Thoắt một cái đã đến cuối năm. Mới ngày nào còn chân ướt chân ráo vào trường mà giờ đây chúng tôi đã trở thành một học sinh quen thuộc, ngày ngày bước đi trên những nẻo đường xưa cũ. Chẳng biết bằng cách nào mà mặc dù ở ban truyền thông nhưng Minh Đức vẫn thò chân được vào phòng phát thanh, vậy là mỗi ngày tôi đều được nghe những bài hát nhẹ nhàng cất lên ngân vang. Cậu ấy lúc nào cũng hỏi tôi thích bài gì, mở vào lúc mấy giờ, điều đó lộ liễu đến mức nhóm Kiều Trang cũng bắt đầu nghi ngờ:- Ê sao mấy hôm nay phòng phát thanh toàn mở mấy bài con nhỏ Lam hay nghe thế nhỉ?- Tao cũng thắc mắc đấy. - Hà Vi đáp. - Mày mua chuộc được câu lạc bộ đấy rồi à?Tôi ngân nga theo lời hát của bài "Die with a smile", nhún vai:- Chắc là do người chọn bài ưu tiên tao chăng?Nhưng đi kèm với những niềm vui thì vẫn không thể thiếu thi cử. Tôi chẳng ngán gì ngoài những hoạt động cần đến thể lực và sức khỏe, nhất là hội thao quốc phòng. Khối mười mới vào nên chỉ loanh quanh các cuộc thi về xếp đội hình đội ngũ và báo cáo trung đội trưởng, nhiều buổi chiều nhóm con trai lớp tôi rón rén chạy sang khối 11 mượn mấy khẩu súng AK47 mà mấy anh chị tập lắp rồi bắn nhau, lần nào cũng như lần nào, cô dạy quốc phòng sẽ bắt được bất chợt và phạt mỗi đứa chạy 20 vòng quanh trường, sau đó chúng nó sẽ canh lúc cô không để ý mà trèo rào đi net. Bên cạnh những ngày tập dượt đội ngũ rồi ngồi nhầm xuống vũng nước thì tôi cũng phải vật vã không ít với chuyện thi cuối kỳ thể dục. Tôi vẫn nhớ rõ trường cấp hai của chúng tôi có một thầy tên Hưng với đúng chuẩn khuôn mẫu "dạy học vì đam mê", tiết đầu là thể dục, vừa trống hết giờ, chúng tôi chuẩn bị kéo nhau lên lớp thì thầy mới lọ mọ đến. - Thầy ngủ quên ạ?- Ừ. Hoặc là:- Giờ không nghiêm khắc với các bạn thì sếp lại gọi thầy lên uống nước chè, các bạn chuẩn bị thi thể dục để lấy điểm nhé!- Không ạ!- Ừ thế thôi, thầy cũng đang lười. Chính vì đã có quen với nếp sống "chợ búa" ở ngôi trường cũ nên khi lên môi trường thật sự nghiêm túc và tiếp nhận thông tin giáo viên ở đây hoàn toàn có thể đánh trượt thể dục, mà trượt thể dục đồng nghĩa với mất học sinh giỏi khiến chúng tôi sững sờ không ít. - Chúng ta sẽ thi cuối kỳ như sau: Tâng năm quả bằng hai chân và đá truyền qua lưới, sau đó người phía bên kia sẽ đáp lại để ta tâng lần nữa. Ba lần thành công coi như đạt. Với nhiều đứa ở lớp tôi, ba lần chứ năm lần, mười lần cũng không thành vấn đề gì. Nhưng với những đứa chẳng bao giờ vận động giống tôi thì phải nói là sống dở chết dở, những lúc vật lộn mãi vẫn đá không qua sân, tôi thấy thà học mười tiết toán liên tục còn đỡ khổ hơn. Và kết quả thì chẳng có gì