Nguyệt Lam của năm sáu tuổi chẳng biết vì sao mẹ không bao giờ đến gần nó, chẳng hiểu vì sao nó phải rời đi, đi xa khỏi cái nơi nó gọi là nhà. Ông Đăng rút dây chuyền khỏi tay nó, lén lút bế nó khỏi bệnh viện rồi chạy lên chiếc xe tải đỗ trong hẻm. Lam chẳng biết gì về chuyện đó, khi mở mắt, nó đã đứng dưới bầu trời của một thành phố khác. Nó không được gặp bác Minh, không được gặp bạn Bin của nó, nó cũng không được đi học nữa. Bố nó bảo vì cả nhà đang có công việc, không thể cho nó đi học ngay bây giờ được, mẹ nó bảo đem theo cả nó lên nơi này đã là một điều may mắn nhất cuộc đời nó. Lam không còn ở trong ngôi nhà to đùng của nó nữa, nó cùng bố mẹ đi vào một con ngõ hẻm nằm tận sâu trong cái nơi người ta gọi là thủ đô. Biển quán, những thứ lộng lẫy dần biến mất, xuất hiện trong tầm mắt nó là tòa nhà xệp xệ, hôi thối, rong rêu bám đầy trên tường, những hình vẽ nguệch ngoạc, những đứa trẻ ngồi lặng im. Lam sợ hãi níu chặt vai áo bố, ông cúi xuống trấn an, nói rằng nó chỉ phải ở đây vài tuần thôi. Nguyệt Lam đã sống trong khu ổ chuột đó tám năm. Bố mẹ tất bật đi làm, chỉ có một mình nó ở nhà trong mấy ngày trời. Nguyệt Lam chưa quen với việc thức dậy mà bên cạnh không có một ai, nó nhớ bác Minh da diết, cả căn nhà hiện tại chỉ bằng phòng ngủ trước kia của nó. Lam không tìm thấy gì để ăn cả, cơm bị mốc đen, tủ lạnh trống không, nó đã ăn bánh mì thiu vất trong xó, uống nước máy rồi lại quằn quại một mình với cơn đau dạ dày mà không ai biết. Bố của nó chẳng còn là bố của nó trước kia nữa. Bố giống hệt mẹ, chẳng mấy khi bố nhìn nó, đôi khi nó chủ động quàng tay quanh cổ bố, liền bị ông khó chịu hất ra. Không một ai muốn chơi với nó nữa, chỉ còn nó một mình, làm bạn với bầu trời tối đen. Lam thường ngồi hàng giờ ngoài bãi sân chung để chơi với những viên đá cuội, da nó sạm dần, tóc cũng mất đi vẻ đen tuyền. Nó thường xuyên bị lũ nhóc trong khu xóm bắt nạt chẳng vì lý do gì cả. Lam không chống cự, vì ít nhất nó vẫn còn có ai đó bên cạnh, dẫu rằng cách người ta ở bên nó thật đau đớn biết mấy. Nó lén lút xem đám trẻ chơi ô ăn quan, rồi lại cầm gạch vẽ lại theo trí nhớ, nó dùng đống đá nhặt lại lúc lũ trẻ con phát hiện ra mà đáp vào nó. Xếp năm viên một lượt, đến ô cuối cùng, trong tay nó chỉ còn một viên đơn độc. Bố mẹ nó vẫn thường cãi nhau, trước đây Lam không biết vì họ thường tranh luận trong phòng, nhưng bây giờ thì khác, căn nhà đó nhỏ đến mức Lam có thể nghe rõ từng từ từng chữ, từng lời cay nghiệt sắc nhọn mà bố mẹ phun vào người nhau, bởi vì ngôi nhà đó quá nhỏ bé. Trên chiếc giường xập xệ, tấm chăn rách nát và mùi tanh khai, nó cuộn mình vào trong, lén lút khóc rồi thiếp đi lúc nào không hay. Ngay từ khi là một