Hoàng Quý Phi

Chương 9: Chuyện nhận nuôi

30-11-2024


Trước Sau

Bẩm, bên nội phủ còn nhiều nho Tây phiên tiến cống, nô tỳ làm thân được với Dư công công bên ấy nên mang về cho nương nương nếm thử.
- Hai người bọn họ bảo muội nói thế à?Lâu Nguyệt Dao bật cười nhìn đĩa nho Tây phiên đặt trên chiếc bàn giữa tẩm phòng.
Không giống như những loại nho tím đầy rẫy khắp nước Thân, nho Tây phiên màu xanh nhạt, thịt quả tươi mọng, ngọt ngào, mà lại không có hạt.
Mỗi đợt Tây phiên tiến cống không vượt quá mười sọt.
Hoàng đế ngoại trừ ban ơn cho các phi tần di sương* có tiếng nói trong cung, Hoàng hậu, hoàng tử công chúa và các quan đại thần được sủng tín* thì sẽ thưởng cho vài phi tần mình sủng ái.
Mười sọt nho chia cho nhiều đối tượng như thế thì còn đâu ra nữa mà bảo là nhiều?- Vâng.
- Nhâm Hòa bất đắc dĩ vâng dạ.
Cô luôn cảm thấy mình chẳng qua mắt nổi tiểu thư bao giờ.
Lâu Nguyệt Dao khi còn là Vinh phi - một trong bốn vị phi tần phẩm cấp cao trong cung thời ấy cũng thường xuyên được nếm thử.
Giống nho Tây phiên này chẳng xa lạ gì với nàng.
Có lẽ hôm ấy nàng đã diễn quá lố, khiến Tôn quý nhân và Liễu tuyển thị canh cánh trong lòng mãi nên mới có chuyện hôm nay.
Hai nàng còn bận tâm đến lòng tự tôn của nàng, không trực tiếp mang đến mà phải vòng vèo đường xa bảo Nhâm Hòa nói dối, giả vờ như bên nội phủ còn thừa nho Tây phiên, giả vờ như chẳng phải bọn họ ban ơn cho nàng.
Đúng là hai đồng minh đáng tin cậy.
Lâu Nguyệt Dao nhận lòng tốt của hai nàng Tôn, Liễu, cũng không vạch trần nữa.
Nàng ngẫm nghĩ đôi chút rồi bảo Nhâm Hòa:- Muội lấy cái kéo cắt cho mình, Trình Uyển, Lý Liên mỗi người hai quả nho.
Các muội đều đã giúp đỡ ta, đều nên được thưởng.
Nhưng ta không thể cho các muội quá nhiều, dẫu sao nho này cũng là tấm lòng của Tôn quý nhân và Liễu tuyển thị.
Để bọn họ biết được thì không hay.
- Bẩm, được nương nương nhớ thương, chúng nô tỳ cảm kích không hết nữa là chê ít.
Nô tỳ xin thay mặt Trình Uyển, Lý Liên tạ ơn ân điển của nương nương.
Lâu Nguyệt Dao đã liệu trước được ý định của Hoàng đế khi đá mình và Từ Tố Chiêu sang một bên, không thèm ngó ngàng tới.
Kiếp trước tình trạng thất sủng của Lâu Nguyệt Dao và Từ Tố Chiêu cũng xảy ra trọn một năm trời mới chấm dứt.
Từ Tố Chiêu quả thật rất may mắn.
Biên giới phía bắc nổ ra họa ngoại xâm, phụ thân của nàng - tướng quân Định Viễn, Lương quốc công nhận hoàng mệnh lĩnh quân đánh dẹp.
Để làm yên lòng Lương quốc công, Hoàng đế Nguyên Hựu bắt đầu cho triệu hạnh nàng, mở ra con đường lên thẳng bậc Quý phi tòng nhất phẩm, hưởng ơn vua những mười mấy năm không suy.
Tiểu thư nhà họ Lâu không được số hưởng như Từ Tố Chiêu.
Nàng chỉ là con gái quan ngũ phẩm ở bộ Lại.
Chỗ béo bở chẳng bao giờ tới phiên cha nàng được hưởng.
Dòng họ cũng không hiển hách, còn chẳng được tính vào hàng thế gia.
Tổ phụ của nàng đỗ tiến sĩ dưới đời tiên đế Thế Tông.
Khi ấy, tổ phụ đã hơn bốn mươi tuổi, ra làm quan bốn năm thì chán cảnh quan trường, xin từ quan về quê, năm năm sau thì cưỡi hạc chầu trời*.
Phụ thân là con trai độc đinh của tổ phụ.
