Tôi là Đặng Trần Minh Đức, Minh trong anh minh, Đức trong trí đức. Cuộc đời tôi chẳng có gì cao trào hay đáng tự hào, tất cả đều xoay quanh một người con gái tên Dương Huỳnh Nguyệt Lam. Tôi của năm bốn tuổi, từ thấy Lam là một con bé dễ ghét đến đáng yêu. Cái đầu óc non choẹt của tôi lúc đó phải nghĩ đủ cách để khiến em cười, làm em vui. Tôi rủ em trốn học, lén mẹ móc tiền tiết kiệm trong lợn để mua kem cho em. Tôi chẳng hiểu sao tôi lại thích chơi với con bé "bánh bèo" như em, cứ hễ được nhìn thấy nụ cười chúm chím và ánh mắt to tròn của em là tôi không sao kìm lòng nổi, muốn ở gần em thêm chút nữa. Tôi đã làm đủ trò ngu ngốc để em chơi cùng tôi, mỉm cười thích chí khi bắt được cái nhìn ngưỡng mộ của em lúc nghe tôi khoác lác về một câu chuyện viển vông nào đó. Tôi của cái tuổi ấy thật nông nổi và bốc đồng quá thể, tôi vẫn tin rằng minh đã suýt nữa giết chết em. Hối hận, tội lỗi, tôi mong ngóng từng ngày được nhìn thấy đôi chân sáo của em nhảy qua vung nước đen ngòm, lại được thấy em xuất hiện trước mặt tôi. Tôi thề sẽ không bắt em ăn thứ quả đáng ghét đó đâu. Nhưng Lam không quay về. Em rời đi, suốt mười năm dài đằng đẵng. Tôi không dám chắc mình có "chung thủy" chờ đợi em trong suốt một thập kỷ hay không. Nhưng kể từ khi là một đứa bé đến khi mang trong minh hình hài của một cậu thiếu niên đang tập lớn, cuộc sống của tôi vẫn chẳng xuất hiện thêm ai khác ngoài em. Hoặc vì ăn năn khi chưa kịp xin lỗi em, hoặc là vì sâu trong tiềm thức em đã trở thành một con người đặc biệt trong giấc mơ tôi. Tôi của năm bốn tuổi chẳng hiểu yêu là gì, đã dõng dạc nói rằng tôi yêu em. Và, tôi gặp lại em vào một ngày mưa tầm tã. Cả Uông Bí ngập tràn trong hương hoa sữa tháng mười một của năm cuối cấp. Tôi nhớ khi ấy mình đã rất mệt mỏi vì phải phân bổ thời gian cho quá nhiều thứ: Ôn thi vào mười, học đội tuyển, chuyện gia đình và ti tỉ những vấn đề khác. Tôi cảm thấy chán nản đến cực điểm dù chưa hoàn thành bất cứ việc nào trong tập danh sách chất đống. Bị quá tải dung lượng và chìm trong mớ bòng bong hỗn độn, tôi quyết định đi bộ quanh thành phố để tìm lại tinh thần học tập. Một phản xạ hết sức tự nhiên khi chuyến xe buýt bất chợt dừng lại, tôi bước lên dù chẳng định đi đâu. Ngày ấy, công ty dệt may ở rìa đường Trần Nhân Tông chưa giải thể, lại không có phương tiện đưa đón nên xe buýt lúc nào cũng đông nghịt. Tôi nhìn ngó xung quanh, ngồi xuống chỗ trống cuối cùng trên xe, cứ thế, những người khác bước lên và bắt đầu choán khắp lối đi. Sao cô bạn trước mặt mình có vẻ xanh xao vậy nhỉ? Tôi thầm thắc mắc. Cậu ta mặc đồng phục của trường Nguyễn Văn Cừ, khuôn mặt sau chiếc khẩu trang vẫn hiện rõ vẻ mệt mỏi như đang bị say xe, không nghĩ nhiều, tôi đứng lên rồi chỉ vào chỗ của mình. Một thoáng, tôi phát hiện ra cô bạn này còn nhỏ con hơn những