Mùi tanh của máu nồng nặc khắp khoang tàu. Thôi Phương vừa tu một hớp rượu rum chát, vừa ngán ngẩm nhìn đám thủ hạ dọn dẹp mấy cái xác. Hắn lắc lắc khẩu súng trên tay. Đầu súng vẫn vương mùi khói. Làm cướp biển mà nói, phải đến mức giết chết con tin như vậy là điều hắn chẳng muốn chút nào. Cứ đôi bên cùng vui vẻ mà hắn nhận được tiền thì vẫn là hay nhất. Thôi Phương làm cướp biển, lúc giết chóc thì rất là tàn bạo, nhưng khi đối xử với con tin thì cũng có thể coi là lịch sự đến hết mức. Không hiếp không đánh, ngày 3 bữa cơm, phòng ốc cũng không đến nỗi là quá bẩn thỉu. Nhiều khi con tin còn được đãi ngộ tốt hơn cả thủy thủ đoàn. Giờ cướp biển cũng giống như một nghề làm ăn vậy. Anh đã làm ăn là anh phải có uy tín, phải có quy tắc, phải biết coi khách hàng là thượng đế. Mặc dù khách hàng của anh cũng chính là nạn nhân của anh vậy…Cũng chính vì cái chữ tín ấy, mà một khi người nhà nạn nhân nhất quyết không trả tiền chuộc, thì Thôi Phương buộc phải giết. Nếu mình không giết thì dân trong ngành nó khinh, mà thị trường nó cũng không coi mình ra cái gì. Nạn nhân vừa rồi của Thôi Phương thực ra khá là đáng thương. Lão đã gần 6 chục tuổi mà vẫn lênh đênh buôn bán ngoài khơi. Gia sản cũng không phải là ít, nhưng mà mụ vợ lão thì ăn chơi láo lếu hách dịch hung dữ ảo tưởng lười biếng đua đòi khốn nạn… Lũ con cái thì vô ơn bất hiếu, chỉ biết ăn chơi tẩy táng, chẳng coi ông bố ra cái gì. Lão ở nhà thì chịu cảnh lạnh nhạt hờ hững, tuổi già cô đơn kiếm được cô bồ ân cần tốt bụng thì bị bà vợ phát hiện, kéo cả tông ti họ hàng tới đánh ghen. Cô bồ kia thì bị tạt axit cho nát bét cả dung nhan, còn bị lột sạch đồ ném ra ngoài phố, cuối cùng nhục quá phải nhảy lầu tự tử. Lão thì còn chưa kịp nổi giận, đã bị mụ vợ đè ra vừa chửi vừa đánh, cả thành phố đều biết, nhục nhã đến khốn cùng. Rốt cuộc, chịu không nổi cuộc sống khốn nạn ấy, lão dành hết thời gian theo đoàn thuyền đi buôn bán nhằm quên đi sự đời. Vùng biển phía Tây của Đại Nam có nhiều cảng biển lớn, lại chỉ cách bờ biển Thành Bang không quá xa, luôn rất thuận tiện giao thương buôn bán. Nào ngờ những năm gần đây vì xung đột trên biển giữa Đại Nam và Cận Tây diễn ra ngày càng dày đặc, thương nhân cũng lánh đường mà không tới cảng Đại Nam, phải lui hết về các cảng biển của Bắc Hà. Cũng vì lợi dụng sự phồn thịnh bất chợt ấy, mà nạn cướp biển vốn chỉ lẻ tẻ nhiều nơi, nay bùng phát mạnh mẽ. Các thương nhân bây giờ trở thành con mồi béo bở cho đám phỉ tàn ác. So ra, lão còn gặp may, vì bị cướp bởi Thôi Phương. Trong số 8 thủ lĩnh dưới trướng của Ông Trùm lớn, Thôi Phương là kẻ có quy tắc nhất. Đoàn thủy thủ của lão bị giết sạch, tàu bị đốt cháy, hàng bị cướp phá, nhưng riêng lão thì vẫn được đối xử vô cùng lịch thiệp. Những ngày làm “khách” của Thôi Phương, lão già nay chẳng còn gì trong tay, chỉ còn câu chuyện cuộc đời đem ra kể lể, cũng làm Thôi Phương khóc lóc thương cảm. Hắn đã thương tình hạ giá chuộc lão già này xuống gấp 3 so với bình thường, mà tính ra cũng chỉ là cái móng tay so với gia sản kếch xù của lão trên đất liền. Nhưng đúng như những gì lão già tiên liệu, mụ vợ lão dí l** vào mà giả cho lão 1 xu. Cả đời còng lưng kiếm tiền cho vợ con, cuối cùng bị coi như cục nợ không đáng có, thật sự là ngao ngán chán chường. Đêm qua, lão già cùng Thôi Phương khui một chầu rượu, tỉ tê tâm sự than vãn khóc lóc, còn ôm nhau như đôi tri kỉ quyến luyến không rời. Nhưng đó là cơn say. Khi trời lại sáng, Thôi Phương vẫn phải trở về với vai trò của một người làm ăn, của một thuyền trưởng quyết đoán, của một con người vì nguyên tắc. Giết vẫn phải giết. Nếu hắn tha mạng cho lão già, thì đời cướp biển của hắn cũng bế mạc. Nếu hắn không dám xuống tay mà phải nhờ người khác giết, thì mũ thuyền trưởng của hắn cũng bỏ xuống được rồi. Hắn