Hiện nay ông có cả thảy ba đứa con trai.
Trưởng tử Bảo Lân do phu nhân nguyên phối Lan thị - mẹ đẻ của Lâu Nguyệt Dao liều chết sinh hạ.
Nhị công tử Bảo Quý do kế thất Hạ thị vốn là quý thiếp được phù chính sinh ra.
Tam công tử Bảo Kim là con của người thiếp Lý thị.
Cả ba đều nhỏ tuổi, chưa thể tham gia khoa cử tính đường công danh.
Lâu Nguyệt Dao thân là trưởng nữ trong nhà, từ nhỏ đã quyết chí mở đường tiến thân cho các đệ đệ, muội muội của mình.
Kiếp trước, nàng là người cuối cùng trong lứa phi tần tiến cung thông qua kì tuyển tú mùa xuân năm Nguyên Hựu thứ tư chưa được thị tẩm.
Lâu Nguyệt Dao không chấp nhận nổi rằng kẻ lòng dạ cao ngất trời như nàng lại phải thua kém những nữ nhân mình không để vào mắt.
Trong lúc nản lòng thoái chí, Lâu Nguyệt Dao ra vườn ngự uyển dạo quanh bờ hồ Thủy Bích.
Dòng nước mát lành khiến nàng tạm quên đi những phiền muộn, làm ra một hành động táo bạo, phạm phải điều cấm kỵ của một tiểu thư khuê các - để lộ đôi chân.
Song cũng chính nhờ lần tùy hứng đó, Hoàng đế cho triệu hạnh nàng.
Kiếp này, Lâu Nguyệt Dao cũng đã có tính toán riêng.
Nàng sẽ không dùng tới những chiêu trò dụ dỗ quá mức lộ liễu nữa.
Lâu Nguyệt Dao hạ quyết tâm phải tiến vào tầm mắt của Hoàng đế bằng một phương thức độc lạ khiến ngài trọn đời khó quên.
Với cả, lỡ như nó có bết bát thế nào thì cũng không thể thua kém Từ Tố Chiêu được.
Chỉ là nàng chẳng thể ngờ, cơ hội lại tìm đến với mình sớm như vậy.
Ngày hôm ấy, Hoàng đế Nguyên Hựu vừa hạ triều thì nghe tin Hoàng thái phi cho đòi Lâm viện phán tới xem mạch.
Ngài bèn khởi giá đến cung Vĩnh Ninh.
Trong đoàn cung tỳ, thái giám lít nhít nối đuôi theo hầu thánh giá khi ấy có một người sở hữu mái tóc bạc trắng rất nổi bật.
Hắn chính là Lã Xuân Ẩn, năm nay mới hơn hai mươi tuổi đã trở thành hồng nhân trước ngự tiền, được hoàng đế tin cậy sâu sắc.
- Ẩn gia.
- Cung tỳ cung Vĩnh Ninh uốn gối hành lễ với đôi gò má đỏ hây hây và giọng nói mềm mỏng như sắp nhỏ nước tới nơi.
Đó đã là thái độ thường thấy của đám cung tỳ trong nội cung khi được gặp Lã Xuân Ẩn.
Dù y là thái giám thì dung mạo ấy vẫn khiến cho nhiều nữ nhân thầm thương trộm nhớ.
Mái tóc chuyển sang màu bạc ánh trăng độc nhất vô nhị vì trúng kịch độc khi đỡ đao thay hoàng đế khiến những nữ nhân cô đơn tịch mịch chốn tường hồng khó tránh khỏi mơ màng, mê đắm.
- Ngoài này nắng lắm, mời Ẩn gia quá bộ sang gian điện mé tả*.
Bên ấy đã bày sẵn trà nước, bánh trái cả rồi.
Chuyện ở nơi đây xin hãy giao cho chúng nô tỳ đi thôi.
Trời này mà nắng ư? Lã Xuân Ẩn vung phất trần vắt sang khuỷu tay trái.
Áo bào đỏ bao bọc lấy cơ thể hơi gầy gò của y.
Hàm ý tà tứ ẩn sau nụ cười trên mặt không sao cắt nghĩa được.
- Cảm tạ ý tốt của các cô nương.
Xuân Ẩn phải ở đây đợi lệnh bệ hạ.
E rằng không rời đi được.
Mặt cô cung tỳ nọ càng đỏ hơn, bừng bừng như bị sốt.
Cô ta đắm chìm trong niềm vui sướng vì được Ẩn gia đáp lời, không để ý tới đôi mắt người nọ lạnh tanh, không chứa ý cười.
Lã Xuân Ẩn không nói thêm.
Y quay mặt về phía cửa son.
Cái bóng lưng thẳng tắp, kiêu ngạo ấy thật sự chẳng giống một kẻ đã bị tiệt đường con cháu chút nào.