bất ngờ, cả tôi, Trang, Linh và Vi đều trượt thẳng cẳng, tính mạng đặt cược vào đợt thi lại tiếp theo. Từ lúc nhận thông báo trượt, tôi bắt đầu dành thời gian để tự kiểm điểm mình và nghiêm túc hơn với kì thi, tôi đầu tư gần như toàn bộ thời gian vào đá cầu, dần trở thành người giẫm thảm chăm chỉ nhất trong phòng đa năng của nhà trường. Nhà đa năng của trường tôi ở ngay cạnh phía sân bóng rổ, trong một lần mải mê tập luyện sung sức quá đà, quả cầu của chúng tôi phi ra ngoài sân sau. Tôi và đám Trang không ai chịu ra nhặt, cuối cùng quyết định oẳn tù tì:- Con Lam thua nhé ha ha, bị gài bao nhiêu lần rồi mà vẫn ra lá. Tôi chán nản lê thân xác đã mỏi nhừ đi nhặt cầu, sân bóng rổ lúc này chỉ còn lác đác vài người. Chán thật, quả cầu của chúng tôi rơi vào vũng nước rồi. - Nguyệt Lam?Tôi bất ngờ ngước mắt lên. Minh Đức cả người nhễ nhại mồ hôi, tay cầm quả bóng rổ cũng ngạc nhiên không kém. Tôi nhoẻn miệng cười:- Tớ không biết là cậu hay ở lại trường để tập bóng rổ đấy. - Hôm nay tớ mới thấy cậu ở lại trường, có chuyện gì à? - Đức đáp. Tôi kể cậu nghe về mối nhân duyên tiền kiếp khiến tôi dính phải cái trò thi thể dục chết tiệt, cậu ngớ ra:- Ơ khối mình thi thể dục rồi à?- ... - Nhà ngươi thi một phát là đỗ luôn nên mới không nhớ chứ gì!Chút hờn dỗi của tôi nhanh chóng tan biến khi cậu nói sẽ giúp tôi luyện tập. Vậy là một tuần liền từ 2 giờ chiều đến 7 giờ tối, Đức sẽ giúp tôi truyền cầu qua lưới và điều chỉnh tư thế của tôi cho phù hợp. Cả người mệt lả nhưng vẫn không tiến bộ được mấy tí, tôi mệt mỏi ngồi bệt xuống đất, chẳng buồn đứng lên nữa. - Đừng ngồi. - Đức lôi tôi dậy. - Nghỉ cũng phải đứng, co cơ bây giờ. Tôi nhất quyết ôm chặt thanh hàng rào co ro:- Tớ mệt lắm rồi, không tập nữa đâu!Trong một giây khắc, chút cảm giác muốn từ bỏ trong tôi cháy lên leo lắt, hay là để kỳ II gỡ cũng đâu có muộn. Nghĩ vậy, dù Đức có khuyên răn uốn nắn kiểu gì tôi cũng không chịu tập tiếp nữa. - Đứng dậy nào!- Tớ sắp gãy chân luôn rồi. - Cậu muốn trượt thể dục à?- Kệ đi. - Dậy. - Không. - Tôi bịa. - Tớ hoạt động nhiều chân nhiều thì hay bị đau lắm, chắc do cơ địa. Một lúc thuyết phục không thành công, Đức xách cặp bỏ đi. Tôi đoán Đức vừa giận, ngồi thừ ra rồi chuẩn bị thu dọn đồ đạc về theo, chưa được bao lâu đã thầy Đức đứng như trời trồng ngay trước cửa, trên tay là một túi bóng với chai dầu gió và nước uống các loại. Tôi bỗng thấy mình xấu tính quá thể. Chẳng phải cậu ấy không liên quan gì mà nghỉ tập bóng rổ mà ở lại giúp tôi tập luyện đó sao? Vậy mà tôi chỉ vì gặp chút khó khăn đã nhen nhóm ý định bỏ cuộc rồi. Thấy vậy, tôi nhanh nhảu đứng phắt dậy và không còn cáu