Mở cửa bước vào phòng khách, mùi cồn thoang thoảng trong không khí, tiếng thút thít và mấy món đồ nằm ngổn ngang dưới sàn khiến tâm trạng tôi lập tức trùng xuống. Tôi khe khẽ thở dài, chậm rãi cởi giày, nhặt mấy món đồ dưới đất trả về chỗ cũ, rồi đi vào trong bếp. Ba tôi uống say, có lẽ lại bị những lời ngoài kia tác động. Hôm nay, nhà tôi lại chẳng thể yên ổn. Ba không đánh mẹ, chưa từng một lần động tay động chân dù cho có là chuyện gì. Nhưng, có những lời nói ra lại khiến cho người ta tổn thương nhiều hơn cả hành động. Mẹ tôi lau vội giọt nước mắt vừa rơi xuống, giấu đi bộ dạng ủy mị, khoác lên mình dáng vẻ mạnh mẽ hằng ngày để đối diện với tôi. Mẹ cóc nhẹ vào đầu tôi, nhỏ giọng: "Đi chơi Noel mà về sớm thế? Có đói không để mẹ hâm đồ ăn cho?" Tôi không đáp, chỉ nhìn mẹ, khẽ lắc đầu. Ba tôi nằm ở phòng cho khách trên tầng gác lửng nghe thấy tiếng tôi nên xuống bếp. "Bánh kem của ai đây?" Ba đẩy nhẹ hộp bánh kem trên bàn, chất vấn. "Của chú Bình mua cho con. " Biểu cảm và giọng nói của tôi lúc này đều tỏ rõ sự không vui. "Của thằng đó à? Thế thì cút theo nó đi. " Ba tôi vừa nói, vừa nhanh tay vứt hộp bánh kem vào sọt rác gần đó. "Ba làm cái gì vậy?" Tôi hoảng hốt đứng bật dậy, gắt lên. "Mày không biết ba mày với thằng đó không đội trời chung à mà còn mang cái này về nhà!" Ba tôi cũng lớn tiếng đáp lại. Không để tôi kịp trả lời, ba tôi bắt đầu lảm nhảm: "Mày đi đâu giờ này mới về? Con gái con đứa mà suốt ngày cứ lêu lổng ở ngoài đường. " "Bộ cái nhà này là cái chợ hả mà mày thích đi lúc nào thì đi, thích về lúc nào thì về?" "Đi sao không xin phép? Về sao không thưa? Bộ tao chết rồi hay sao mà mày tự tung tự tác vậy?" Mùi cồn trên người ba lúc này thật sự rất nồng, nồng đến mức dường như cơn men ấy cũng đã lây sang cả tôi. Tôi nắm chặt tay, hít thở thật sâu để trấn tĩnh bản thân, cố giữ im lặng để không bật ra những lời khiến tôi sau này phải hối hận. Mẹ ở bên giúp tôi giải thích nhưng ba chẳng bỏ vào tai chữ nào, tiếp tục lảm nhảm: "Sao mày không nói chuyện? Câm rồi à?" "Hay mày khinh ba mày? Có phải mày có ba mới rồi nên không xem thằng này ra gì phải không?" "Anh nói cái gì vậy?" Lần này đến lượt mẹ gắt lên với ba, rồi lại hít một hơi thật sâu, quay sang nhỏ giọng nói với tôi: "Vân Anh, con lên lầu đi. " "Đuổi nó lên lầu làm gì? Cô sợ nó biết chuyện xấu hổ của cô à?" Ba đứng đối diện với mẹ, gầm lên từng tiếng: "Nếu sợ thì đừng có làm!" Nhìn cả người mẹ đang không ngừng run lên vì khóc, tôi chẳng biết mẹ tôi như vậy là đang lo sợ, tức giận hay uất ức nhưng cho dù là gì đi nữa, tôi cũng không muốn nhìn thấy bộ dạng này của mẹ. "Ba say rồi, con không muốn nói chuyện với ba trong tình trạng này... Có chuyện gì thì ngày mai ba la con cũng được, giờ ba lên lầu ngủ đi, con cũng lên phòng đây. " Tôi trầm giọng, cố tỏ ra bình thản mặc cho cảm xúc hỗn loạn trong lòng vẫn hệt như vô số con sóng cuồn cuộn, dữ dội đang cố ghì tôi xuống đáy đại dương sâu thẳm. Nói rồi, tôi xoay người, chuẩn bị về phòng. Chợt, một tiếng xoảng vang lên bên tai khiến tôi giật thót, vội rụt người tránh né. "Ông bị điên hả? Sao lại ném ly vào con, lỡ nó bị thương thì sao!" Nói rồi, mẹ vội chạy đến bên cạnh, kéo tôi ra khỏi mớ thủy tinh vỡ nát nằm rải rác dưới đất. Tức nước vỡ bờ, tôi quay lại, nhìn thẳng vào ba, nói lớn trong cơn uất nghẹn: "Ba có biết hôm nay là gì không? Ba đã không ở nhà thì thôi đi, đi nhậu về còn kiếm chuyện, làm cho cái nhà này gà bay chó sủa!" Ba tôi cũng lớn tiếng đáp trả: "Ngày gì? Mắc gì tao không được đi nhậu?" "Người làm rối tung cái nhà này lên là mẹ mày chứ không phải tao!" "Ngày gì mà ba còn không biết à?" Tôi thất vọng hỏi lại. Xong, tôi lại không