đích thân bóp cò. Người đàn ông kia trước lúc chết, đã nhìn hắn nở một nụ cười thanh thản. Cám ơn đã giải thoát cho tôi, ông bạn. Giải thoát khỏi bể khổ cuộc đời. Thôi Phương lại nhấp một ngụm rượu. Hắn không buồn, cũng không vui. Hắn chỉ thấy quạnh hiu đâu đó trong lòng. Bất chợt, tiếng còi hiệu rú lên ở cách đó khá xa. Đó là tiếng còi hiệu của tàu mẹ. Ông Trùm Lớn đã phát hiện thấy con mồi ngon ăn. Chuyến này cần huy động toàn bộ các quân đoàn cùng xuất chiến. Đó là thuyền buôn của gia tộc họ Hoàng. Đây vốn luôn là ước mơ của Ông Trùm: đánh cắp thành công một chuyến hàng lớn của một trong Ngũ Đại Gia tộc, sau đó cùng nhau chia chác của cải, rồi giải tán đoàn cướp biển, chia nhau trốn đi khắp nơi mà sống. Chuyến hàng này quả thực là lớn nhất trong lịch sử, đã được Ông Trùm cho người theo dõi từ lâu. Thôi Phương hối thúc đoàn của mình lao vượt lên, chạy tới gần như song hành với thuyền của Ông Trùm. Phía sau, 7 vị thủ lĩnh khác cũng hú hét lao theo. Đoàn thuyền hơn 200 chiếc rầm rộ như một binh đoàn, mang theo súng ống đạn dược đại pháo và đủ mọi loại khí tài khá tối tân khác, cứ thế lao lên. Phía trước bóng dáng đoàn thuyền buôn đã hiện ra. Ấy vậy mà, đám cướp biển càng đuổi, đoàn thuyền lại chạy càng nhanh. Cứ như vậy đuổi tới hơn 6 tiếng đồng hồ, chợt Thôi Phương nhận thấy điều không ổn: Sương mù chẳng biết từ bao giờ đã vây kín lấy đoàn thuyền. Hắn giật mình nhớ lại đoàn thuyền phía trước, cứ cách nửa tiếng đồng hồ thì đoàn thuyền lại như ít đi một chút. Lẽ nào một số thuyền nhỏ đã tách ra, lén lút vây lấy bọn họ, rồi rải sương mù che kín tầm mắt?Vì sương mù này không chỉ đơn giản, mà nhiều lớp, nhiều vòng vây, như một ma trận, chia cắt hoàn toàn các đoàn thuyền nhỏ. Chiến thuật này, rõ ràng là Man Thiên Quá Hải và Thiên La Địa Võng trứ danh của Ám Hành Hội!Thôi Phương biết rằng Hoàng tộc có chút quan hệ với Hà Khuyết Minh, nhưng hắn không nghĩ là Ám Hành Hội dám xen vào gây hấn với cướp biển. Dù có là Ám Hành Hội xuất toàn lực, thì ở trên biển này vẫn không thể là đối thủ so với Ông Trùm. Huống hồ theo hắn thấy, Ám Hành Hội lần này chỉ cử đi vài con tàu giả dạng mà thôi. Thôi Phương còn đang phân vân, thì một thủy thà già lão làng nhất trên tàu hô lên với hắn:- Thuyền trưởng! Gió đã đổi chiều!!!Thôi Phương giật mình hốt hoảng. Gió… sao lại có thể đổi chiều? Hắn lênh đênh trên biển đã bao nhiêu năm, chẳng lẽ còn không thể đoán nổi hướng gió?Lẽ nào… truyền thuyết nói rằng Ám Hành Hội có bí thuật trên thông thiên văn, dưới tường địa lý, có thể dự phán được trời đất thiên địa, lại là thực?Có thể bấm độn Càn Khôn, nghe nói có Hà Khuyết Minh. Lại nghe nói còn có một thủ hạ của hắn, chuyên về bói toán chiêm tinh, vai vế ngang ngửa với Tiểu Phi, đó là Lôi Phú. Kẻ đem tàu nhỏ ra dụ khị bọn hắn, rất có thể là Lôi Phú. Mà tất cả những thứ này, là để làm gì?Là để dụ bọn cướp biển vào trong ma trận của Man Thiên Quá Hải, sau đó lợi dụng gió đổi chiều mà thổi dạt đoàn thuyền của bọn hắn đi một hướng chết người. Hướng Nam!!!Hướng Nam, tức là bây giờ, đoàn thuyền của Ông Trùm đã xâm phạm vào lãnh hải của Đại Nam Đế quốc!Xâm phạm lãnh hải của Đại Nam Đế quốc, sẽ lãnh phải hậu quả gì? Điều này còn khó nói. Nếu quay đầu chạy ngay bây giờ, có lẽ còn kịp. Ai dè, từ phía xa, giọng nói vang vọng của Lôi Phú vang lên, oang oang truyền khắp bốn phương. - Thiết Thủ Trung Tướng Tiểu Hải Vương Vũ Minh Kiệt!!!! Chút thành ý này của Hà Hội Trưởng, Trung Tướng có nhận hay không?!!!!Thôi Phương lại giật mình lần hai. Vũ Minh Kiệt? Tên này 3 năm trước đã trọng thương phải cáo phép đi chữa trị, lẽ nào hắn đã trở lại?Đáp lại lời nói của Lôi Phú, không có câu trả lời, chỉ có một luồng nước xoáy như vòi rồng bắn tới, đánh tan một lúc hơn 20 chiến thuyền. LỜI NHẮNVũ Minh Kiệt come back.