kỉnh vô lý nữa. Đức giúp tôi thoa dầu gió và bóp đều cổ chân một lúc lâu. Tôi không dám hó hé gì về chuyện cái chân của tôi chẳng làm sao cả, ánh mắt ôm chặt đỉnh đầu cậu, lòng dội lên những xao xuyến hệt như ngày đầu. Đức mở nắp một chai nước lọc, tôi không nhận lấy, nói:- Tớ muốn uống coca cơ. - Không được. - Đức dúi chai nước vào tay tôi. - Cậu phải tập xong trước đã. Chúng tôi lại đứng hàng giờ ở hai bên lưới. Lần này, tôi tập trung và cố gắng phản xạ nhanh hết sức có thể, đạt chỉ tiêu của thầy hơn ba lần. Trước sự phấn khích như trẻ con của tôi, Đức cong mắt cười cười, tôi chợt nhận ra cậu lúc này cũng chảy nhiều mồ hôi không kém. Tôi thích những lúc Đức ngỏ ý đi về cùng tôi, tôi hạnh phúc đến điên lên được dù chúng tôi chẳng nói gì nhiều. Tôi thích nghe tiếng lá khô xào xạc vỡ nát dưới gót giày, thích nghe tiếng gió thoảng dìu dịu, cuốn theo những chiếc lá và cát bụi thành hình vòng cung trên mặt đất cùng với tiếng quăng lưới của đoàn tàu đánh bắt muộn. Khi mà chúng tôi đi cạnh nhau dưới ánh đèn đường mờ nhòe và vầng trăng chiếu rọi. Chẳng biết bao nhiêu lần tôi nằm một mình và tưởng tượng đến khoảnh khắc cậu kéo tay tay tôi lại khi tôi bất cẩn chạy sang đường mà không chú ý xe cộ, về những lần tôi bắt gặp ánh mắt cậu suy tư, ánh trên môi là nụ cười trầm ấm. Tôi bình thản đón nhận những cảm xúc ấy nhưng không có ý tiến xa hơn. Ngày thi lại thể dục, không biết ban giám hiệu sắp xếp kiểu gì mà A1 A5 lại trùng tiết, thế là những đứa thi lại như tôi đã nhục càng nhục hơn. Tôi chờ đợi đến tên mình, khởi động chân tay rồi tiến vào vị trí. Đáng lẽ ra mỗi người chỉ được thi lại ba lần là tối đa nhưng có lẽ vì thấy tôi bết bát quá nên gật đầu cho tôi tiếp tục thử. Ở lần thứ bảy, cuối cùng quả cầu của tôi cũng sang được sân bên kia. Nhóm con trai A5 vẫn theo dõi nãy giờ đang chán nản liền reo lên rồi vỗ tay chúc mừng, tôi phải kiềm chế lắm mới không nhảy cẫng lên rồi chạy vòng quanh nhà đa năng la hét, thánh thần thiên lý ơi cuối cùng tôi cũng đạt rồi!!Tôi phi như bay đến chỗ đứng của "thầy" dạy thể dục bất đắc dĩ, cậu ấy vẫn theo dõi tôi từ đầu đến giờ, cũng là người xin thầy cho tôi được thử lại, tôi vênh mặt:- Tớ đạt rồi nhé!Đức cười cười không đáp. Như nhớ ra gì đó, cậu mở cặp rồi đưa trước mặt tôi hai miếng băng trắng dùng để dán cổ chân. Tôi cứng họng, cậu ấy vẫn nghĩ tôi bị đau chân thật, chút hổ thẹn ùa đến, tôi đành khai thật:- Chuyện hôm qua là tớ nói dối đó. Câu trả lời của Đức nằm ngoài dự tính của tôi. - Tớ biết. Tôi bần thần không nói nổi một lời. - Cậu biết mà vẫn mua mấy thứ này cho tớ à? - Tôi hỏi. Đức nhét hai miếng băng ấy vào tay tôi, tiện tay vén lại phần tóc mái bết đầy mồ hôi ra sau tai:- Phòng ngừa thôi, tớ thấy hôm qua cậu ôm khớp cổ vài lần. Tôi đùa:- Cậu làm như cậu hiểu tớ lắm ấy!