Ngự thị được xếp vào hàng phi tần, được viết tên trong cung tịch, nhưng thuộc hạng không phẩm cấp. Nói thẳng ra thì thân phận của Lâu Nguyệt Dao cũng chẳng cao hơn ai. Công chúa Vĩnh Xuân vẫn đối đãi với Lâu ngự thị như trưởng bối của mình, Lâu Nguyệt Dao tấm tắc khen cô bé trong lòng. Kể ra thì ở kiếp trước, nàng và công chúa Vĩnh Xuân có mối duyên sâu nặng. Nàng được tấn phong Vinh phi nhị phẩm âu cũng nhờ ơn công chúa. Dù khi ấy, nàng chẳng thật lòng thật dạ. Chào hỏi xong xuôi, công chúa Vĩnh Xuân lại bật khóc. Cô bé vừa khóc vừa nấc. Dòng lệ chảy từ đôi mắt hạnh to tròn, đỏ ké xuống chiếc mũi đỏ ửng rồi lặn mất tăm dưới chiếc cằm đầy đặn, trông vừa đáng thương vừa đáng yêu không gì sánh bằng. Mặc nhũ mẫu, thị nữ dỗ dành, an ủi, Vĩnh Xuân vẫn cứ sụt sùi nước mắt. Bọn cung tỳ áo xanh đứng giữa trời đông lạnh giá, mũi miệng thở ra từng làn khói hơi cũng nóng ruột song không ai dám vọng động. Thời tiết khắc nghiệt, Vĩnh Xuân mắc bệnh tim. Nếu tâm tình cô bé cứ xúc động mãi, ngộ nhỡ lại tái phát bệnh tình thì chính Lâu Nguyệt Dao cũng khó tránh khỏi liên can vì nàng có mặt mà không dỗ dành được công chúa. Thế chẳng phải còn chưa thị tẩm mà nàng đã bị hoàng đế chán ghét rồi ư? Chẳng lẽ nàng lại cam chịu thất bại ngay từ khi mới chớm bước lên con đường tranh đoạt ngôi hậu hay sao?Lâu Nguyệt Dao nghĩ tới đó, bèn ướm hỏi nhũ mẫu nguyên do công chúa khóc. Nhũ mẫu họ Lâm, tuổi tác còn trẻ, chắc khoảng hơn hai mươi. Vì đã ở trong cung lâu ngày nên thị hành xử cẩn trọng, có phong thái không thua kém nữ quan bên cục Thượng Nghi là bao. Thị cho hay con mèo công chúa nuôi mất tích rồi. Nó là mèo do sứ thần nước Tây Lương dâng cống, nghe bảo là giống quý hiếm, chỉ có mỗi một con đó thôi. Bệ hạ thấy công chúa cứ nhìn mãi, bèn ban nó cho cô bé. Vĩnh Xuân yêu quý nó lắm, chăm sóc nó rất cẩn thận. Nào ngờ sáng nay công chúa tỉnh dậy, tính ôm con mèo tới cung Trinh phi ngụ cho công chúa Nghi Ninh chơi cùng thì không thấy nó đâu nữa. Cô bé đội tuyết ra ngoài tìm khá lâu rồi mà con mèo vẫn không thấy tung tích. Thứ mất tích ở trong cung đa phần đều không trở về được nữa. Lâu Nguyệt Dao biết điều ấy, không nỡ nhìn Vĩnh Xuân buồn bã, càng không đành lòng nói sự thật cho cô bé hay. Nàng bèn lại gần, ngồi xuống để mặt mình ngang tầm nhìn của cô bé, dỗ dành. - Công chúa đừng khóc nữa. Thiếp sẽ tặng cho công chúa một con mèo có phép trường sinh. Công chúa có chịu không?Vĩnh Xuân bị lời nàng nói thu hút. Vẫn nước mắt ngắn dài, vẫn sụt sịt cái mũi, cô bé ngước mắt nhìn Lâu ngự thị, dò hỏi:- Thật ạ? Lâu nương nương nói thật phải không ạ?Trông điệu bộ ngây thơ với khuôn mặt chuyển từ ủ rũ, khó tin đến hồ hởi vẫn còn ngấn lệ của Vĩnh Xuân, tình mẹ trong lòng Lâu Nguyệt Dao bị đánh thức. Nàng lấy chiếc khăn tay do Tôn Mộng thêu ra đưa cho Vĩnh Xuân, khẳng định chắc nịch. - Chắc chắn mà. Công chúa lau nước mắt đi nhé. Xin công chúa cho một cung tỳ đi cùng với thị nữ Nhâm Hòa của thiếp về cung Phồn Dương