đứa trẻ con, Lam đã hiểu thế nào là đau khổ. Điều đau khổ nhất trên thế giới này là có một gia đình, nhưng họ lại không coi nhau là gia đình. Thứ gọi là nhà trở thành bốn bức tường chật chội, ngột ngạt và bí bách đến tột cùng. Sáu tháng sau đó, nó được đi học. Bố mẹ chẳng đả động gì đến chuyện đó. Bà chủ trọ nói những người nghèo có thể được đi học dễ dàng hơn, nó chỉ cần đến là được. Lam phấn khích cả đêm hôm đó, dù rằng nó không có sách vở, cũng chẳng có bút viết hay một bộ quần áo tử tế, chỉ cần lại được đi học, lại được viết chữ đã đủ để nó vui đến phát điên rồi. Nguyệt Lam bị bắt nạt cả ở nhà và trên trường. Nó chẳng hiểu vì sao lại như thế, nhưng không ai muốn chơi với nó cả, các bạn bảo nó là một đứa bẩn thỉu. Nó nhìn một nhóm con gái nói chuyện, lại nhìn xuống chiếc áo nhơ nhuốc của mình, mím môi chờ cho cơn đói qua đi. Những năm đó, con bé chưa bao giờ lên nổi mười bảy cân, nó gầy gò, da đen nhẻm và gương mặt lúc nào cũng lầm lì, các cô giáo của nó bảo vậy. Nó thường nhìn bố mẹ các bạn đón con về, những chiếc cặp sặc sỡ những chiếc bút mới và những quán kẹo kéo trên đường với vẻ mặt ngưỡng mộ. Nó cũng không muốn nó trông xấu xí, luộm thuộm và lầm lì, nhưng thế giới này chẳng dịu dàng với nó chút nào. Ước mơ đầu tiên của một đứa trẻ thường là siêu nhân, cô giáo hoặc bác sĩ. Nguyệt Lam năm sáu tuổi ước rằng thế giới này không xuất hiện thứ gọi là đồng tiền, mọi người sẽ sống với nhau thật vui vẻ, như vậy thật tốt biết mấy, nó sẽ không còn phải chứng kiến bố mẹ tranh cãi nữa, sẽ không thấy bố cầm dao cùng tiếng hét của mẹ nữa. Lần đầu tiên kể từ khi biết nhận thức, bố đánh nó một trận nhừ tử. Nó cắn chặt răng, xoa những vết lằn rướm máu trên đùi, nó không dám nói cho bố biết mẹ mới là người cầm túi tiền đó đi. Nếu nó dám hé miệng, mẹ sẽ đánh nó gấp đôi những gì bố làm, mẹ đã bảo vậy. Lần đầu biết đọc, thứ nó bặp bẹ đánh vần là hàng tập giấy báo nợ xấu từ ngân hàng gửi về. Lần đầu tiên biết viết, nó đã ghi trong tờ giấy nhàu nát rách tươm, rằng nó muốn chết. Người ta bảo, khi chết đi, con người sẽ đến một thế giới khác, sẽ có một cuộc sống trái ngược hoàn toàn lúc còn sống. Nếu thật vậy thì hẳn khi chết đi, Lam sẽ có một đời khác hạnh phúc lắm. Mẹ nó đọc được những lời đó, lần đầu tiên trong cuộc đời, Lam thấy mẹ nhìn nó cười. - Giá như mày nghĩ ra cái này sớm hơn thì tốt biết mấy. Đừng chết ở nhà nhé, tốn công tao dọn dẹp. Tốt nhất là ra ngoài đường ấy, nhưng mà đừng đâm đầu vào xe ô tô, tội người ta. Cứ lao vào đường tàu rồi nằm xuống, kiểu gì cũng được lên thiên đường đấy. Mặt đất dưới chân như đang rung chuyển theo chu kỳ, đất đá không ngừng nảy lên. Người đi đường đều dừng lại để chờ đợi, đèn pha lẫn