- Tớ biết tất cả mọi thứ về cậu. Tớ hiểu cậu nhiều hơn cậu nghĩ, rất nhiều đấy. Tôi không cười nữa. Tôi không thể đoán ra những ý tứ trong câu nói ấy, là đùa cợt hay thật lòng, là tâm sự hay trách móc. Cũng không thể đoán ra nguyên nhân ánh mắt Đức chiếu vào tôi lúc này. *Giữa tháng mười hai, chúng tôi được triệu tập họp hội đồng để được bổ túc kiến thức về những lợi ích mà đội tuyển cấp tỉnh mang lại. Về cơ hội tiếp cận nguồn tri thức miễn phí, được thử sức với những học sinh khác và mang giải thưởng về. Tôi điền đơn tham gia đội tuyển cấp tỉnh với giải nhì cấp thành phố, trong lòng tràn ngập thắc mắc không biết cậu ấy sẽ chọn môn nào. Ngày hôm sau, Đức chạy sang lớp tôi vào tiết ra chơi, trên tay cầm một tờ thông báo. Tôi ngó quanh, may mà A1 đang hóa siêu nhân chép bài tập toán nên chẳng có mấy ai, tôi tiến đến đọc từng dòng trên tờ giấy cậu cầm, trong lòng bất chợt dội lên cảm giác hẫng hụt đôi chút. - Òa. - Tôi nói, cố đè nén những cảm xúc vô lý. - Được thầy chủ nhiệm tuyển tỉnh gửi giấy mời như vậy thì chắc chắn cậu sẽ học vật lý rồi ha?Đức cong mắt cười, cậu đưa tờ giấy sát tôi hơn và chỉ tay vào một dòng gần cuối. - Lam nhìn này, tuyển lý tổ chức học ở Trường trung học phổ thông Uông Bí, vậy là tớ với cậu có thể học cùng nhau rồi!Tôi nhìn Đức, mọi tâm tư buồn bã đều tan biến. Đúng vậy, giả như tôi có đỗ cả hai môn đi nữa thì việc học vật lý cũng là thứ gì đó quá đỗi khó khăn, vậy tại sao tôi chỉ vì những suy nghĩ của bản thân mà bắt cậu phải chiều lòng tôi được? Cậu ấy thật sự rất giỏi, cậu ấy xứng đáng với những môn học mà cậu ấy thuộc về. Thật ra, Minh Đức trong tôi vốn đã phát sáng đúng nghĩa, rực rỡ và dịu dàng như ánh dương. Quan trọng nhất, Đức đã không che giấu sự vui vẻ của mình khi chúng tôi học chung một trường. Tôi mỉm cười, nhìn thấy cả hình bóng của mình hiện lên trong đôi mắt lấp lánh ấy. Trung học phổ thông Uông Bí là một trường không chuyên tốp đầu thành phố, cuộc thi học sinh giỏi chỉ dừng lại ở vòng cấp tỉnh là cao nhất, vậy nên lũ học sinh chúng tôi dần được miễn rất nhiều hoạt động học tập để tập trung cho ôn luyện. Nghĩ đến việc sẽ được đọ sức với học sinh ở các thành phố lớn như Cẩm Phả, Hạ Long khiến chúng tôi vừa mừng vừa lo, đứa nào đứa nấy cũng kè kè bên quyển sách chi chít chữ hoặc các công thức ngoằn nghoèo. Năm nay, Sở Giáo Dục của tỉnh chúng tôi quyết định chọn trường Uông Bí là nơi tập trung học đội tuyển từ các trường trong thành phố - ngôi trường khủng khiếp vang