lấy đồ nghề, thiếp sẽ tặng ngay cho công chúa. Vĩnh Xuân ưng thuận ngay. Cô bé bảo thị nữ đứng đầu trong số các cung tỳ của mình đi theo Nhâm Hòa, phần mình cũng nghe lời lấy chiếc khăn tay Lâu Nguyệt Dao đưa cho tự lau nước mắt. Có lẽ do toàn được chăm sóc tận răng chứ chưa phải tự tay làm bao giờ, động tác của Vĩnh Xuân cứ vụng về, lau mặt qua loa còn chưa sạch hẳn đã tự cất chiếc khăn ấy vào chiếc túi nhỏ may bằng da hổ đeo bên hông mình. Lâu Nguyệt Dao chẳng ngăn cản con bé. Đằng nào chiếc khăn tay ấy cũng không được xông hương liệu, không một ai có thể giá họa cho nàng được. Hơn nữa, biết đâu chính nó lại mang đến cho Tôn Mộng một mối duyên ngầm thì sao?Lâu Nguyệt Dao quan niệm của đồng minh thì cũng là của mình. Nàng bèn kéo đoạn ống tay áo của mình lau sạch dấu lệ trên mặt Vĩnh Xuân. Nhũ mẫu Lâm thị toan ngăn cản, song khi nghe Vĩnh Xuân bảo: “Mùi hương nương nương dùng thơm quá, nghe dịu dàng thật đấy!”, thị cũng đành thôi, bởi nhìn từ góc độ của thị, những việc làm của Lâu ngự thị từ nãy tới giờ không gây hại đến công chúa. Lâu ngự thị kia ắt chẳng to gan đến mức đó. Nhân lúc cảm xúc của công chúa dịu lại, Lâu Nguyệt Dao bèn nói với cô bé:- Không giấu gì công chúa, đi lại nhiều quá, thiếp mỏi chân lắm rồi. Đằng kia có một tòa đình nghỉ mát, hay là công chúa tới đó với thiếp. Chúng ta ngồi nghỉ chân, chờ Nhâm Hòa và thị nữ của người về đi. Khóc cả buổi, Vĩnh Xuân vừa đói bụng vừa mỏi mệt. Cô bé đồng ý ngay. Thế là cả đoàn người, bao gồm công chúa, phi tử, nhũ mẫu, đám cung tỳ và cả đám thái giám đứng đợi lệnh ở xa cả thảy gần hai mươi người đi đến đình thủy tạ bên bờ hồ Thủy Bích. Đó là cảnh tượng thường thấy khi một công chúa hoặc hoàng tử xuất hành. Mặt hồ đã kết băng, song băng ấy còn chưa cứng cáp. Nếu một người không cẩn thận giẫm lên, mặt băng nứt toác, kẻ ấy sẽ rơi vào hồ nước sâu, lạnh thấu xương. May mắn được cứu sống thì e rằng kẻ ấy cũng phải mang bệnh tật khó chữa cả đời. Thủy đình bên bờ hồ lộng gió, nhưng đó chẳng phải vấn đề lớn đối với đám thái giám. Họ nhanh tay căng mấy bức bình phong chung quanh bốn phương, tám hướng thủy đình, chỉ chừa trống một mặt làm chỗ ra vào. Đám cung tỳ bày biện lên bàn đủ món điểm tâm, trà nước, hoa quả. Công chúa Vĩnh Xuân ăn uống ngon lành, cũng liên tục giới thiệu những món con bé cho là khá ngon đến rất ngon cho Lâu Nguyệt Dao nếm thử. Công chúa được dạy dỗ về nghi lễ rất nghiêm, song trẻ con ăn uống khó tránh khỏi tự bôi bẩn mình. Lâu Nguyệt Dao cũng chẳng vội nhắc nhở mà kiên nhẫn chờ cô bé ăn xong mới chỉ ra chỗ dính vụn bánh bên khóe miệng cho con bé hay. Vĩnh Xuân ăn gần hết đĩa bánh nếp đậu đỏ thì Nhâm Hòa và thị nữ của công chúa trở về. Hai người họ mang theo đủ các loại giấy, mực, phẩm màu. Vĩnh Xuân lờ mờ suy đoán về con mèo có phép trường sinh mà Lâu ngự thị muốn tặng mình. Con bé hồ hởi đến bên tấm giấy Tuyên trải rộng trên mặt bàn, chống tay ngắm nghía, chờ xem Lâu Nguyệt Dao múa bút. Lâu ngự thị cũng chưa