Em Định Trốn Tránh Đến Bao Giờ

Chương 21: Con dâu ra mắt nhà chồng

13-11-2024


Trước Sau

Tôi có nhiệm vụ tổ chức lễ đính hôn của Diệu Vũ và John.
Đáng ra việc này phải giao cho bên công ty tổ chức sự kiện làm nhưng Diệu Vũ khăng khăng bắt tôi nhận nhiệm vụ này.
Theo như lời cô ấy nói, lấy việc này trả thù cho việc " dám từ chối tình cảm của ông chồng đẹp trai tài giỏi" của cô.
Tôi chỉ biết ngửa mặt lên trời kêu than, làm gì có bạn nào như Diệu Vũ cơ chứ.
Tôi tất tả xuôi ngược, tham khảo ý kiến của mọi người về ý tưởng bài trí, rồi đặt vé máy bay cho người nhà của Diệu Vũ.
Theo ý của Diệu Vũ, chỉ làm một bữa tiệc đơn giản, gọn gàng, khách mời là bạn bè thân thiết mà thôi.
Tôi dựa theo đúng ý của cô ấy mà làm.
Vì lễ đính hôn tổ chức vào ngày thường nên Khánh Phong không thể bay vào Sài Gòn tham dự.
Tôi gọi điện thoại kể lể, than thở mệt nhọc với anh.
Còn anh, rất kiên nhẫn làm " cái thùng rác" của tôi.
Lễ đính hôn diễn ra trong không khí vô cùng ấm áp.
Vì khách mời là bạn bè thân thiết nên mọi người cùng nhau trêu đùa vui vẻ, nhìn vào, không khác gì đại gia đình họp mặt.
Đức Vĩnh đưa tôi và Hạnh Quỳnh về nhà trọ.
Anh cũng thức thời rút lui luôn, anh biết tôi và Hạnh Quỳnh đã quá mệt mỏi rồi.
Tôi thầm cảm ơn sự tinh tế của anh, liếc sang Hạnh Quỳnh - cô ấy hình như cũng biết tôi sẽ nhìn cô ấy nên đã chuẩn bị sẵn một cái nheo mắt đáp trả : "Sao, tiếc nuối không, thèm không.
Hôm nay tôi tha cho nàng đấy nhé, lần sau, ta ôm ấp ngọt ngào người đàn ông của ta trước mặt nàng cho nàng thèm nhỏ dãi ra luôn".
Tôi quay ngoắt lại, thò tay vào eo cô ấy mà cù.
Hạnh Quỳnh có máu buồn, điểm này tôi biết rõ.
Hai chúng tôi cười ha ha một hồi rồi nằm bệt trên sàn, thở hồng hộc.
Tôi đau rã rời chân tay, lười nhác cởi đồ.
Hai chúng tôi không có điều gì cố kỵ cả, việc thay đồ trước mặt nhau là chuyện bình thường.
Trên người còn bộ lại bộ đồ lót, tôi lồm cồm bò ra nhà vệ sinh, đi tắm.
Cái chân của tôi đau rời từng khúc, hôm nay tôi chạy qua chạy lại không khác gì cái máy.
Chỉ là, tôi đang tắm dở, Hạnh Quỳnh mở toang cửa ra, dứ dứ điện thoại trước mặt tôi- Này, chồng yêu gọi.
Có nhận không?- Vớ vẩn, không nhìn thấy tớ đang tắm à?- Có, anh nhìn thấy rồi - giọng Khánh Phong truyền từ trong điện thoại ra.
- A.
aaaaaaaaaaâ , Quỳnh chết tiệt, cậu dám bán đứng tớ - tôi gào lên.
Tắm xong, tôi gọi lại cho Khánh Phong.
Anh cười hì hì, thì thầm trong điện thoại: "Vợ, súng đã sẵn sàng nhưng không có bia bắn.
Phải làm sao đây?".
Nghe xong, tôi đỏ mặt, búng búng trong miệng không nói được lời nào.
Hai chúng tôi nói chuyện đến tận đêm khuya, tôi ngủ lúc nào cũng không biết, hình như bên tai vẫn còn nghe tiếng Khánh Phong đều đều nói chuyện.
Lễ đính hôn qua đi, chúng tôi ai vào việc nấy.
Tôi viết đơn xin nghỉ việc, gửi cho John.
John bảo sẽ thuyên chuyển tôi ra Hà Nội, việc tôi có thể tiếp tục được giữ lại ở công ty hay không thì còn phải phụ thuộc vào Ban Giám đốc.
Công ty chúng tôi yêu cầu năng lực làm việc rất cao, người mới vào công ty, phải ký cam kết trong vòng từ 1 đến 2 năm đầu không được sinh con.
Tôi được coi là nhân viên nòng cốt, điều này được ưu đãi hơn.
Chưa đến một tháng sau, tôi bàn giao xong xuôi công việc cho người mới và nhanh chóng bay ra Hà Nội.
