Giữa tháng sáu, dù là xem TV, lướt điện thoại hay đi học thêm thì chúng tôi cũng được cảnh báo về sức công phá khủng khiếp của cơn bão số 3 Yagi sắp đổ bộ vào miền Bắc Việt Nam. Nhưng nhắc nhớ nhiều đến đâu thì vẫn không mấy ai thật sự để tâm về nó. Sự chủ quan của mọi người không phải tự nhiên, Đông Bắc nói chung và tỉnh Quảng Ninh nói riêng chẳng bao giờ đón bão nặng, cùng lắm là lụt vào nhà một chút, vậy nên chúng tôi không thể ngờ rằng cơn bão này sẽ rất, rất khác so với những lần trước đó. Buổi tối thứ sáu, thời gian được dự tính là một ngày trước cơn bão thì chúng tôi vẫn đang đi học toán trên trường. Ra về, Đức đột nhiên nhắc tôi hãy cẩn thận. Tôi gạt đi:- Chỗ mình có bao giờ bị bão ảnh hưởng đâu mà. Cho đến buổi tối, tôi bắt đầu nghi ngờ Minh Đức có giác quan thứ sáu. Mở màn cho cơn bão là thông báo ngắt điện trong quy mô toàn tỉnh, tiếp đó là tiếng gió rít gào khủng khiếp, tôi và bác Minh vội vã đóng chặt các cửa sổ để gió không lọt vào nhà. Tôi sợ đến mức nằng nặc đòi bác lên ngủ chung với tôi, cả người nằm trong chăn run cầm cập. Thà rằng nghe tiếng sét đánh, sấm nổ còn hơn nghe tiếng gió rít thế này, bên tai tôi liên tục vang lên tiếng cây đổ từ bên ngoài. Phía dưới nhà, hình như một trong những cửa sổ không được đóng kín đã vỡ tan trước sức mạnh khủng khiếp đó. Tôi tranh thủ còn chút pin điện thoại để cập nhật tin tức, hay rằng cơn bão số 3 đã về đến trung tâm thành phố, khuyến cáo mọi người tuyệt đối không được đi ra ngoài. Các thông tin liên tục được cập nhật, nhiều nhà bị bay nóc, những vùng như ở Yên Bái, Lào Cai còn thảm thương hơn rất nhiều. Tôi nằm co ro trên giường, cảm thấy một đêm chưa bao giờ dài đến vậy. Buổi sáng khi tôi thức dậy thì mọi chuyện đã qua đi. Bác Minh đạp tôi xuống giường, tôi mơ màng theo bác xuống nhà, phát hiện ra cả phòng khách lênh láng đất bùn do nước mưa ngập vào, hai chiếc cửa sổ bị vỡ tan nát, mảnh thủy tinh ở khắp mọi nơi. Đến khi mở cửa ra lại càng ngạc nhiên hơn, hầu như toàn bộ cây vườn trong nhà tôi và cả những nhà của hàng xóm xung quanh đều đổ hết. May mắn làm sao mà cây cau cao vút kia không gãy xuống phòng ngủ của tôi như bác Minh đã sợ hãi. Tôi chống nạnh nhìn hiện trường trước mặt, lao vào nhà ăn sáng qua loa rồi bắt tay vào dọn dẹp. Đúng bảy giờ, tôi vừa bước ra đến cửa thì Minh Đức từ đâu chạy tới. - Nhà cậu có làm sao không? Đường xá nguy hiểm chạy sang đây làm gì? - Tôi sốt sắng. Đức thở hổn hển, tôi phát hiện ra quần áo cậu dính đầy bùn đất. Cậu chống tay vào đầu gối, giọng ngắt quãng:- Tại tớ... lo cho cậu quá. Tôi đành giả vờ mắng mỏ Đức để che giấu đi vẻ ngại ngùng. Vậy là