bốn trăm người thì chúng cũng chỉ đủ cho họ nấu cháo trong vài ngày. Nhưng đây đã là khởi đầu rất tốt. Thức ăn chính của bọn họ hiện tại vẫn chưa phải là lúa gạo mà là khoai, hạt giấu và các loại cá. Sản lượng cá vẫn còn rất nhiều, khoai và hạt giấu được nghiền thành bột, sau đó lại nhào nặn rồi hấp thành bánh. Việc săn bắt thú rừng bắt đầu ít dần, chủ yếu tìm các loài thú nhỏ để đem về nuôi. Hầu hết các giống loài đã được tìm thấy. Trong đó có hai cặp nghé con và năm con bê, là những giống cực kỳ quan trọng trong nông nghiệp. Đợi khi chúng lớn, có thể dùng làm sức kéo trong việc cày bừa thay cho người. Ngoài ra heo rừng cũng đang được thuần hoá. Gà vịt và các loại gia cầm số lượng tăng lên nhanh chóng, đã đủ để phát cho mỗi gia đình tự chăm sóc. Sau khi hoàn tất hết thảy mọi việc, Nguyễn Long tập họp tất cả mọi người lại và nói:"Hỡi con dân Hồng thôn, chúng ta vừa nhận được thành quả của những gian nan mà chúng ta đã bỏ mồ hôi công sức tạo ra. Từ bây giờ chúng ta đã không còn lo việc thiếu đói. Nhưng như thế vẫn chưa đủ!""Ta muốn các ngươi cùng ta xây dựng một cuộc sống giàu đẹp hơn. Ta muốn các ngươi sẽ tự đứng trên đôi chân của chính mình. Để bắt đầu, từ nay, mỗi gia đình sẽ bắt đầu ăn riêng, tự mình sẽ ra công nấu nướng". Lời vừa dứt, bên dưới liền vang lên tiếng xôn xao, một người mạnh dạn hỏi:"Thưa thủ lĩnh, ăn riêng là làm sao, chúng ta sẽ ăn cái gì?"Từ xưa đến nay, bọn họ, bao gồm cả Hồng Việt, Lâm Việt hay người Hạ đều làm chung ăn chung. Nghe đến ăn riêng bọn họ thắc mắc là việc rất bình thường. "Mỗi gia đình sẽ được phát cho những dụng cụ cần thiết để tự mình nấu ăn, ai không biết nấu thì đi học từ người khác. Tất cả các sản phẩm làm ra sẽ được quản lý chặt chẽ, cứ cách ba ngày các ngươi sẽ được phân phát thức ăn một lần, muốn nấu nướng thế nào thì tùy". "Các ngươi yên tâm, số lượng thức ăn sẽ được tính toán kỹ lưỡng, vừa với nhu cầu của mọi người, hơn nữa các ngươi có thể tự bổ sung thức ăn dựa trên rau màu các ngươi tự trồng trên phần đất của mình". "Ngoài ra, mỗi gia đình sẽ được phát một số gà vịt để tự chăn nuôi. Nếu chúng đẻ trứng, các ngươi có thể giữ lại một nửa bổ sung vào bữa ăn. Nhưng nếu chết hoặc mất mát, các ngươi sẽ phải bồi thường bằng phần ăn hằng ngày các ngươi nhận được". Thấy mọi người vẫn ngơ ngác, Nguyễn Long tiếp tục:"Hiện tại các ngươi sẽ kê khai số thành viên của gia đình mình cho người quản lý, bọn họ sẽ hướng dẫn các ngươi thực hiện những gì ta nói". Người quản lý trong miệng Nguyễn Long hiện tại chính là Cao Bá Quát và một số người hắn tự chọn. Trước mặt họ là một đống thẻ tre được nối lại với nhau để làm thành giấy viết. Mỗi người sẽ viết tên mình vào đó theo gia đình với số thứ tự nhất định. Đồng thời cũng được phát một số tương ứng trong bảng danh sách. Đến ngày nhận thức ăn, bọn họ chỉ cần đem theo số đó đến khu quản lý để nhận phần thức ăn được chia sẵn. Trong bảng danh sách tổng có ghi rõ họ tên, số lượng thành viên để dựa vào đó phân chia hợp lý. Ví dụ: Gia đình 1 có ba thành viên gồm Nguyễn Văn A, nam, 25 tuổi. Trần Thị B, nữ, 20 tuổi. Nguyễn Văn C, nam, 5 tuổi. 1 là số thứ tự của gia đình, cũng là số mà họ sẽ đem theo khi nhận thức ăn. Giới tính và tuổi để căn cứ vào đó phân lượng thức ăn trong ba ngày, mỗi ngày hai bữa, sẽ bao gồm một phần tinh bột (gạo hoặc bột khoai, bột giấu), một phần rau xanh và một phần thịt cá. Những người làm nhiệm vụ xa nhà sẽ có phần riêng, sẽ được ghi chú cụ thể.