Hạnh Quỳnh và Diệu Vũ, John, Đức Vĩnh bịn rịn chia tay tôi.
Về nhà lần này, tôi có rất nhiều việc cần phải làm.
Một trong những việc đó là ra mắt gia đình Khánh Phong.
Tôi đã mua một ít đặc sản Sài Gòn, định bụng lần này ra mắt sẽ mang biếu bố mẹ anh ấy.
Nhận hành lý xong, tôi bước ra sảnh, nhìn thấy Khánh Phong đứng thẳng tắp chờ tôi, tôi không nhịn được nhung nhớ anh, vứt luôn hành lý tại sảnh, chạy về phía anh, ôm chặt anh, cứ như là sợ anh tan biến mất.
Người đàn ông này đã cho tôi một tình yêu trọn vẹn, đã đưa tay kéo tôi ra khỏi những suy nghĩ tầm thường, anh bao dung như thế, anh yêu tôi như thế, tôi có thể làm gì để đền đáp đây.
Tôi đã từng hỏi anh như vậy.
Lúc đó, anh chỉ tủm tỉm cười, nhẹ giọng nói: "Tình yêu - không thể bán, cũng chẳng thể mua.
Muốn có được tình yêu, phải dùng cả đời để có được".
Cả đời - cả đời này anh yêu tôi, và anh cũng hi vọng tôi - dùng cả đời này để yêu anh.
Hai chúng tôi về nhà, mẹ tôi ngồi bình thản trong nhà, chờ đợi.
Phụng Lê nhìn từ trên tầng xuống, căng mắt tìm tòi cho đến khi nhìn thấy bóng dáng của tôi và anh.
Phụng Lê hét lên sung sướng : "Mẹ, chị Yến về rồi kia".
Tôi và anh đi lên nhà.
Rất may, hôm nay bố tôi không say.
Tôi thở phào nhẹ nhõm.
Bữa cơm nhanh chóng được dọn ra.
Trong bữa cơm, Khánh Phong xin phép mẹ tôi được đưa tôi về ra mắt gia đình anh.
Mẹ tôi nhàn nhạt nói " Ừ".
Cho đến bây giờ, tôi vẫn không thể hiểu nổi tính tình mẹ tôi.
Tôi nhanh chóng bắt tay vào công việc ở công ty chính.
Khánh Phong cũng bận rộn với công việc của anh ấy.
Mỗi ngày dần qua, tôi lại càng hồi hộp lo lắng.
Chiều thứ 7, theo đúng kế hoạch, Khánh Phong đưa tôi về ra mắt gia đình anh.
Bố mẹ anh vẫn sống ở quê, còn các anh chị em thì lập gia đình xong đều sinh sống ở Hà Nội, đến cuối tuần mọi người mới về quê thăm bố mẹ.
Điều này chứng tỏ bố mẹ anh không hề bảo thủ và cổ hủ như những ông bố bà mẹ khác sinh sống ở quê.
Đường vào nhà anh là một con ngõ rộng rãi.
Trên tường, hoa thiên lý và chanh leo bao quanh, phủ kín cả cổng vào.
Thời điểm cuối năm, không khí se lạnh, dù tôi đã ra Hà Nội một tuần nhưng cơ thể vẫn chưa thích ứng với sự thay đổi của thời tiết nên bị cảm nhẹ, ho khùng khục.
Vừa vào nhà, Khánh Phong nhanh nhẹn chào mẹ một tiếng.
Tôi cũng phản ứng rất nhanh : "Cháu chào bác".
Mẹ Khánh Phong nhìn hai chúng tôi, cười hiền hòa : "Sắp vào nhà làm con dâu mẹ rồi, chào mẹ đi con".
Tôi đỏ mặt.
Bố của Khánh Phong cũng đi từ phòng khách ra ngoài sân, tôi hấp tấp : "Con chào bố"- A , con dâu yêu quí bố chồng hơn mẹ chồng rồi - mẹ Khánh Phong trêu tôi.
Tôi xấu hổ không biết giấu mặt vào đâu, nhân tiện đang đứng cạnh Khánh Phong, tôi giơ tay túm lấy áo anh, kéo lại gần rồi vục mặt vào ngực anh.
Cả bố và mẹ anh đều cười trêu tôi.
Cho đến tận bây giờ, mỗi khi nhớ lại sự kiện này, tôi vẫn còn xấu hổ.
Bữa cơm gia đình diễn ra ấm cúng và vui vẻ.
Điều tôi không ngờ là mẹ Khánh Phong bắt anh đi rửa bát, để bà ngồi nói chuyện với tôi được nhiều.
Bố anh lấy cớ sang nhà hàng xóm chơi đánh cờ mà rời đi, để lại không gian cho hai ngừoi phụ nữ nói chuyện.
Tôi có chút lo lắng, nhưng mẹ Khánh Phong lại cực kỳ dễ gần.
Bà nói chuyện với tôi nhẹ nhàng, không có câu nệ, dùng ngôn từ gần gũi để biểu đạt, bà từ từ dẫn dắt tôi hòa nhập vào câu chuyện cùng với bà.
