Tuyết được các bác giữ lại nhà tổ. Ông Đạo cho rằng tốt nhất nên để cô ở đây có mọi người thay nhau bảo vệ. Tuyết cũng đồng ý, cô không muốn mẹ và Gia Ngọc bị liên lụy. Nếu chúng đang nhắm vào cô thì nên tách ra ở yên bên này. Thiên cũng ở lại cùng cô. Trần gia cũng xem anh như một thành viên. Mọi người nhanh chóng ổn định phòng ốc để chuẩn bị nghỉ ngơi. Phía bên ngoài, một chiếc ô tô đen đã đậu bên đường đối diện biệt thự Trần gia. Người bên trong nhoẻn miệng cười hài lòng mà gọi điện thoại báo cáo. “Cậu yên tâm, tôi sẽ canh chừng viên ngọc quý nhà Trần gia”. Ông nội của Tuyết có bảy người con trai, đặt tên lần lượt là Đạo - Nhân - Trí - Tín - Sinh - Phú - Quý. Mỗi người khi thành gia lập thất lại có hai, ba người con trai. Chỉ riêng mỗi nhà ông Phú là sinh được hai cô con gái. (1)Do đó, hiển nhiên mà Gia Tuyết và Gia Ngọc được xem là bảo vật của dòng họ. Nhìn vào đó cũng hiểu được sự kiêu kì của Tuyết từ đâu mà ra. Từ nhỏ, Tuyết đã theo chân ông nội và các bác, các anh học võ, học kiếm. Có thể nói ông Hưng đã đặc biệt huấn luyện riêng cho cô ngay từ khi lên 7 tuổi. Tuyết với tư chất trời ban mà lĩnh hội rất nhanh. Chiêu thức đánh ra vừa có uy lực, cũng vừa có chiến thuật rất vững vàng. Gia Kỳ cùng những cháu trai khác cũng được ông Hưng chỉ dạy nhưng bọn họ ngoài sức mạnh thì kỹ thuật cũng còn kém Tuyết một, hai bậc. Tuyết được tập riêng mãi đến khi 12 tuổi thì ông Hưng quyết định cho cô ra tập luyện cùng các cháu trai. Ngày Tuyết bước ra sân đấu, ai nấy cũng ngỡ ngàng. Những người cháu trai của ông Hưng khi ấy cũng đã tầm khoảng 15-17 tuổi, sức trẻ hừng hực, khí thế sôi sục cuộn trào. Ông Hưng đưa Tuyết đến vừa là để cô luyện tập sức mạnh sức bền, vừa là để rèn cho đám cháu trai cách tiết chế. Thế trận âm dương kết hợp thế này cũng chỉ có một mình ông Hưng mới đủ tầm điều khiển, chỉ huy. Các bác của Tuyết thì cùng đứng ngoài quan sát, hỗtrợ. Tuyết rất nhanh học được cách uyển chuyển thay đổi lực đánh. Lúc ở nhà do được thỏa sức giao đấu với các anh lớn nên khi lên sàn thi thì những đối thủ nữ ngang tuổi hoặc nhỉnh hơn không còn là trở ngại tâm lý đối với cô. Khi Tuyết mới 15 tuổi, cô đã là một tuyển thủ hàng đầu trong lĩnh vực đấu kiếm liễu chuyên nghiệp. Các giải thiếu niên trong nước và quốc tế đều được cô ôm trọn. Bởi thế mà cô càng cao ngạo bội phần. (1)Người người đều biết Trần gia có truyền thống võ học lâu đời, nhưng họ không ngờ rằng viên ngọc quý thật sự lại là một cô cháu gái. Ông Hưng cũng nhiều lần phạt cô rất nặng vì tội ngạo mạn. Tuyết nghiêm túc chịu roi, chịu quỳ không có lấy một lời oán thán, hay khóc than. Các anh lớn còn sợ một roi của ông Hưng, nhưng Tuyết có lần lãnh trọn 10 roi. (3)Nhưng dù có gian nan thế nào cũng không thể ngăn Tuyết say sưa với kiếm thuật. Cô dành toàn bộ thời gian và tâm trí của mình vào đó, quyết tâm đi trên con đường thi đấu chuyên nghiệp, trở thành huấn luyện viên. Ông Hưng biết cháu mình đặc biệt, từ lúc sinh ra đến khi 7 tuổi cũng đã trải qua không ít nguy hiểm, do đó ông mới quyết định sẽ truyền dạy võ thuật cho cô trước mắt là để phòng thân. Nhưng thật sự không ngờ cô lại học rất nhanh và mau chóng trở thành một tài năng hiếm có. Phía bên nội rất ủng hộ cô, nhưng phía ngoại, rõ nhất từ bà Ngà kịch liệt phản đối, bà chỉ muốn Tuyết theo nghề dược sĩ hoặc thiết kế. Ông Phú và bà vì chuyện này mà tranh cãi không ngừng. Suốt một thời gian thi đấu, Tuyết hoàn toàn không về nhà, nếu không ở võ đường của ông Đạo thì cũng là sàn đấu của đội tuyển. Những lúc ghé về cũng chỉ lấy đồ cần thiết rồi lại tiếp tục lên đường. Bà Ngà càng ngày càng xa cách đứa con gái này. Việc này khiến bà vừa lo lắng vừa tức giận mà thường xuyên cãi nhau với ông Phú. “Em chỉ có mỗi hai cô con gái, anh và gia tộc nhà anh đầy người ra sao không chọn người khác bồi dưỡng, sao cứ nhất quyết phải là con bé Tuyết chứ”. “Ngà à, em nghe anh nói, đấy là đam mê của con, là thiên phú, em không thể trói buộc con mình, bắt ép nó làm điều nó không thích”. “Em không cần biết, chuyện này quá đủ rồi Phú, Gia Kỳ đã thành ra như thế nào rồi anh không thấy sao, em không muốn Gia Tuyết cũng vậy, em không muốn mất con, anh hiểu không?”. Bà Ngà nói xong thì oà khóc nức nở. (2)Tuyết lặng lẽ đứng nép sau cánh cửa chứng kiến tất cả. Cô cũng rất buồn khi ba mẹ lại bất hoà vì mình. Gia Kỳ đã bị chấn thương và mất khả năng thi đấu. Đó là một sự ám ảnh rất lớn dành cho mẹ của cô. Nhưng Tuyết không thể ngăn bản thân mình không chạm tay vào thanh kiếm, đó là sự giày vò đối với cô. Vì để chiều ý của mẹ, Tuyết đã hứa sẽ trở về học dược sau khi hoàn thành giải đấu tại Olympic sắp tới. Cô muốn một lần đứng trên đấu trường đó mà giành lấy huy chương dưới cái tên Trần Gia Tuyết, thể hiện uy phong con cháu họ Trần. Gia Tuyết vừa tròn 18 tuổi đã liền đăng ký hội thi. Cô nhất định phải giành huy chương này. Đó không chỉ cho riêng cô mà Tuyết muốn dùng phần thưởng này làm quà mừng sinh nhật cho Gia Kỳ. Đó là một ý nghĩ đầy ngạo nghễ. “Anh Kỳ, em sẽ đi lấy tấm huy chương đó về cho anh. Em cũng sẽ bắt kẻ đã gây chấn thương cho anh phải trả giá”. Gia Tuyết tuyên thệ rồi đội mũ bảo hộ, tay siết chặt thanh kiếm mà bước ra sàn đấu. Trận đó, Gia Tuyết đã thực sự đoạt được huy chương vàng.