đột nhiên nhà tôi có thêm một "người giúp việc" chăm chỉ, cùng tôi dọn dẹp nhà đến tận trưa. Tôi cùng Đức kéo những cành cây hồng xiêm đã gãy ra đến bãi đất trống. Trên đường đi, tôi không giấu nổi sự ngạc nhiên, hầu như nhà ai cũng bị thiệt hại cây cối và mái tôn, đường xá có nhiều chỗ bị chặn lại. Nhưng bất ngờ hơn cả, tôi chưa bao giờ thấy khu phố của mình nhộn nhịp đông đúc đến vậy. Tất cả mọi người, từ người già đến trẻ em đều túa ra đường, trò chuyện vui vẻ và cùng nhau dọn dẹp. Tiếng chạy đuổi cười đùa vang vọng bên tai, tôi quay sang Đức:- Tớ thấy mình như đang bị lạc trong những thập niên 90 ấy. Từ khi mạng xã hội phát triển chẳng mấy ai ra đường nhiều thế này nữa. Đức cũng ngạc nhiên không kém gì tôi, cậu đáp:- Lam có thấy ánh mắt của những người già xung quanh không? Cảm giác như được quay lại thời xưa ấy. Nếu không tính đến những hậu quả về người và của thì cơn bão này đã cho những đứa trẻ tầm tuổi chúng tôi nhìn thấy rất nhiều thứ. Tôi xuống đến khu phố ở dưới, thảng thốt nhận ra nước phải ngập đến gần mét rưỡi liền vội vã tìm con đường khác, vậy mà người dân ở đây chẳng có chút nào sợ hãi, lại còn vừa chèo thuyền vừa hát nhạc vàng nữa chứ. Nghe các bác kể tôi mới biết toàn bộ hệ thống điện của toàn bộ tỉnh Quảng Ninh đã bị sập, có lẽ chúng tôi sẽ phải quay về thời kỳ đồ đá không điện không nước trong khoảng một tuần, các cột sóng điện thoại cũng bị đổ, mọi người bắt đầu lo lắng vì không biết người thân ở xa thế nào. Tôi thấy lòng mình chùng xuống đôi chút, vì hình như tôi chẳng có người thân nào để hỏi thăm cả. Nhưng như vậy cũng tốt, tôi có thể lấy cớ cột thu phát sóng bị hỏng mà hợp lý hóa cho việc mẹ sẽ không hỏi han gì tôi. Tôi nín cười nhìn bộ quần áo bẩn nhem của Đức rồi kéo cậu ra chỗ rửa tay, không quên làm màu:- Tẹc nước nhà tớ chắc không còn nhiều đâu, phải rửa tiết kiệm nhé. Dứt lời, ngoài cổng liền vang lên tiếng gọi ầm ĩ:- A lô A lô, bạn Dương Huỳnh Nguyệt Lam lớp 10A1 và bạn Đặng Trần Minh Đức lớp 10A5 khóa 39 trường trung học phổ thông Hoàng Văn Thụ đang ở trong số nhà 12 đường Trần Đại Nghĩa nghe rõ trả lời. Tôi chạy ra, Trang, Vi, Linh và nhóm của Việt đang ngồi ba ngồi bốn trên chiếc xe đạp bé tí, rủ tôi đi "phượt" xung quanh thành phố. Đi đến đâu cũng là tiếng cười đùa và nghịch ngợm của đám trẻ con, tôi dùng chiếc điện thoại chẳng còn bao nhiêu pin lưu giữ lại tất cả khoảnh khắc mà tôi nhìn thấy, mấy đứa nhỏ ở đây còn kéo nhau ra cống để bắt cá nữa chứ, thế mà cũng bắt được thật. Điều hạnh phúc nhất mà cơn bão số 3 mang lại cho chúng tôi là được nghỉ học thêm. Ngay buổi tối, như có thần giao cách cảm mà cả