Điểm này, tôi phải bội phục bà.
Nhờ vậy tôi mới nhận ra, chắc hẳn bà rất có ảnh hưởng tới mấy anh em của Khánh Phong.
- Yến à, gia đình con thế nào, mẹ đều biết cả.
Con đừng có ngại ngùng hay tự ti gì cả.
Con người khi sinh ra không ai được lựa chọn cha mẹ sinh.
Con không chê cha mẹ khó.
Dù bố mẹ con có thế nào, mẹ cũng không có đánh giá con sai lệch.
Mũi tôi cay cay, tôi run run nói từ" Vâng", cố kiềm chế để không khóc trước mặt mẹ của Khánh Phong.
Bà hình như nhận ra điều đó, nên dịu dàng nói:- Dù mạnh mẽ đến đâu thì con cũng vẫn là phụ nữ.
Có gánh nặng gì nên chia sẻ cho người đàn ông họ gánh vác đỡ.
Con hãy cố gắng chia sẻ với Khánh Phong, đừng giữ trong lòng, đừng cố gồng mình chống đỡ.
Thuận vợ thuận chồng tát biển Đông còn cạn cơ mà.
Những cố gắng của con trong gia đình, Khánh Phong đều biết hết.
Nó chỉ chờ con nói ra, nhưng chờ lâu quá mà không thấy con nói.
Nó bảo có thể con không tin tưởng nó nên mới thế.
- Cháu không hiểu được, tại sao có nhiều người hơn cháu gấp trăm ngàn lần, anh ấy không chọn, lại đi lựa chọn cháu.
Cháu cảm thấy cháu không xứng đáng với anh ấy.
- Mỗi người phụ nữ sinh ra đều được chỉ định cho một người đàn ông.
Xứng đáng hay không xứng đáng, phù hợp hay không phù hợp, chỉ có người trong cuộc mới biết được.
Thế nên người ta mới nói có là duyên vợ chồng.
Có những người yêu nhau tha thiết, xét về mọi thứ đều phù hợp với nhau, nhưng không thể đến được với nhau.
Đó là vì bọn họ không có duyên vợ chồng.
Như mẹ đây, gặp bố Khánh Phong cũng là một loại duyên phận.
Ông bà nội Khánh Phong lúc đầu phản đối lắm, bởi vì mẹ lúc đó gầy yếu, các cụ bảo nhìn mẹ không có sức sống, làm đồng ruộng thế nào được, sinh con đẻ cái thế nào được.
Nhưng bố Khánh Phong rất kiên trì, nếu không phải mẹ thì không lấy ai khác.
Cuối cùng ông bà nội cũng phải gật đầu đồng ý.
Lúc mẹ mới về làm dâu, ông bà cũng bắt ne bắt nẹt nhiều lắm.
Bố của Khánh Phong toàn chống đỡ cho mẹ thôi.
Có lẽ, Khánh Phong cũng thừa hưởng tính cố chấp " yêu" từ bố chồng tôi cũng nên - tôi thầm nghĩ.
Hôm đó, tôi ngủ cùng mẹ anh, còn bố anh ngủ cùng anh.
Đêm đó, tôi và mẹ anh hoàn toàn thức trắng đêm để nói chuyện.
Sáng hôm sau, tôi còn đang mơ màng thì nghe tiếng líu ríu bên ngoài.
Tôi bật dậy như lò xo.
Thế nào mà tôi ngủ dậy muộn hơn cả mẹ anh.
Tôi nhanh chóng vệ sinh cá nhân rồi lảo đảo đi ra khỏi phòng.
Trong phòng khách, có đầy đủ các anh chị em anh, cùng dâu rể và các cháu.
Tôi đứng sững ở cửa, lúng túng gật đầu chào loạn: Em chào các anh, em chào các chị.
Trong lúc luống cuống, tôi đã chào cả vợ chồng cô em chồng là anh chị.
Mọi người cười to trêu chọc tôi.
Khánh Phong cũng cười ha hả trêu tôi không ngớt.
Tôi xấu hổ, bấn loạn, quờ quạng túm cổ áo của Khánh Phong định gục mặt vào thì có một bàn tay kéo tôi lại, nâng cằm tôi lên : Vợ, sao em lại túm cổ áo của anh trai anh để giấu mặt vào thế.
Em không sợ chị dâu ghen hay sao.
Hóa ra, tôi túng quẫn đến mức không phân biệt được đâu là đông đâu là tây, túm loạn áo người bên cạnh mà gục mặt vào.
Vì điều này, cho đến tận cuối buổi chiều, mọi người vẫn còn xúm vào trêu chọc tôi.
Thật xấu hổ quá đi mất !

Trước Sau
Bình luận văn minh lịch sự là động lực cho tác giả. Nếu gặp chương bị lỗi hãy "Báo lỗi chương" để BQT xử lý!