Lợn cũng cảm thấy mình càng lúc càng không giống con trai rồi, thuở đời, có thằng con trai nào mà thấp bé nhẹ cân như nó đâu, chưa kể đến là giọng nói, tướng đi, dáng đứng, dáng ngồi của Lợn giống với con gái hơn, cái gì cũng nhẹ nhàng, đằm thắm, ôi cứ như thế này là chết dở, cậu Hai sẽ sinh nghi mất thôi. Thế là Lợn ba chân bốn cẳng chạy xuống nhà dưới, hỏi anh Ruộng cách để trở thành con trai chân chính, anh Ruộng lớn hơn Lợn ba tuổi, xêm xêm cậu Hai, hoàn cảnh gia đình Lợn đã bần rồi mà anh Ruộng còn bần hơn, thầy bu anh mất, anh không có anh chị em hay họ hàng thân thích chi cả, anh phải sống cù bơ cù bất, phú ông thấy thương nên nhận anh về nuôi, cho anh chỗ ở, cho anh việc làm, anh luôn nói với Lợn, phú ông có ơn với anh rất nhiều, giá kể làm kẻ hầu người hạ cho phú ông suốt đời để trả ơn, anh cũng tình nguyện. Anh Ruộng tốt tính, lại làm giỏi, mỗi tội anh hơi khờ tí thôi, mấy chị em trong bếp cứ trêu chọc anh mãi, vì anh khờ nên trêu, anh hiền khô à, bị chọc cũng cười thôi, còn Lợn thì không như vậy, Lợn không trêu anh còn dạy anh học chữ, tính toán để anh ra đường không bị người xấu lợi dụng, Lợn rất quý anh Ruộng luôn. - Anh Ruộng ơi, con trai thì thường làm gì ạ?. - Ý em là sao?. Anh Ruộng đang bó củi để sắp gọn vào phòng bếp, nghe Lợn hỏi khó anh cũng tạm thời bỏ dở công việc đang làm. - Ý của em là, con trai thường làm gì để chứng minh mình là con trai…Lợn ngồi chồm hổm cạnh anh. Anh Ruộng vô tư đáp. - Cởi quần áo ra. - Không phải…Lợn giận đỏ mặt, chậm rãi giải thích. - Ý em không phải chứng minh bằng cái đó, ý em là cái khí chất, khí chất nam nhi ý, làm gì để có khí chất nam nhi. Anh Ruộng chống cằm một lúc. Lợn cắn móng tay chờ đợi câu trả lời. - Sức mạnh, muốn làm nam nhi đại trượng phu không thể không nói đến sức mạnh. Lợn liền bác bỏ ý kiến của anh Ruộng. - Thôi khó lắm ý, người em gầy như cây que thì sức mạnh ở đâu ra. Anh Ruộng không đồng tình, đáp. - Ý là đâu có ai tự nhiên mà mạnh liền đâu, chứ em thấy cậu Hai nhà mình không, lúc trước cậu cũng yếu như sên nhưng nhờ phú ông cho cậu lên núi tầm sư học đạo, cậu sống ẩn dật trên núi cả nửa năm, nửa năm sau cậu về thì thân hình cường tráng, võ nghệ cao cường. Nhờ anh Ruộng nhắc nên Lợn mới nhớ, cậu Hai tuy là người học văn nhưng võ của cậu cũng chẳng kém ai, bu cậu có tính lo xa, sợ cậu làm quan võ thì lành ít dữ nhiều nên một hai bắt cậu thi văn, cậu cũng nghe lời bu. - Ý của anh là bây giờ em nên học võ phải không? Học võ rồi thì em sẽ có cái khí chất nam nhi giống như cậu Hai đúng không?. Lợn hỏi dồn làm anh Ruộng rối, anh miễn cưỡng gật đầu “Ừ” một cái. Lợn sung sướng, chạy lên nhà trên tìm phú ông, phú ông đang ngồi mân mê cái bình gốm bát tràng đắt tiền mà ông vừa nhờ người đặt mua trên kinh thành về, đoạn nghe cái giọng quang quác của thằng Lợn từ nhà dưới vọng lên, điếc cả tai ông, cái thằng, tự la tự chạy rồi thở hồng hộc như con trâu đang càng ruộng. - Có chuyện chi mà mày um xùm thế hả? Điếc hết cả tai. - Dạ bẩm ông, ông cho con lên núi học võ nhé. - Mắc cái gì đang yên đang lành mà mày muốn học võ. - Dạ, dạ con muốn học võ để rèn luyện ra cái khí chất nam nhi đại trượng phu giống như cậu Hai ạ. Thấy có người thần tượng con trai mình như vậy thì ông phổng mũi liền, nhưng mà cái thằng đầu đất này hôm nay ăn trúng gì mà đòi làm nam nhi, ôi dào, chả phải bình thường nó chỉ thích ngắm hoa bắt bướm thôi sao? Nay học đòi ở đâu khí chất nam nhi, hay nó chỉ muốn tìm thú vui mới, rồi dăm ba bữa lại nản chí sớm. Đàn ông con trai như vậy thật chả ra hệ thống gì sất, ông ân cần hỏi han. - Nói thật đi, sao tự nhiên mày muốn học võ, rồi cái gì mà khí chất nam nhi? Bộ có ai nói gì mày à?. Lợn chối đây đẩy. - Dạ không, không phải đâu ông. Chỉ là bản thân con tự thấy hổ thẹn, thân là người hầu đi theo cậu Hai mà thân thể yếu ớt chẳng làm nên được cái tích sự gì, con muốn thay đổi bản thân để xứng đáng với cậu hơn. - Có ý chí như vậy là tốt, ông tán thành suy nghĩ của mày, nhưng nam nhi không nhất thiết phải cầm kiếm cầm đao đánh nhau thì mới là đại trượng phu đâu, đàn ông thực thụ không cần phải cố gắng làm để làm cho người khác công nhận mà phải tự công nhận mình trước và để người khác khâm phục mình. Nghe ông khai sáng, Lợn gật đầu rồi xin lui. Ông tưởng đâu Lợn đã hiểu ra, nên cho nó lui, ông tiếp tục với thú vui tao nhã. Nhưng không, ông đã lầm. Ông nói rất hay, nhưng thằng Lợn chẳng hiểu gì sất. Nếu câu đó được nói với người khác thì được gọi là đúng người đúng thời điểm, còn nói cho thằng Lợn nghe, cũng chỉ là đàn gảy tai trâu thôi, ông nói nghĩa này, nó hiểu lệch sang một nghĩa khác. Ngày hôm sau, ông thấy nó cầm một cây tre đứng quơ tay múa chân kế bên cái giếng nước, nom chẳng khác gì con khỉ cả. Tụi con gái trong bếp thì đứng nhìn lén thằng Lợn làm trò mà lo không biết Lợn có phải đập đầu vào đâu không, dạo này trời nắng, có khi não Lợn cũng bị hâm rồi, còn tụi con trai đang xay thóc giã gạo ở phía bên kia cũng cười nghiêng cười ngã, phú ông phải lại giải tán hết mấy nàng nhiều chuyện trong bếp, sẵn ký vào đầu mấy thằng đực rựa dở hơi kia rồi lôi thằng Lợn lên đại sảnh thẩm vấn.