gì tôi tưởng tượng, cậu phải ngước hẳn lên mới nhìn thấy tôi, tần ngần mất vài giây rồi cúi đầu cảm ơn, có một thứ gì đó rơi ra từ cổ áo, tôi bất giác nhìn theo. Chiếc vòng bạc in chữ "Nguyệt Lam" và họa tiết mặt trăng tinh xảo đung đưa trước mắt tôi. Tôi không thể miêu tả cảm xúc của mình lúc đó, hoặc ngay chính tôi cũng không thể biết chắc mình đã cảm thấy thế nào. Tôi tò mò lén nhìn em. Hình như chiều cao của em cũng khá "khiêm tốn" thì phải. Tôi đã ngạc nhiên khi thấy mái tóc ngắn cũn buộc hai bên ngày nào bỗng dưng dài thướt tha, đen nhánh với những lọn xoăn nhẹ. Tôi ngó nghiêng gương mặt em qua chiếc khẩu trang vướng víu, mắt của em lạ quá, không to tròn như trong ký ức của tôi nữa, nó sâu hơn, mang đầy vẻ u sầu trước tuổi mà tôi không tài nào lý giải nổi. Lam đột nhiên nhìn tôi, tôi nhận ra vẻ khiếm nhã của mình liền vội vã quay đi. Tôi cố nén cười, lòng dội lại một sự phấn chấn lạ lùng. Trái đất này thật nhỏ bé, em đã quay lại từ bao giờ mà tôi chẳng biết. Nhưng trái đất này cũng rộng lớn quá, mười năm mà tôi mới gặp lại em. Lam thật khác so với hồi nhỏ, em xinh đẹp và kín đáo quá đỗi. Nếu không có chiếc vòng cổ đặc biệt đó, chắc chắn tôi sẽ không nhận ra em là cô bạn thuở nhỏ vẫn lon ton chạy theo mình ngày nào. Ngày nào mà như mới hôm qua. Thoạt đầu, trí óc tôi rối tung vì hạnh phúc, tôi nghĩ ra hàng trăm viễn cảnh khi chúng tôi gặp lại, nhưng khi vội vã chạy theo lúc thấy em xuống trạm, tôi bỗng chẳng biết bắt đầu từ đâu cả. Tôi nên nói gì đây? Bảo với em rằng tôi chính là cậu bạn đã khiến em suýt chết? Liệu em còn nhớ tôi không, mà kể cả nhớ - liệu em có vui vẻ gì khi gặp lại tôi không?Tôi ngắc ngứ trong cổ họng, mãi vẫn không nói được gì. Đến khi kịp nhận ra thì em đã biến mất trên con đường vương vãi cánh hoa giấy dập nát từ bao giờ. Tôi đoán kiểu gì em cũng quay lại trạm đã xuống, và chờ cậu suốt ba tiếng. Trời tối dần, mưa dội lên mùi đất ẩm và làn nước bị xe bắn tung trên mặt đường. Không biết qua bao lâu, em đột nhiên xuất hiện trước mắt tôi với chiếc ô màu xanh lam. Tôi muốn lại được lên xe buýt cùng em quá, nhưng bố tôi làm cách nào đó đã định vị được vị trí của tôi mà thông báo sẽ ra đón. Tôi lén đưa mắt nhìn Lam, thấy em thỉnh thoảng cũng liếc mắt đến tôi, dù chỉ vài giây thôi nhưng cũng đủ làm tôi bối rối cuộn chặt tay. Hết chiếc xe này đến chiếc xe khác lướt qua, ánh sáng kéo dài trên mặt đường trong giây lát rồi vụt tắt, chuyến xe buýt cuối cùng trong ngày dừng lại, tôi thấy em chần chừ nhìn sang. Nhận ra tôi không định lên, em bỗng dưng đi về phía tôi. Tôi nín thở, không khí xung quanh bỗng chốc bị rút cạn. - Cậu không định về à? Hay mưa quá không về được vậy?Tôi ấp úng không biết trả lời thế nào, bác tài xế sốt ruột bóp còi tin tin, em chợt dúi chiếc ô đang cầm vào tay tôi rồi chạy lên, để lại