danh là lò luyện đào tạo nhân tài của tỉnh với số vốn đổ vào mỗi năm không hề nhỏ. Hồi ôn tuyển tỉnh ở cấp hai tôi cũng có cơ hội được học ở ngôi trường này, đường xá và từng ngóc ngác hay đi qua vẫn được lưu giữ kĩ càng trong tâm trí. Trường Uông Bí ở trong trung tâm thành phố, cách khu chúng tôi sống khá xa. Đội tuyển tỉnh các môn cùng nhau họp bàn để thuê một chiếc xe lớn di chuyển cho tiện, tôi từ chối vì muốn được đi xe buýt hơn, giờ tan học thất thường thì cũng không làm ảnh hưởng đến mọi người. Ngày đầu tiên học đội tuyển, tôi đứng ở trạm xe gần nhà, ngạc nhiên đôi chút vì giờ xe buýt chẳng còn phải chen chúc như ngày xưa, cũng không cần xé vé hay nhường chỗ cho nhau nữa. Tôi chọn một chỗ ngồi gần cửa sổ, cắm cúi một hồi để tìm airpod cất trong ba lô. Xe đột nhiên dừng đột ngột, có lẽ là đến trạm mới. Tôi ngước mắt lên về thảng thốt phát hiện ra bóng dáng quen thuộc đang bước lên xe. Cậu ấy ngó nghiêng rồi ngồi ngay cạnh. - Sao cậu có vẻ mất tự nhiên thế?- À... không không. - Tôi lắp bắp. - Tại tớ không nghĩ cậu lại đi xe buýt, nghe nói nhà cậu có xe đưa đón riêng mà. Đức "hửm" nhẹ một tiếng, cậu lần mò thứ gì đó trong cặp, trả lời lơ đãng:- Tớ không thích đi xe của nhà, mất tự do lắm. Nói rồi, cậu kéo ra khỏi cặp... một chiếc airpods, Đức mở nó ra, nhìn tôi hỏi:- Tớ vừa biết một bài hát rất hay đấy, Lam muốn nghe không?- Có. - Tôi đáp, vội vàng giấu biến đôi tai nghe khác đang nắm chặt trong tay. Tiếng động cơ xe cộ, tiếng nói chuyện rì rầm và mọi thanh âm hỗn tạp bỗng chốc vụt tắt, tôi nhắm mắt, reo lên khi vừa nghe thấy những giai điệu đầu tiên:- "The way i still love you" đúng không?- Ừ. - Đức đạp gọn, ánh mắt nhìn tôi nhuốm đầy suy tư. Tôi không nhận ra chút khác thường, vẫn vui vẻ thảo luận:- Tớ biết bài này rất lâu rồi, tớ thích instrumental của nó, cả giọng nam nữa. - Tớ chỉ biết mới đây thôi. - Đức nói. - Tớ đã bất ngờ lắm vì lời bài hát giống tớ quá. Tôi tò mò nhìn sang, Minh Đức cũng đã từng thích một ai đó rất lâu à? Tôi hỏi một câu nguyên văn những gì đang nghĩ, Đức phì cười:- Không phải là "từng" mà là "still", đến bây giờ tớ vẫn rất thích người ấy. Tôi ồ một tiếng, không phát hiện ra ánh mắt Đức nhìn tôi đầy thất vọng. Trên chiếc xe buýt cũ kĩ, tôi hướng mắt ra cửa sổ, ánh sáng vụt qua, kéo dài trong con ngươi rồi lại vụt tắt. Tôi mấp máy môi lầm bầm hát theo, đôi chân không yên vị mà đung đưa khe khẽ. Tôi không biết rằng, phá bên cạnh vẫn luôn có một ánh mắt hướng về tôi chăm chú. Điện thoại nhảy quảng cáo, cả tôi lẫn Đức đều không hẹn mà đưa tay muốn tắt nó đi. Bàn tay chúng tôi chỉ sượt qua nhau thôi nhưng cũng đủ khiến cả hai