- Sao bệ hạ lại tới đây? Ta chỉ hơi mệt nhọc chút thôi.
Bọn cung tỳ, thái giám lại tới làm phiền con ư?Trong cung Vĩnh Ninh ngập mùi khói thuốc.
Hoàng đế nhận chén thuốc đen ngòm mới sắc xong từ tay cung tỳ Tô Thiến, múc một muỗng đầy, tự tay thử thuốc, thử độ ấm rồi mới đưa tới bên miệng Hoàng thái phi.
Trán Hoàng thái phi mang một chiếc mạt ngạch.
Lưng bà tựa vào gối mềm.
Bà không trang điểm cũng chẳng buồn vấn tóc, thần sắc già nua, rệu rã.
Mấy nay trái gió trở trời, Hoàng thái phi cũng khó tránh khỏi tái phát căn bệnh đau đầu do tuổi tác ngày một già đi.
- Lúc trẻ ta đã không giúp đỡ được gì nhiều cho bệ hạ.
Về già lại khiến bệ hạ phải tổn hao tâm sức.
- Hơi thở Hoàng thái phi khó nhọc.
Bà lẩm bẩm tự trách mình.
Hoàng đế mím môi, đặt bát thuốc lên chiếc khay do Tô Thiến đưa tới.
Ngài quỳ xuống trước giường Hoàng thái phi, khẩn khoản giãi bày.
- Mẫu phi đã nuôi nấng con nên người, sao lại nói là không đỡ đần được gì cho con? Xin mẫu phi chớ tự trách mình nữa.
Mẫu phi hãy uống hết bát thuốc này đi.
- Sao bệ hạ lại phải quỳ? Tô Thiến đâu, còn không mau đỡ bệ hạ?Hoàng thái phi thảng thốt gọi.
Có lẽ bà định xuống giường tự tay đỡ Thân Long Chương dậy, nhưng vừa nhổm dậy, cơn đau đầu choáng váng lại ập đến khiến Hoàng thái phi phải chống tay lên gối đầu.
Cả người bà phải tựa hẳn vào gối để ổn định thân thể, tay còn lại ôm đầu, sắc mặt tái nhợt.
Hoàng đế kinh hãi vội bật dậy, tiến tới ngồi quỳ bên giường Hoàng thái phi, khẽ gọi:- Mẫu phi! Mẫu phi!Lát sau, Hoàng thái phi mở hé đôi mắt đã đục ngầu của mình, thảng thốt gọi.
- Long Chương! Long Chương!Nghe bà gọi tên mình, Thân Long Chương lại gần, nắm lấy tay bà áp lên mặt mình.
- Con ở đây.
Thưa mẫu phi.
- Cả đời mẫu phi may mắn được hưởng ơn trạch của đức Thế Tông Hoàng đế.
Đến nay ta được an hưởng tuổi già, chẳng còn thiết tha gì hơn nữa.
Bệ hạ đã ngồi vững ngai vàng, cần cù chăm lo chính vụ, chính trị thanh minh.
Bệ hạ không muốn lập hậu, ta cũng nghe theo.
Nhưng chỉ có một điều mẫu phi vẫn chưa yên lòng.
- Hoàng thái phi thều thào.
- Mẫu phi chưa yên lòng về chuyện gì? Con sẽ dốc sức giúp mẫu phi hoàn thành tâm nguyện.
- Hoàng đế nhẹ giọng hỏi.
- Thê tử kết tóc của con hoăng* quá sớm, để lại cho ta một đôi tôn tử, tôn nữ.
Duy Thượng là đích tử, chuyện nuôi dạy nó đã có bệ hạ lo, mẫu phi không tiện nhúng tay tới.
Nhưng còn Vĩnh Xuân? Nó mới có bảy tuổi, sinh ra đã ốm bệnh.
Cứ để nó ở một mình trong cung Khôn Nghi làm sao mà ổn đây? Ít nhiều gì cũng phải tìm cho nó một người mẫu phi dịu dàng, biết săn sóc tới chăm nom cho nó chứ! *phi tần di sương: phi tần còn sống của các đời vua trước*tả: bên tráihữu: bên phải* sủng tín: tin cậy, sủng ái* Cưỡi hạc chầu trời, hoăng: đều mang nghĩa là chết.
Tuy nhiên, hoăng mang sắc thái trang trọng hơn.
Đối tượng được người khác sử dụng từ hoăng phải là những bậc bề trên tầm cỡ vua chúa, hậu phi, hoặc thần tử có công huân hiển hách.

Trước Sau
Bình luận văn minh lịch sự là động lực cho tác giả. Nếu gặp chương bị lỗi hãy "Báo lỗi chương" để BQT xử lý!