vội vẽ tranh mà quay ra hỏi Nhâm Hòa:- Trên đường có chuyện gì làm các ngươi chậm trễ sao?Nhâm Hòa vội cúi đầu thưa:- Bẩm, quả thật xảy ra chút chuyện. Nhưng may nhờ có Thu Lê tỷ tỷ đây, hiện thời đã không sao rồi ạ. Nhũ mẫu Lâm thị nheo mắt, suy nghĩ sâu xa. Nghe được câu nói mình muốn nghe, Lâu Nguyệt Dao gật đầu, không hỏi tới nữa. Nàng bèn quay sang giãi bày Vĩnh Xuân. - Thiếp chưa từng được nhìn thấy con mèo của công chúa. Xin công chúa hãy cho thiếp biết nó trông như thế nào. Người kể, người múa bút, chưa đầy hai khắc, bức tranh đã hoàn thành. Trên nền giấy trắng hiện ra một chú mèo mặt tịt* có bộ lông vàng hươm, ngước đôi mắt xanh lam trong veo nhìn theo con bươm bướm. Chân trước nó giơ lên tính chụp bắt bướm. Bên chân còn lại, một quả cầu đủ màu sắc nằm lăn lóc. Rõ ràng, bút pháp của người vẽ vô cùng tinh diệu. Từng sợi lông, râu mèo được tỉa tót tỉ mỉ khiến người xem cảm nhận được độ dày mượt của nó. Dáng điệu ngây thơ, tinh nghịch của chú mèo chán chê món đồ chơi được làm vụng về, đuổi theo con bươm bướm sinh động như thật. Tất nhiên, trong mắt nhũ mẫu Lâm thị và bọn cung tỳ cung Khôn Nghi, con mèo trong tranh vẫn chưa giống con mèo Tranh Nhi mà công chúa cưng chiều cho lắm. Nhưng, trong mắt Vĩnh Xuân, nó chính là món quà cha ban cho cô bé. - Quả cầu lông này do chính tay ta làm cho Tranh Nhi. Tranh Nhi rất thích chơi với nó nhưng chơi mãi cũng chán, nó bắt đầu leo giường của ta, cắn nát chiếc gối ta hay dùng, cào xé con thỏ bông mẫu hậu may cho ta. Vĩnh Xuân kể đến đó, nước mắt lại lã chã tuôn rơi. Mẫu hậu mất sớm. Phụ hoàng bận rộn chuyện triều chính. Hoàng huynh cùng sinh mẫu bị đưa tới Hoàng Tử Sở từ khi còn nhỏ, thời gian cận kề con bé không nhiều. Hoàng tổ mẫu không thích nó bằng hoàng muội Nghi Ninh. Con bé biết hết, biết rằng mình được ưu ái, cũng biết tự gặm nhấm nỗi cô đơn riêng phần mình. Vĩnh Xuân yêu quý Tranh Nhi không chỉ vì Tranh Nhi dễ thương, hay do nó là món quà của cha mà còn vì có Tranh Nhi ở bên, con bé cũng tự thấy mình chẳng còn cô quạnh nữa. Lâu Nguyệt Dao nghe câu chuyện của Vĩnh Xuân, ý thức được có lẽ Tranh Nhi đã tình cờ phát hiện ra điều gian trá trong khuê phòng của công chúa. Nhưng trước hết, đó chẳng phải việc mà nàng có thể nhúng tay tới bây giờ. Nàng bèn chỉ vào con mèo bên trong bức tranh, an ủi cô bé:- Tranh Nhi ở đây này! Công chúa có thấy không? Bằng cách này, Tranh Nhi có thể ở bên công chúa cả đời. Vĩnh Xuân cũng gật gù, cố gạt nước mắt, khen:- Thì ra Lâu nương nương còn có tài đan thanh*! Vĩnh Xuân xin tạ ơn Lâu nương nương. * Giống mèo được nhắc đến trong chương là mèo Ba Tư. Đan thanh: đan trong đan sa (màu đỏ), thanh trong thanh hoạch (màu xanh). Đây là hai loại màu sắc thường dùng trong hội hoạ thời xưa. Tài đan thanh tức là tài năng hội hoạ, tài vẽ tranh. (Phần giải nghĩa tham khảo từ web Thi viện)Vĩnh Xuân, Nghi Ninh đều là phong hiệu của các công chúa. Tên thật của các bé có khả năng xuất hiện trong truyện nếu cần.