lũ lớp tôi kéo đàn kéo đống lên trường, đứa cầm quạt tích điện, đứa cầm nến, chào hỏi các thầy cô giáo đang đứng giữa sân thảo luận rôm rả rồi kéo lên lớp. Tôi nhìn lên trời, nếu bây giờ mà có sao trong không gian tối đen này thì chắc chắn sẽ đẹp lắm. Mở cửa lớp, chẳng hiểu toan tính kiểu gì mà chúng nó rủ nhau kể chuyện tâm linh. Gia Khánh chiếu đèn pin lên mặt, nó cất giọng trầm trầm:- Hồi bé, tao từng bị ma giấu rất lâu, cả nhà phải sốt sắng đi tìm... Tôi sợ hãi nhìn xung quanh, đứa nào đứa nấy cũng run bần bật, tôi cấu tay Đức đến rướm máu mà không biết, Khánh vẫn thì thầm:- Đến tối muộn mọi người phát hiện ra tao bị giấu trong quán net, bố tao trừ tà vật lý nửa tiếng thì khỏi. - Thằng điên này! - Cả lũ gào lên ai oán. Lâu lắm rồi chúng tôi mới có một buổi nói chuyện mà không đứa nào nhìn vào điện thoại, xong thì túa ra từng nhóm nhỏ chơi bài và kể chuyện. Sẽ chẳng có gì đáng nói nếu phần lớn cuộc hội thoại trong ván bài sẽ không diễn ra như thế này:- 2 bích!- 2 cơ! Ha ha ha ha ha chúng mày chết con m... - Nhặt lên. - Hả?- Tứ quý!Đang sắp lại bài, Việt đột nhiên gào lên:- Thằng Đức có ba đôi thông mà không đánh à?Dứt lời, cả đám liền nhìn tôi chằm chằm. Tôi nhún vai chứng minh là tôi không làm gì cả nhưng vẫn nghe thấy tiếng thở dài thườn thượt. Cuối cùng, nhóm chơi bài của chúng tôi hòa 3 đều nên chia nhau ra vật tay để phân thắng bại. - Tớ cho cậu dùng hai tay luôn đấy. Đức nheo mắt cười cười, tôi liền tận dụng cơ hội dùng hai tay thật, vậy mà trận đầu bắt đầu gần nửa phút rồi tay Đức vẫn chẳng nghiêng sang phía tôi chút nào cả. - Đội con gái xác định thua đi là vừa! - Thành Đạt cười đắc thắng, rồi lại hét lên đau điếng vì bị Vi cấu eo. - Cố lên Lam ơi!Ôi tôi cũng đang cố lắm chứ, tôi cảm giác mặt mình đang đỏ bừng lên, sắp đứng hẳn dậy nhưng vẫn không thắng nổi, đành dùng mưu hèn kế bẩn:- Đức cho nhóm tớ thắng đi. - MÀY ĐỪNG CÓ PHẢN ANH EM ĐỨC ƠI! - Tụi con trai gào lên. Đức chẳng có biểu hiện gì đặc biệt. Cậu nhoẻn miệng cười, để lộ ra hàm răng trắng như sứ. Dưới ánh đèn chập chờn, cậu đột nhiên ghé sát tai tôi thì thầm:- Năn nỉ tớ đi. Tôi liền học lỏm chiêu nào đó từng đọc được trên mạng: Nghiêng nghiêng đầu, mắt to tròn chớp chớp đầy ngây thơ, cố tình để mấy lọn tóc mai rơi lòa xòa xuống má rồi nở nụ cười công nghiệp:- Người yêu nhường cho nhóm tớ thắng được không ạ?Trong tích tắc, cánh tay của Đức không còn chút sức lực. Tôi vật mạnh xuống bàn rồi cùng nhóm con gái nhảy tưng tưng, hội bạn Đức thì tức phải biết. - Đúng là sai lầm khi tin tưởng Đặng Đức sẽ công tư phân minh mà. - Đạt ôm đầu. - Sao mày hèn vậy Lam, ai lại lợi dụng