luống cuống. Vài lần xe phanh đột ngột, tôi mất đà ngã dúi dụi về phía trước, kể từ đó Đức gần như học thuộc trạm mà xe dừng để đưa tay ra đỡ. Tôi xấu hổ ngồi thẳng người. Cậu ấy quay đi, cả hai vành tai đều đỏ lựng. Tôi loạng choạng bước xuống xe, thu vào tầm mắt tất thảy những cảnh vật quen thuộc. Đức dẫn tôi đến bảng thông báo, dò tìm lớp học và chào tạm biệt nhau. Tôi bước vào lớp, ngỡ ngàng vì mỗi phòng ở đây rộng hơn trường tôi rất nhiều, lại có đến 6 cái điều hòa. Cô giáo cũ của tôi luôn nói "tri thức sẽ đư ta đến những nơi đẹp đẽ", tuy tôi chưa thật sự được tới những nơi đẹp đẽ đúng nghĩa nhưng khi được ngồi ở một trong những ngôi trường nổi tiếng nhất tỉnh, lắng nghe phương pháp dạy học đúng đắn và tiếp cận nguồn tri thức mới lạ, tôi đã biết ơn biết bao vì mình có cơ hội được học tập ở một môi trường tuyệt vời đến vậy. Cuối giờ, vì cố gắng chữa hết bài học nên chúng tôi tan muộn đôi chút, tôi cùng mọi người xếp lại ghế vào góc phòng. Truyền thồng mỗi trường mỗi khác, như ở cái "lò" của tôi thì làm gì còn có chuyện học sinh ngoan ngoãn lễ phép như thể này. Không biết Đức từ đâu xông vào rồi hùng hổ bê cùng, có điều hình như giáo viên biết cậu ấy thì phải, cứ khen ngợi hoài à. - Nay chắc cô bước chân phải ra đường mới được học trò cũ tới thăm ấy chứ, hay là Đức đang để ý bạn nào. Đức không trả lời. Ừ, cậu ấy không trả lời nhưng lại đi ra đỡ cái ghế thành chồng giúp tôi thì cũng có khác gì khẳng định đâu, hậu quả là cô Thu bảo tôi là "người yêu" của nhất vật lý thì phải gấp đôi người thường, buổi sau kiểm tra bài cũ lẫn bài mới. Tôi liếc sang định giận dỗi mấy câu nhưng chưa kịp làm mình làm mẩy thì Đức đã chạy lon ton đi mua hai cây kem rồi. Trên đường về, tôi lục lại kí ức trong cái đầu toàn là sác xuất với véc-tơ, quay sang nói:- Tớ biết một đường để đi ra trạm nhưng hơi xa, nên cậu cứ đi đường của cậu đi, tạ... - Cho tớ đi với. Tôi im lặng không đáp, cứ như em bé đòi đi chợ cùng mẹ vậy. Đi qua một con dốc toàn là hoa cỏ, tôi mò mẫm một hồi, cuối cùng cũng nhìn thấy những canh vật quen thuộc. - Đây này. - Tôi chỉ xuống lối đường tàu trước mặt. - Đoàn đường này bị bỏ rồi, có nhiều hoa dại mọc lên lắm, tớ tìm ra nó ngay hôm đầu tiên đi học luôn đó!Tôi nhìn ngó xung quanh, cảm thán:- Năm ngoái tớ học tuyển ở đây, xe buýt mãi chưa đến nên chạy đi xung quanh chơi, vô tình tìm ra con đường này, nó như kiểu tách biệt hoàn toàn với nhịp sống bên ngoài luôn ấy. Thế là từ đó tớ toàn nhảy tung tăng trên đường này thôi, ở đây vẫn chẳng thay đổi gì cả. - Tớ biết mà. - Cậu biết gì cơ?