cho tôi một câu:- Tớ cảm ơn vì chuyện hồi chiều nhé!Tôi ngớ người nhìn theo bóng lưng em, em chạy vội vã lên chuyến xe, vài giọt nước từ đế giày cậu em ra. Mãi đến tận khi xe bố xuất hiện trong tầm mắt, tôi vẫn không sao hoàn hồn được. Về đến nhà, tôi cất chiếc ô của em vào sâu trong ngăn kéo tủ. Tôi tìm em ở khắp nơi, "cắm rễ" cả ngày trên mạng xã hội nhưng vẫn chẳng khai thác được gì. May mắn thay, ông trời đã tạo ra một cơ hội thứ hai cho tôi gặp lại em. Không có chút dấu hiệu báo trước nào, tôi bước vào cổng trường khi đã quá trống, vẫn định sẽ vòng vào căng-tin ăn gì đó, đột nhiên vai tôi bị ai đó gõ nhẹ. Tôi quay đầu lại, và đứng hình mất vài giây. Lần đầu tiên tôi thấy dáng vẻ thiếu nữ của em không bị ngăn cách bởi khẩu trang. Em xinh đẹp hơn tôi tưởng tượng rất nhiều, tôi thấy mình bối rối khó tả, vậy mà em cũng lúng túng chẳng kém gì tôi. - Cậu có thể... cho tớ biết... phòng học tuyển... tuyển sử... ở chỗ nào không?Tôi phải tần ngần lẩm nhẩm lại mới hiểu rõ điều em muốn nói. Lam bây giờ thật khác quá, em chẳng hoạt bát đáng yêu như ngày trước nữa. Tôi nhắm mắt trấn tĩnh, làm sao tôi có thể bắt em ngây thơ như hồi bé được? Tôi vô thức ghé sát em hơn cần thiết, cảm nhận được em đang bối rối né tránh tôi, đoạn đường đến phòng em cần ngắn ngủi mà tôi chỉ rõ lâu. Em cúi hẳn người cảm ơn tôi, tôi nhìn dáng chạy đáng yêu đó, lại nhớ đến nụ cười thơ ngây năm em bốn tuổi. Giá như đầu năm tôi chọn tuyển sử thì tốt biết mấy. Tôi âm thầm tiếc rẻ, vừa bước đến cửa đã bị Gia Khánh chặn lại:- Đức! Mày làm bài tập chưa?Tôi đi thẳng vào lớp, không buồn nhìn nó:- Tự đi mà chép. - Nhưng tao phải chụp ảnh cho câu lạc bộ. Hay mày chụp cho tao đi, chỉ cần đến mấy phòng đang học tuyển tỉnh xong nháy vài c... Ê ê!Tôi giật lấy máy ảnh trên tay Khánh, để thằng bé đứng tần ngần chẳng hiểu gì rồi lại xông vào lục cặp tôi như thổ dân. Bước đi trên đoạn cầu thang quen thuộc, chẳng hiểu sao tim tôi cứ đập từng nhịp rộn rã, tôi lia máy ảnh vào từng ngóc ngách, ngắm nhìn dáng vẻ suy tư cặm cụi viết bài của em. Chiều hôm đó, tôi chụp hơn một trăm bức ảnh, giả điếc khi nghe Khánh gào lên:- Sao mày toàn chụp con bé nào mặc đồng phục Nguyễn Văn Cừ thế này?Đội tuyển của tôi đã tan từ lâu, nhưng tôi phải đợi thêm hai tiếng mới thấy em mệt mỏi bước ra. Tôi thích thú nhìn em, ngồi lặng yên như bức tượng đợi em ra đến cổng trường mới lật đật theo sau. Tôi đã bất ngờ lắm khi thấy em đột nhiên vòng xuống một con đường cũ, trên một đoạn đường sắt dài bỏ hoang, em đi chập chững trên thanh sắt, miệng ngân nga hát một giai điệu nào đó mà tôi không biết tên. Hình như Lam không nhận ra có người đằng sau, em cứ thoải mái thả mình theo những tiếng hát nhẹ nhàng. Tôi đi lững thững đằng sau, tò mò ngắm nhìn bóng lưng em, bây giờ đây, đột nhiên tôi lại thấy em hệt