bồ bao giờ. - Tại mày không có bồ đó. Hà Vi khinh khỉnh đáp, Gia Khánh liền tự ái bỏ ra chỗ khác. Tối hôm ấy chúng tôi đã chơi quên cả thời gian, đến mức bác bảo vệ thấy có ánh đèn phải lật đật chạy lên đuổi khỏi trường. Trên đường về, đến đâu là chúng tôi lại làm ô nhiễm âm thanh đến đó, quả thực không có niềm hạnh phúc nào sánh bằng. Nhìn ánh đèn leo lắt xung quanh, đi một đoạn dài mới thấy một nhà có máy phát điện, đám Khánh liền tự nhiên như ruồi xông vào nhà người ta nhờ sạc điện thoại hộ. Hôm đầu tiên thì ai cũng vui vì những trải nghiệm mới, đến ngày thứ hai thì tôi mới thấm thía triết lý để đời: Không có điện vẫn sống được, nhưng không có nước chắc chắn chết. Từ nước ăn, nước uống, nước tắm đến nước xả bồn cầu đều hết sạch, vậy là cả phường Vàng Danh thi nhau ùa ra cầu Lán Tháp. Dưới chân cầu Lán Tháp khu chúng tôi sống có một bể nước sạch tự nhiên, thường thì người dân chỉ đến lấy nước, vậy mà hôm nay khi tôi khệ nệ bê thùng nước đến thì thấy người nào cũng mang theo một chậu đầy ắp quần áo và xả nước để... gội đầu. Tôi ngẩn tò te nhìn xung quanh, đột nhiên nghe thấy giọng nói quen thuộc:- Anh Đức xuống tắm nhanh lên mẹ mắng giờ!Tôi nhìn xuống, thấy Trí đang nhảy tung tăng dưới bể nước mà không mặc áo, tay liên tục vẫy vẫy. Lại nhìn sang Đức đang đứng bất động, mặt đỏ như cà chua cuối vụ, hình như Đức phát hiện ra tôi đang ở đây nên không dám xuống thì phải. - Ơ chị Lam cũng ở đây nè, xuống tắm cùng em với anh Đức cho vui!Tôi giật mình ho sặc sụa, Đức càng bối rối, cậu chạy như bay xuống dưới rồi đứng thui thủi một góc tự kỷ, để Trí nhăn mặt như ông cụ non:- Anh Đức như bị điên á, không tắm tối nay em không ngủ cùng đâu. Tôi giả vờ bình tĩnh đợi nước chảy đầy vào bình, tai đột nhiên bị véo nhè nhẹ. - Cậu bắt đầu biết dùng vũ lực rồi đấy. - Tôi quay sang trách móc. Đức giúp tôi đỡ can nước ngày càng nặng, đáp:- Tại cậu nhịn cười đến đỏ ửng cả tai lên thì có. Tôi không thèm đáp, bên tai lại vang lên tiếng thầm thà thầm thì:- Đêm qua tớ chưa được nghe cậu chúc ngủ ngon. Dù rằng Đức đang làm cái hành động nhõng nhẽo trẻ con kia nhưng tôi vẫn không ngăn được mình xấu hổ quay đi, đúng là tình yêu làm cho con người ta không bình thường mà. - Này, cậu không nghe tớ nói à?- Hôm nay cậu phải chúc bù 20 lần đấy. - Ê... Tôi định không thèm trả lời rồi bỏ đi nhưng ánh mắt long lanh của Đức đáng yêu quá, tôi không chịu được. Ngó nghiêng một hồi để chắc chắn không có ai đang quan sát, tôi quay phắt lại và hôn chụt lên má Đức rồi nhanh nhảu bỏ đi. Đến khi chạy được một đoạn xa thật xa và quay đầu nhìn lại, tôi vẫn thấy Đức đứng bất động tại chỗ.