Lần ấy Khanh xuyên sách là vừa hay thành hôn gần hết, nàng ở trong phòng đợi tân lang tới. Bấy giờ Khanh chưa biết mình đã xuyên sách tới đây, cứ tưởng đang ngủ mơ được lấy chồng giàu, được tổ chức lễ cưới theo kiểu cổ truyền hồi xưa. Nào ngờ khi cô Đào- nàng tì nữ thân cận của Khanh với một năm tuổi gắn bó, nói nàng đang ở trong phủ Hiểu Minh Vương, Khanh mới ngờ ngợ ra tình hình của mình. Không kịp cho nàng giây phút nào để định hình và hốt hoảng thì Nhật Tuân tiến vào. Tân lang không dự lễ nên chẳng mặc hỷ phục, khăn voan che đi tầm nhìn làm Khanh tưởng người lạ vào phòng tân nương. Lóng ngóng thế nào nàng lỡ đá chân, phi luôn chiếc dép, bay thẳng vào mặt Vương gia người ta, khiến chàng ta mặt đen như đít nồi đăm đăm nhìn nàng, vén khăn voan một cách ép buộc. Khăn voan rơi xuống để lại hai người mặt đối mặt với nhau, bốn con mắt đều tỏ vẻ sững sờ khôn thiết. Người sững sờ vì mồm thiên hạ điêu ngoa xảo trá, người sững sờ vì cuối cùng cũng hiểu tại sao Thuần Khanh nguyên tác lại chết mê chết mệt nam chính như thế. Gương mặt với thần thái đĩnh đạc ra dáng nam tử hán đại trượng phu. Ngũ quan thì xán lạn, mũi cao không góc chết, mắt phượng, môi mỏng mang tư phong dáng dấp của bậc đế vương khiến người ta nhìn vào, việc đầu tiên sẽ là bị mê hoặc cho ngây người ra đấy, rồi phải giật mình bật thốt hoặc tránh né không dám gần hắn. Đương nhiên, Thuần Khanh không phải ngoại lệ. Nàng cũng đực ra, đăm đăm nhìn, hưởng thụ nhan sắc trác tuyệt của phu quân mình. Ánh sáng vàng từ cây nến hắt lên gương mặt hắn, càng khiến hắn thêm bảnh bao, anh tuấn. Chỉ có điều sắc vàng cũng không thể sưởi ấm đôi mắt lạnh đặc trưng của kẻ chinh phạt sa trường ấy... “Đẹp, rất đẹp, chuyện gì quan trọng nhắc lại ba lần, đó là siêu cấp đẹp trai. ”- Khanh hét trong lòng mình như thế. Tối đó tân lang chỉ cùng nàng uống rượu giao bôi rồi qua canh ba thì rời đi, y như đang cho kẻ nào đó biết rằng hắn có vào động phòng mà thôi. Còn nàng Khanh thì tối ấy mất ngủ. Mấy hôm sau, Khanh làm mọi cách để về lại thế giới thực nhưng đều thất bại. Ngẫm lại vì xe tông mà xuyên tới đây nên nàng đoán bị tông thêm lần nữa sẽ giúp nàng trở về. Mở bài thế nào thì kết bài thế ấy. Và rồi Khanh làm ra chuyện kinh thiên động địa cỡ đó... Tiếng vó ngựa đã sát gần bên tai, thế rồi có một cánh tay thô ráp của nam tử kéo giật Khanh ra. Tên gia nhân chửi nàng:“Tiên nhân mày! Mù à? Hay cố ý?”Khanh đực ra đó, nàng định quay lại quở người kéo nàng, thì anh con trai bảnh bao tuấn tú quát Khanh:“Này! Cô có làm sao không đấy!? Tôi chẳng hay cô nương có chuyện gì buồn bực trong lòng, nhưng chết là hết, mà có chết thì cũng đừng làm liên lụy người ta, chết giữa chợ thì mai nay Thăng Long còn ra cái gì nữa?”Nàng đần thối ra nhìn kẻ nạt nàng. Cái câu “chết là hết” vẳng đi vẳng lại trong đầu Khanh. Mắt nàng long lanh ừng ựng nước. Nàng biết chứ, nàng biết dù có quay về thì Trịnh Thuần Khanh của thế kỉ hai mươi mốt đã chết rồi, có làm được gì đâu, nhưng Khanh không can tâm. Nàng sắp thi tốt nghiệp rồi mà, năm nay là cơ hội cuối cùng cho lứa lẻ sáu nàng, nàng không muốn lỡ dở, nàng sắp chạm đến ngưỡng cửa cánh cổng Đại học nàng mơ ước rồi, nàng sắp được thành tân sinh viên Sư Phạm rồi kia mà, vì nàng đã đỗ xét tuyển sớm, chỉ còn nước tốt nghiệp thôi là xong. Gần ngay trước mắt đã