“Ông xem cậu ta làm bộ làm tịch kìa, chắc là đang câu giờ đấy”. “Phải đáy, vừa rồi cậu ta mới bảo là nếu như cậu ta không chữa khỏi được thì cũng coi như là nhà họ Bạch thắng mà”. “Hừ, ông xem cậu ta kìa, đúng là tên bốc phét! Chỉ giỏi khoác lác!” ... Bạch Quân Đường vẫn còn đang cười gằn thì chợt nghe Bạch Kính Đình nói với trợ thủ đứng bên cạnh mình: “Đi lấy kim châm của tôi ra đây”. Bạch Quân Đường sững sờ: “Kính Đình, cháu để ý tới cậu ta làm gì, cứ thử không có kim châm cứu xem cậu ta chữa thế nào?” Bạch Kính Đình nói: “Cháu là bác sĩ, bác sĩ phải luôn đặt việc chữa bệnh cứu người lên trên hết, ân oán tạm thời đặt qua một bên”. Bạch Quân Đường còn muốn phản đối nhưng nghĩ lại, bỗng giật mình nhận ra Bạch Kính Đình nói đúng. Nếu như không cho Lý Dục Thần mượn kim châm cứu thì Lý Dục Thần có thể mượn cớ mình không có châm để kéo dài thời gian, hòng giở trò. Hơn nữa, nơi này là Bách Thảo Đường, nếu ngay cả mấy cây châm mà cũng không chịu cho mượn thì không khỏi hẹp hòi. Bạch Kính Đình lấy kim châm chuyên dụng của mình ra, mặt ngoài là hào phóng nhưng thực tế lại là ra cho Lý Dục Thần một bài toán khó. Người khác không biết nhưng Bạch Quân Đường biết, bộ kim châm đó là đồ Hoàng đế ban thưởng cho tổ tiên của nhà họ Bạch thời còn làm ngự y trong cung, không chỉ được chế tác tỉ mỉ mà hình dạng và cấu tạo cũng rất đặc biệt, người bình thường căn bản không sử dụng nổi. Chỉ chốc lát sau, trợ thủ của Bạch Kính Đình ôm một chiếc hộp gỗ hoa lê rất đẹp đi ra đây. Bạch Kính Đình đưa hộp cho Lý Dục Thần, nói: “Đây là kim châm gia truyền của nhà họ Bạch tôi, có hiệu quả rất thần kỳ, cậu dùng đi”. Lý Dục Thần cũng không khách khí, nhận lấy hộp, mở ra xem. Bên trong hộp là một loạt kim châm cứu vàng óng ánh, có to có nhỏ, có ngắn có dài. Cây dài nhất mảnh hơn cọng tóc, dài hơn hai mươi centimet. Cắm một sợi tơ dài hai mươi centimet vào trong huyệt vị của con người quả không phải là chuyện mà người bình thường có thể làm được. Lý Dục Thần xem qua một lượt, lập tức hiểu thấu ý đồ của Bạch Kính Đình muốn thử anh. Anh cười khẽ một tiếng, cầm một cây kim châm lên, chậm rãi đâm vào huyệt Thần Đình của Tang Cát. Bạch Kính Đình kinh ngạc, vừa bắt đầu đã đâm ngay vào huyệt Thần Đình, đúng là to gan, hơn nữa thủ pháp hết sức đặc biệt, không phải châm pháp mà y gia thường dùng. Người khác nhìn vào chỉ nghĩ là anh tiện tay cắm vào nhưng Bạch Kính Đình là người có chuyên môn, ông ta nhìn một cái là biết ngay vừa rồi là một châm cực kỳ xuất sắc. Sau đó, Lý Dục Thần đâm tiếp châm thứ hai, châm thứ ba… Bạch Kính Đình càng xem càng giật mình, xem say sưa tới mức quên bẵng cả thân phận của mình, áp sát lại gần như một học sinh đang nghiêm túc xem giáo viên làm mẫu. Cho tới khi Lý Dục