Cuốn sách này không có tiêu đề. Cuốn sách này viết về 1 nội dung gì đó mà hắn không thể hiểu, vì ngôn ngữ Bắc Hà trong sách quá phức tạp. Người viết ra nó thực sự là Nguyễn Mạnh hay sao? Hình như không phải. Thứ bút tích lự lại trên từng trang giấy hoàn toàn không giống cuốn Văn học lý trí mà hắn đang sở hữu. Nói tới bút tích, hắn lại nghĩ tới 1 nhân vật. 1 người bằng cách nào đó lại có mối liên hệ với Nguyễn Mạnh, Từ Nghiệp Hoa. Nhưng bút tích này cũng không thuộc về con người đó. Vậy ai là người đã viết tay toàn bộ cuốn sách này? Tại sao nó lại ghi tên Nguyễn Mạnh trên phần tác giả?Văn cố đọc thử cuốn sách này, nhưng chỉ sau 2 trang giấy đầu tiên, vốn tiếng Bắc Hà chỉ ở mức đọc hiểu sơ cấp của hắn lập tức đầu hàng. Hắn cất cuốn sách đi, rồi lấy ra viên Bạch Long Tinh Hạch mà Đường Thái Nguyên giao cho mình. Với món tặng phẩm này, Văn không thắc mắc quá nhiều. Từ nhỏ đến giờ hắn đã gặp khó khăn trong rất nhiều môn học, điển hình là môn Văn, nên từ lâu đã ý thức được rằng ở 1 số lĩnh vực hắn hoàn toàn không có thiên phú. Tu Tiên có lẽ cũng vậy. Đổi lại, nếu Phạm Phương Linh có mặt ở đây, thiên phú của cô nàng hẳn sẽ gây ra sóng to gió lớn. Không có thiên phú, thì sử dụng vật phẩm phụ trợ có lẽ cũng là chuyện bình thường. Giống như Tâm Linh Sư sử dụng Dạ Liên Thạch vậy. Văn được dặn rằng, lúc tu luyện theo Công pháp của Trúc Sơn thì phải luôn đặt viên Tinh Hạch này bên người, và tuyệt đối đừng để lộ nó ra cho người ngoài thấy. Viên Tinh Hạch màu trắng bạc này chỉ to cỡ ¼ nắm tay, nhưng nặng trịch và có cảm giác mát lạnh khi sờ vào. Dù Văn đã mang nó bên mình vài ngày nay, viên ngọc cũng không hề có dấu hiệu ấm lên. Hắn bỏ viên ngọc vào bên trong lớp áo, giắt dưới đai lưng, để nó tiếp xúc với hông mình, vừa để che giấu với người ngoài. Sau đó, hắn lấy ra 1 cuốn sách nhỏ được đóng gáy bằng 1 đường chỉ mỏng xộc xệch. Ngoài bìa ghi 6 chữ mà như Tiểu Xí từng đọc to lên là Trúc Sơn Sơ Khởi Công Pháp. 1 loại công pháp độc quyền của Trúc Sơn Phái, nhưng cũng là loại thấp nhất, tính bảo mật không quá cao. Tiểu Xí có nói rằng từng nghe đồn những quyển Công pháp này từng được tuồn ra ngoài chợ đen, rao bán với giá rất cao, đồng thời cũng thật giả lẫn lộn không ai biết đâu mà lần. Tiểu Xí ở chung phòng với 1 đứa câm, nhưng càng vì thế hắn lại càng ưa thích độc thoại. Hắn giải thích thêm rằng, Sơ Khởi Công Pháp của Tiên phái, bất kể môn phái nào, cũng đều tương tự nhau. Trúc Sơn Phái có, 3 phái kia đều có, các môn phái nhỏ hơn cũng có. Tuy vậy thì Công Pháp từ Tứ Đại Tiên Phái vẫn sẽ có phần uy tín hơn. Văn mở cuốn sách ra. Sách không dày, chỉ tầm 2 chục trang trên dưới, mỗi trang đều gồm vài cột chữ và hình minh họa. Chữ mô rả không hề phức tạp, hắn có thể đọc được 80%, dựa vào đó phán đoán nốt nội dung. Hình vẽ bên cạnh lại càng dễ hiểu. Thứ gọi là Sơ Khởi Công Pháp, chủ yếu nói về phương pháp hít thở. Điều này vô cùng dễ hiểu. Ở cấp độ thấp nhất, con người chỉ có thể tương tác với Linh Khí xung quanh mình thông qua con đường hô hấp. Hô hấp thì lại chẳng có gì khó khăn với Văn cả. Hắn xuất thân Đại Nam, bộ môn Khí Công dù có là 1 môn học nâng cao, hắn vẫn theo học rất đầy đủ, thậm chí còn ưu tiên hoàn thành hết chương trình phổ thông ngay từ năm lớp 8. Giờ nhìn hình vẽ, đọc ghi chú, và theo như lời dặn của Đường Thái Nguyên, hắn đơn