hóa xa tận chân trời. Nàng đâu muốn chết như thế, ước mơ mười hai năm đèn sách của nàng chỉ vì một cái tông xe lãng xẹt như vậy sao nàng chấp nhận được. Nhìn nước mắt thiếu nữ lăn dài, kẻ nọ hốt hoảng khua tay múa chân loạn xạ:“Ôi, tôi không có ý làm cô thêm buồn đâu. ”Khanh lau nước mắt, ba ngày rồi, nàng cũng đang dần dần nhận định được hoàn cảnh của bản thân:“Tôi... tôi xin lỗi. ”- Kẻ nọ nói. Khanh lắc đầu, thấy tay hắn có cầm bút lông và nghiên mực thì hỏi:“Anh đi thi đấy hả?”Hắn gật đầu:“À, phải. ”“Lý Văn Lộc?”“Cô nương biết tôi à?”Thuần Khanh đoán thế thôi, tại trong truyện có đề cập đến người tri kỉ của Tuân, Văn Tuyên học sĩ Lý Văn Lộc, đỗ Trạng Nguyên năm nay. Chả trách hắn bực như thế, giữa đường đi thi gặp người bỏ mạng là điềm xui xẻo chứ còn chi. Thuần Khanh thở hắt ra, nàng vỗ vỗ vai hắn rồi trở về vương phủ, nàng cũng từng có một niềm háo hức y chang hắn vậy:“Thôi, tôi không làm anh hốt hoảng nữa. Thành thật xin lỗi mà cũng cảm ơn anh, thi tốt nhé, tôi xin lỗi vì đã khiến anh hoảng sợ. ”“Cô nương có gì từ từ ngẫm đã nhé, đừng quên sinh như vậy. ” “Vâng... ”Đường trở về, Khanh đi chậm rãi, nàng không khỏi nghĩ về điều nuối tiếc nhất đời nàng. Mười hai năm công cốc cả rồi. Đã thế ông trời trêu ngươi còn cho nàng xuyên vào một nhân vật mà nàng biết thừa sẽ ăn “cơm hộp” trong năm tới nữa chứ. Chết một lần rồi còn chưa đủ hay sao. Rồi còn, mới mười bảy mười tám tuổi chưa nên cơm nên cháo gì đã phải đi lấy chồng... Thế rồi tính Khanh lạc quan, nàng hít sâu một hơi, vỗ vào má mình mấy cái. Ít ra nàng cũng có niềm an ủi khi mà chồng nàng là đệ nhất mỹ nam tử kinh thành, ngắm hắn cũng làm nàng đỡ tủi hơn. Mà Nhật Tuân lại cũng là nhân vật yêu thích của nàng. Vì hắn đẹp trai, giàu có, lạnh lùng, rồi còn thuở niên thiếu đã biết cầm quân thân chinh đánh giặc nữa, ngạo nghễ, uy quyền biết bao. Hắn với nàng lại cùng một phận “mẹ kế con chồng” nên nàng có chút gì đó thiên vị với Tuân hơn. Song thứ quyết định nhất trong đầu Khanh lúc này, đó là Tuân giàu, rất giàu, cực giàu. Vì hắn là con vua, lại còn có chiến công hiển hách, người đời kính trọng nữa. Học sinh lứa nàng hay đùa học cho giỏi mai mốt lấy chồng giàu khỏi lo cơm ăn áo mặc, mua đồ không cần nhìn giá. Giờ vừa hay lại đúng thế còn gì, khác mỗi ước mơ sư phạm chưa cháy đã tắt mà thôi. Khanh ngẫm thấy mình khác nữ chính nguyên tác nhiều điều, đặc biệt là không yêu nam chính. Xét thấy tương lai có thể làm bà mai bà mối ngắm nhìn Vương gia chơi đùa cùng thiếp thất, còn nàng không can thiệp triều chính rối ren, chỉ yên phận ăn chơi, an hưởng đến già trong vương phủ thì cũng có cái hay. Chỉ có điều giờ Khanh phải tính sao để chồng và mình không ăn “cơm hộp” trong năm tới. Vậy là nàng Khanh đã mang một quyết tâm bẻ cong cốt truyện, biến mình thành nàng dâu bất lương chống đối nhà chồng. “Trần Nhật Tuân à, tôi giúp anh lần này thôi đấy. Mốt đủ lông đừng cánh thì đừng phế người vợ đáng thương này là được. ” ***Về xưng hô "tôi", "ta" mình sẽ tùy vào cá tính nhân vật, mối quan hệ mà sử dụng tương thích nha các bạn. Đại từ "tôi" vẫn luôn hiển hiện trong Tiếng Việt và lời ăn tiếng nói của người xưa rồi, ví như "Quốc âm thi tập" của cụ Trãi hay ca dao, tục ngữ ạ. Song "tôi" với "ta" vẫn có những sắc thái khác nhau, nên mình xin phép dùng đan xen hai cái nhen ạ.