Thần cầm cây châm cuối cùng – cây châm dài hai mươi phân mảnh như sợi tơ lên. Sợi tơ vàng trên tay anh mềm oặt, không cứng hơn một sợ tơ thật sự là bao. Những người đứng vây xem gần nhất đều nhìn thấy rõ cây châm này, trong lòng không khỏi nghĩ xem làm thế nào để có thể đâm cây châm mảnh như vậy vào trong người? Kể cả Bạch Kính Đình cũng thấy hiếu kì. Bởi vì trước nay, ông ta chưa bao giờ dùng cây châm này. Năm xưa, ông ta cũng chỉ mới thấy bố mình dùng nó một lần. Mặc dù thủ pháp khi đó như thế nào ông ta vẫn còn nhớ rất rõ nhưng dù đã tập luyện suốt mấy chục năm rồi mà vẫn không học được. Ông ta đã từng hỏi bố mình cách sử dụng cây châm này nhưng bố ông ta lại nói rằng thủ pháp của mình vẫn chưa hoàn toàn thành công. Bố ông ta còn nói rằng: “Người có thể khống chế được cây kim châm dài này để cứu người thì có thể nói là bàn tay thần!” Bộ kim châm này có tổng cộng bảy mươi hai chiếc, Bạch Kính Đình không ngờ Lý Dục Thần lại gần như dùng hết tất cả. Mỗi một châm cắm xuống đều rất tài tình, khiến người ta phải vỗ bàn khen ngợi. Tới lúc này, chỉ còn sót lại một cây châm cuối cùng. Trong lòng Bạch Kính Đình chợt nảy sinh đôi chút mâu thuẫn, ông ta vừa hy vọng Lý Dục Thần có thể đâm châm này thành công, để cây thần châm bị chôn vùi mười mấy năm được nhìn thấy ánh mặt trời nhưng đồng thời lại không muốn Lý Dục Thần thành công, bởi vì điều đó có nghĩa là chẳng những y thuật của Lý Dục Thần giỏi hơn ông ta mà thậm chí rất có thể còn giỏi hơn cả bố ông ta, Bạch Cảnh Thiên. Ông ta nín thở, nhìn Lý Dục Thần không chớp mắt. Lý Dục Thần buông sợi tơ vàng ra, để nó rủ xuống trước trán của Tang Cát. Ánh mắt Bạch Kính Đình lộ vẻ khó tin, bởi vì ông ta trông thấy đầu sợi tơ vàng mềm oặt đó đã cắm vào giữa trán của Tang Cát, hơn nữa phần tơ vàng ngay ngắn còn kéo căng. Làm thế nào mà làm được như vậy? Điều làm Bạch Kính Đình càng khiếp sợ hơn nữa chính là chuyện xảy ra tiếp theo. Lý Dục Thần buông ngón tay ra, đẩy một cái, sợi tơ vàng lập tức trườn như một con cá chạch vào giữa trán của Tang Cát, thoắt cái đã không còn thấy đâu nữa. Những người đứng gần vây xem không hẹn mà cùng ồ lên. Những người đứng ở vòng ngoài không nhìn thấy rõ nên không biết xảy ra chuyện gì, cũng không dám hỏi, sợ quấy rầy quá trình chữa trị thần thánh này. Tuy Bạch Quân Đường là người nhà họ Bạch nhưng lại không biết gì về y thuật. Mặc dù ông ta cảm thấy thủ pháp của Lý Dục Thần dường như rất cao minh nhưng cuối cùng vẫn không nhịn được cười khẩy: “Có thi châm hay không cũng chẳng thấy khác gì nhau cả, thao tác nãy giờ màu mè như vậy nhưng thực ra…” Ông ta mới nói được một nửa đã khựng lại, hoảng sợ há to miệng. Bởi vì ông ta trông thấy trên người Tang Cát xuất hiện một con cóc ba chân màu nâu.