như em của hồi bé, chẳng thay đổi chút nào. Vậy là tôi hình thành một thói quen xuyên suốt mùa đông năm đó: Lén theo em về. Tôi không nhớ mình đã tốn bao nhiêu tiền lên xe buýt để đi cùng cậu trên con đường đến chính ngôi trường của tôi. Đều đặn hai giờ chiều, tôi chờ đợi chuyến xe dừng đến trạm của em, rồi lại chờ đợi em vài tiếng và đi trên đoạn đường sắt đó. Hoàng hôn hắt ngược xuống bóng dáng yêu kiều của em, trong một tích tắc nào đó, tôi tưởng như em đang phát sáng, phát sáng đúng nghĩa. Tôi vốn tưởng em vẫn là cô bé ngày nào, nghĩ rằng thế giới của em vẫn vô tư và hồn nhiên biết mấy, cho đến khi tôi nhìn thấy giọt nước mắt của em, cho đến khi tiếng nức nở của em vang lên bên tai tôi quặn thắt. Ngày công bố giải tỉnh, giáo viên chủ nhiệm lớp tôi cũng là giáo viên dạy tuyển cậu gọi em vào. Chưa bao giờ tôi thấy quý cô đến thế, chưa bao giờ tôi ngắm nhìn em thoải mái đến thế. Kết quả trả về, em được giải ba. Mọi người đều vỗ tay chúc mừng, cả em cũng tươi cười cảm ơn. Tôi đã nghĩ là em vui thật, nhưng hôm nay em không còn ngân nga hát nữa, cũng không dang hai tay tập tễnh đi trên thanh sắt nữa. Tôi thấy em bước chậm rãi, một thoáng, em bỗng nhiên giơ tay lên quệt nước mắt. Hình như Lam đã phát hiện ra tôi rồi, trên trạm xe buýt, tôi căng thẳng đi xung quanh, chưa nghĩ ra phương án giải quyết đã nghe thấy tiếng khóc của em, ghẹn ngào, kìm nén. Tất cả như đọng lại thành một lưỡi dao sắc nhọn xuyên qua tim gan tôi. Khoảnh khắc đó, tôi nhận ra rằng Nguyệt Lam cũng chỉ là một đứa trẻ đang tập lớn mà thôi. Kết thúc việc học tuyển, tôi chẳng được lẽo đẽo theo em từ trạm xe lên tận trường nữa, quãng thời gian cuối cấp của tôi cứ trôi qua đầy tẻ nhạt. Tôi không thích có bố mẹ trong nghề giáo, vì bậc phụ huynh của tôi biết tất cả mọi thứ về cuộc sống của tôi. Bằng mọi cách, mẹ khuyên tôi đăng ký ngôi trường mẹ làm. Cũng bằng mọi cách, tôi ra sức từ chối, tôi không muốn bị kiểm soát. Vậy mà cuối cùng, tôi lại thỏa hiệp đầy tự nguyện. Tôi không thích nghệ thuật, dù rằng bố tôi là một giáo viên dạy nhạc. Từ bé đến lớn chưa bao giờ tôi động vào loại đàn trống nào. Một ngày trước sinh nhật, tôi chán nản xem buổi biểu diễn liên hoan nào đó, tôi vừa ngáp ngắn ngáp dài, ánh mắt dần sững sờ, rồi hoảng hốt. Nguyệt Lam xuất hiện trong bộ váy trắng tinh khôi, trang điểm nhẹ nhàng, mái tóc dài xõa tung. Em của bây giờ còn xinh đẹp gấp vạn lần thường ngày, em tập trung chuyển mình quanh 54 phím đàn, vài lọn tóc theo đó rơi xuống má. Tôi nín thở dõi theo, lần đầu tiên tôi nhìn Lam với ánh mắt nghiêm túc thật sự. Và tự nhiên tôi thấy hình như chơi đàn cũng không tệ. Cũng từ khoảnh khắc đó, tôi quyết định sẽ mặc đồ có màu trắng. Giả như tôi đối với em không thể nổi bật đến phát sáng như em trong mắt tôi, tôi sẽ biến tôi nổi bật theo đúng nghĩa.