vào cả nước mưa kết thanh một khung cảnh mờ nhạt ảm đạm, tiếng còi chói tai liên tục vang lên, xình xịch, xình xịch, nó thầm đếm, rồi lấy đà nhảy vào. - Nguyệt Lam!Cả người con bé bị kéo giật lại, nó ngơ ngác nhìn người con gái út của bà chủ nhà. Một giây, hai giây, Lam nhanh chóng chạy đi, nó sợ người đó sẽ kể cho lũ trẻ con trong xóm rằng nó đang khóc. Cũng vẫn một ngày mưa tầm tã, nó bị một đám đông vây quanh, miệng nó rách ra, máu đỏ chảy thành dòng, hòa vào cả nước mưa loang lổ trên nền đất, một hồi, nó lúi húi nhặt vội những miếng cơm vào hộp, không có ai nhìn, nó lau chùi miếng dò lụa rồi tống sạch vào miệng nhai ngấu nghiến. Ít nhất là vẫn còn có cái để ăn nó vẫn nhớ lần lâu nhất mà nó vật vã với cơn đói là hơn hai ngày, mắt nó như lòa đi, cũng không còn sức phản kháng nữa, rồi người con của chủ nhà lại vào. Nó cố gắng nâng đôi mi nặng trĩu, ngạc nhiên chút ít vì chị Mai không nhăn mặt lại vì mùi tanh khai trên chiếc giường nó nằm. - Mẹ bảo chị mang sang cho em. Cuộc đời Nguyệt Lam chưa từng ăn miếng cơm nào ngon đến thế. Con bé cứ xúc từng thìa lớn vào miệng như sợ ai cướp mất, lẫn vào cả nước mắt. Nhật Mai trở thành người bạn đầu tiên và duy nhất mà nó có trên Hà Nội rộng lớn. Con bé đã quen ở một mình, bỗng nhiên thế giới đơn sắc của nó xuất hiện một người khác cùng nó đi học, nói chuyện với nó, bênh vực nó trước đám bắt nạt, nó thấy không quen lắm. Nhật Mai khác hoàn toàn với Lam, chị vừa năng động hoạt bát lại mang giao diện tích cực, không ít lần đám trẻ tìm cách tách cái Lam ra khỏi Mai bằng những câu như "Con Lam chỉ đang lợi dụng chị để thoát khỏi bọn em thôi" hay đại loại thế. Lam đã chuẩn bị sẵn tinh thần để bị vất bỏ, nhưng Mai hoàn toàn không tin điều đó. - Em viết chữ N đẹp hơn nhiều rồi này, chị thưởng kẹo ba viên nhé!Lam chỉ dám cho một viên vào miệng, nó nhìn Nhật Mai đầy dè chừng:- Chị... chị có thể đừng chơi với em nữa không ạ?- Em ghét chị rồi à?Con bé vội vã xua tay:- Em chỉ... sợ chị sẽ không chơi với em nữa, nếu vậy thì chị đừng ở bên em ngay từ đầu vẫn hơn ạ. Có những đứa trẻ hiểu chuyện đến tàn nhẫn. Đối với Lam, Mai là tất cả mọi thứ mà con bé còn lại trên đời. Nó yêu từ ánh mắt, nụ cười hay đơn giản là cái nhướng mày từ người chị của mình, nó nhìn chị Mai thoải mái ngồi cạnh trò chuyện với nó bằng ánh mắt biết ơn, như thể nó đang được ông trời ban tặng món quà đặc biệt nhất. Năm nó lên lớp bảy, chị Mai đặt chân lên trường cấp ba, nó không thích điều đó, khi mà sự quan tâm của chị chẳng còn xoay quanh nó nữa, nó ghét phải thừa nhận việc mình không thích những người bạn mới bên cạnh chị, được chị san sẻ tình yêu từng chỉ thuộc về một mình nó. Điều mà nó không ngờ đến, Nhật Mai đã