giản làm theo các hướng dẫn trong cuốn Công Pháp. Khởi Nguyên, Hỗn Thể, Hóa Hải, Tụ Đan. Hắn chưa từng làm quen với Tiên Đạo, đương nhiên cơ thể chưa hề sản sinh ra bất kì dấu hiệu nào của Khởi Nguyên. Khởi Nguyên là gì? Trong Công Pháp chỉ mô tả 1 cách vô cùng đại khái và sơ sài: là khi làm theo đúng 20 bước hô hấp để trao đổi Linh Khí trong Thiên Địa, cảm nhận thấy sức nóng râm ran ở Đan Điền, ấy là lúc Khởi Nguyên xuất hiện. “Khởi Nguyên là khởi nguồn của Bản Nguyên Chi Khí”, ngay sau khi phát sách cho toàn bộ Tạp Vụ Sinh sau ngày nhập môn, Trương Đại Vệ có đứng lại giải thích “Khí mà các ngươi hít vào thở ra là Khí của Thiên Địa, không phải của bản thân. Nhưng trong quá trình tiếp xúc với Thiên Địa Chi Khí, cơ thể các ngươi sẽ dần tự sản sinh ra mầm mống của Linh Khí, mầm mống ấy gọi là Khởi Nguyên”. Trúc Sơn Phái thu nhận đệ tử dựa trên tiềm năng, không phải trên thực lực. Vậy nên bước vào môn phái với tư cách là 1 kẻ hoàn toàn không có tu vi cũng không phải hiếm. Hoặc những kẻ đã có chút ít tu vi nhưng khuyết hổng lý thuyết cơ bản cũng có tương đối nhiều. Trương Đại Vệ cũng không tắc trách tới mức bỏ bê không dạy dỗ. Tuy nhiên “dạy dỗ” cũng chỉ có bấy nhiêu, vì Trương Đường chủ còn phải quay về bàn nhậu. Hắn cũng có kèm 1 câu “nếu có gì thắc mắc cứ tới hỏi ta”, nhưng nào ai dám đây? Dưới Trương Đại Vệ còn có rất nhiều vị chấp chưởng hòa đồng dễ mến hơn kia mà, nên tốt nhất cứ quà cáp rồi nhờ vả họ là hơn cả. Văn hiện tại chưa có gì thắc mắc, nên hắn không có nhu cầu hỏi ai cả, mà nếu muốn hỏi hắn cũng chưa biết hỏi bằng cách nào. Hắn đang giả câm mà. Hiện giờ, hắn chỉ ngồi, và hít thở. Hô hấp của con người là việc lặp đi lặp lại những vòng tuần hoàn. 4 năm trước, anh Quang đã từng dạy hắn điều này. Chính anh ta là người đặt những nền móng đầu tiên cho toàn bộ quá trình luyện tập sau này của Văn. Âm Dương. Tất cả những gì Văn đã học trên đất Đại Nam dường như đều xoay quanh 2 khái niệm này. Mảnh đất ấy chịu ảnh hưởng sâu sắc từ những di sản mà Vương tộc để lại: 7 cuốn sách của Vương Nhất Quan. Dù nhiều cuốn trong đó đã thất lạc, những tri thức cổ xưa được lưu truyền lại vẫn được truyền bá rộng rãi trong dân chúng, và khái niệm về Âm Dương đã trở thành thân thuộc với mọi người. Khí Công cũng là 1 môn học vấn chịu ảnh hưởng sâu sắc từ lý luận về Âm Dương này, ít nhất thì ở Đại Nam là vậy. Khí hít vào là Dương, thở ra là Âm. Khí hít vào phải tương đương với Khí thở ra, ấy là sự cân bằng tất yếu. Người tu luyện Khí công đích thực cần không ngừng theo đuổi sự cân bằng trong cơ thể, chứ không phải nôn nóng tìm kiếm sự tăng trưởng. Suốt những năm qua Văn vẫn không ngừng tập luyện bộ môn này, thậm chí hắn tiếp cận nó chỉ sau Võ thuật, sớm hơn cả với Luyện Thể nhiều. Sau biến cố năm đó với Trần Thiên Anh, sau lần đầu tiên sử dụng được Mãn Nguyệt Triều Quyền, Văn tiếp cận với bộ môn Khí Công này lại như cá gặp nước. Hắn chưa 1 lần nào trong đời cảm thấy bản thân phù hợp tới vậy với 1 bộ môn học vấn. Đối với Võ thuật, vì hắn tiếp xúc khi cơ thể còn chưa trưởng thành, Văn luôn có cảm giác mình đang phải nỗ lực vượt quá sức bản thân. Còn với Khí Công, hắn lại liên tiếp đạt được nhiều thành tựu chỉ trong 1 thời gian ngắn. Ngày hôm nay, cũng như mọi lần luyện tập, hắn không hề vội vã nôn nóng, bình tĩnh tiến nhập trạng thái tập luyện.