- À, không. Tôi nhìn cậu khó hiểu, Đức cong mắt cười nhue đang chìm đắm vào dòng kỉ niệm nào đó, cậu nhìn tôi đi khập khiễng trên thanh đoàn tàu, lát sau, bàn tay đang đung đưa của tôi được một bàn tay khác giữ lấy, cậu ấy đi ở thanh sắt còn lại, tôi bước từng chút một:- May mà đây là tuyến đường sắt bỏ đi chứ dám đi như này chắc cũng lên trời sớm. Đức ngân nga theo một giai điệu nào đó mà tôi không biết, khi ra đến đường chính, tôi cúi đầu nhìn đồng hồ, nói:- Tớ biết một trạm xe buýt khác phía trên ở gần công viên với Big C nữa, hay bây giờ cậu cứ ở đây nha, tớ lê... - Đã bảo tớ đi mà, sao cậu cứ đòi bỏ tớ lại thế?Tôi chỉ sợ phiền Đức thôi mà, sao lại thành tôi bỏ cậu lại thế này!Nhịp sống ở trung tâm thành phố khác với ngoài rìa như chúng tôi quá đỗi. Đi đến đâu tôi cũng tò mò ngó nghiêng xung quanh, miệng liến thoắng kể lại một bộ phim nào đó hoặc một bài viết vô tình đọc được trên mạng, thoáng chốc đã đến trạm xe buýt ngày trước. Tôi kéo Đức chạy sang, hồ hởi kể lể đủ thứ đã làm một mình vào những ngày lớp chín. Vậy mà cậu ấy chẳng chê nhạt nhẽo đâu, vẫn chú tâm lắng nghe, thi thoảng lại nhoẻn miệng cười ở những đoạn chẳng có gì hài hước. - A ha ha ha xin chào những nhân tài của trung học phổ thông Uông Bí!Chúng tôi giật mình quay ra sau, nhóm Gia Khánh và Hà Vi đang chạy tung tăng từ Big C ra, tay đứa nào đứa nấy đều đầu ắp, chỉ có Khánh là không cầm gì. Tôi tiện miệng hỏi:- Khánh không mua gì à?- Khiếp tao đi chung với nó mà ngại cả người ấy. - Vi đáp. - Đi vào một cái siêu thị to tướng rồi mua hẳn cái kẹo cao su 1 nghìn. Trang đồng tình, vẻ mặt nhìn Khánh đầy khiếp sợ:- Mày không biết đâu, lúc thanh toán bọn tao phải đứng cách xa nó cả trăm mét cho đỡ nhục, nó thì cứ tỉnh bơ như không ấy. Chị thu ngân còn bị "xịt keo" một lúc nữa cơ, bọn tao cá cược với nhau xem chị ấy có làm hóa đơn không... - Thế có làm không? - Tôi hỏi. Gia Khánh móc từ túi ra một tờ trắng trắng, miệng vẫn đang nhai tóp tép miếng kẹo cao su:- Có nhé, tao khen chị í xinh gái xong chị í còn hỏi tao có cần cho kẹo vào túi không cơ. Cả đám cười bò, ba hoa tán phét một hồi thì nhóm Trang phải chạy về trường cho kịp chuyến xe, tôi vẫn đang cười cười mày quay qua nhìn Đức thì vội thu hồi, sao mà mặt Đức như đang giấu dao găm vậy. - Sao thế?- Khánh không mua gì à, Khánh không mua gì à, lại còn cười tít cả mắt nữa chứ. Tôi khó hiểu hỏi lại, khổ nỗi nói câu nào là Đức bắt chước y chang câu đấy. - Có thôi đi không?- Có thôi đi không?Tôi vừa tức vừa buồn cười, chán chẳng thèm đôi co nữa. Đức ngồi cạnh vẫn làu bà làu bàu lèm bà lèm bèm. Cáu quá, tôi quay sang dùng hai tay ép má cậu ấy lại. - Đừng có nhại tớ nữa!Kết quả là Đức cười, còn tôi giật mình rụt tay lại.