tỏ tình với nó. Nguyệt Lam của lúc ấy không thể hiểu rõ thế nào là tình yêu, nó chỉ biết nó rất muốn ở cạnh chị, rất muốn được trò chuyện cùng chị, quên đi thực tại tàn nhẫn đang đổ ập lên đầu một đứa trẻ. Nó không biết thế nào là yêu, nhưng nó nghĩ có lẽ nó cũng yêu chị, và nó đồng ý. Sau này vẫn vậy, Lam không thể có một cái nhìn rõ ràng về chuyện đó. Nó không biết xu hướng tình dục của mình là gì. Nó không thích con trai, cũng không thích con gái, cái mà nó thích là sự yêu thương từ người thật sự coi trọng nó, nó bám vào chị như một cọng rơm cứu mạng. Nguyệt Lam thiếu thốn tình cảm đến mức chỉ cần người ta tốt với nó một chút thôi là nó sẽ nhảy cẫng lên mà yêu người đó ngay. Năm lớp bảy là thời gian mà thế giới này dịu dàng với nó nhất. Lam tưởng như vết thương ngày nào đã lành miệng, đã biến mất, nhưng con bé không biết rằng, thật ra nó vẫn còn đó, chỉ chực chờ một vết xước nhỏ hiện hữu liền quay trở lại để giằng xé con bé hằng đêm. Năm lớp tám, bác chủ nhà trọ bắt gặp đúng khoảnh khắc Mai nhoài người thơm lên má Lam. Lam từng nghe đủ câu chửi rủa trên đời, nhưng nó không thích từ "một lũ dịch bệnh" phát ra từ miệng bà chủ, nó không thích cách gia đình chửi nó là đứa con gái không bình thường có vấn đề về thần kinh. Nó không hiểu tại sao người ta có thể lấy bừa một kẻ xa lạ, nằm chung chăn với họ mà mong chờ rằng họ sẽ đối xử tốt với mình. Thích con gái thì sao, nó có làm gì tổn hại đến ai đâu?Nhưng cũng giống như mặt trăng và mặt trời. Nguyệt Lam và Nhật Mai chỉ có thể gặp nhau hai lần mà thôi. Lam không biết mình đã cảm thấy thế nào khi chị Mai nói rằng nó là người đã quyến rũ và dụ dỗ chị, trước sự chứng kiến của người lớn, chị thề rằng sẽ cắt đứt toàn bộ mối liên hệ với nó, sẽ đi chữa cái bệnh mà người ta gọi là một thứ nhơ nhuốc dơ bẩn. Nó đau đến mức không chảy nổi một giọt nước mắt. Nó từng tưởng tượng phản ứng của bố khi từ cảng trở về, có lẽ ông sẽ rất tức giận, thậm chí là đánh chết nó chăng? Dù điều gì xảy ra thì nó vẫn chấp nhận được, nhưng mẹ nó lại bình thản thu dọn đồ đạc, nói rằng bố nó đã chết. Bố nó cùng con thuyền đã bị nhấn chìm dưới lòng đại dương bao la, bị biển cả giấu đi mãi mãi. Thế giới của nó hoàn toàn sụp đổ. Lam đã từng tưởng tượng đến ngày bước chân ra khỏi khu phố xập xệ đó cả trăm nghìn lần. Nhưng ngày chuẩn bị trở về Vàng Danh theo lời mẹ, nó cứ ngồi đờ đẫn một lúc lâu. - Chị xin lỗi nhé. Nó nặn ra một nụ cười tự giễu. - Lỗi là tại em ạ. Em sẽ không làm phiền chị, không lây bệnh cho chị nữa đâu. Thời gian là một liều thuốc tuyệt vời đến mức vết thương dù sâu đến đâu cũng sẽ lành lại. Nhưng không phải lúc nào thời gian cũng trôi nhanh, có đôi lúc, từng giây phút cũng là dày vò.