kiềm được mà khẽ nhếch mép, lẩm bẩm: "À, bánh kem cũng vứt luôn rồi mà. " Ba tôi trừng mắt với tôi, quát lớn: "Mày cười với lầm bầm cái gì đấy?" "Con cái gì càng ngày càng mất dạy, cãi cha cãi mẹ thì giỏi lắm. Đúng là đẻ con gái chẳng được cái tích sự gì!" "Con hư tại mẹ cấm có sai, mẹ mày hư thân mất nết nên đẻ ra mày cũng y chang. " Tôi mất bình tĩnh, lớn tiếng đáp trả: "Con không hư! Con có hư cũng không phải chỉ tại mẹ đâu, cả ba và nhà nội đều có phần đấy! Nhờ mọi người nên con mới phải sống khốn khổ thế này này!" *Chát* "Mày ăn nói thế mà được à? Ai làm gì mày? Nhà này có để mày đói ăn thiếu mặc ngày nào không mà mày trách móc?" Khuôn mặt ba đỏ âu, hung tợn như một ác thần, đôi mắt vằn lên tia máu trừng trừng nhìn tôi. Tôi ôm mặt, thoáng sững sờ, nước mắt sớm đã thấm đẫm gò má đỏ lựng. Tôi hít một hơi thật sâu, ngẩng đầu nhìn thẳng vào ba, trầm giọng: "Khi có người nói thích con, đối xử tốt với con, ba mẹ có biết phản ứng đầu tiên của con là gì không?" "Là nghi ngờ. Con không biết con có chỗ nào xứng đáng để được người khác yêu quý, không biết phải tiếp nhận và trao đi tình yêu thương như thế nào. " "Con luôn tự ti và vô thức xem thường bản thân, có lúc còn cho rằng vốn dĩ mình không nên được sinh ra trên cõi đời này. Con luôn ghen tị với Ngọc, với những ai được sống trong một gia đình hạnh phúc và tâm lý. " "Lúc còn nhỏ, con đâu có phải là một đứa như thế này!" Nước mắt giàn giụa, tôi vừa nói, vừa khẽ lắc đầu, vô thức lùi lại phía sau. "Con ghét thế giới này, ghét ba mẹ, ghét tất cả mọi người và ghét cả bản thân con nữa!" "Đáng ra lúc trước, ba mẹ đừng có sinh ra con!" Dứt lời, tôi xoay người, lao nhanh ra khỏi nhà. Để lại phía sau lưng là tiếng gọi của mẹ và tiếng ầm ĩ của hai người bọn họ. ***** Trong cả cuộc đời ngắn ngủi này của mình, có lẽ lần bốc đồng nhất của tôi chính là lúc này. Lần đầu tiên trong đời tôi "moi hết ruột gan" để nói chuyện với ba mẹ và cũng là lần đầu tiên và duy nhất tôi có ý nghĩ bỏ nhà "đi bụi". Giống như một cái xác sống không có linh hồn, tôi lang thang qua những con đường, đi mãi đi mãi, không có điểm đến, cũng chẳng có nơi để trở về. Trời đã về khuya nhưng không khí nhộn nhịp của lễ hội nơi "thành phố không ngủ" này vẫn còn đó. Xe cộ qua lại đông đúc, người trẻ nô nức tận hưởng niềm vui của mình. Tôi thẫn thờ đi trên đường, lạc lõng trong đám đông ồn ào, lạc lối trong cuộc sống của chính mình. Tôi muốn khóc, muốn hét nhưng sợ người khác chú ý đến mình. Tôi muốn rời đi nhưng lại sợ sự tồn tại của bản thân thật sự sẽ biến mất khỏi thế giới này. "Vân Anh?" Hình như có ai đó gọi hoặc cũng có lẽ chỉ là ảo giác của tôi thôi. "Vân Anh, dừng lại mau!" Tiếng gọi ấy lại một lần nữa vang lên, gần hơn trước, còn có chút khẩn trương. Tôi mặc kệ hết thảy, ngẩn ngơ đi về phía trước như một con rối bị điều khiển. Bỗng, tôi được thứ gì đó kéo lại phía sau, ôm thật chặt. Vì lực kéo khá mạnh, tôi đứng không vững, bị ngã ra sau. Người kia cũng ngã xuống. Người đàn ông suýt tông phải tôi lớn tiếng mắng: "M* nó! Bị điên hả? Có muốn chết thì ra cầu XX mà nhảy xuống, lao đầu ra đường để cho người ta bị vạ lây à?" Người giữ tôi lại cười cầu hòa, nhẹ giọng nói: "Xin lỗi anh. Con bé nó không để ý nên mới... " Không để người đó kịp nói hết, ông chú kia mắng thêm mấy câu rồi cũng chạy đi mất: "Bị thần kinh thì xích ở nhà đi, để đi lung tung rồi hại người ta. Hứ, đúng là xui xẻo!" "Ông mới là đồ thần kinh ấy. " Tôi lẩm bẩm đáp trả. "Vẫn còn mắng lại người ta được thì chắc không sao rồi nhỉ?" Thầy Nam cóc nhẹ lên trán tôi, khẽ cười, rồi nói. Tôi nhìn thầy ấy một lúc, sau mới bắt đầu lấy lại nhận thức, vội vã đứng dậy, cúi gập người, gấp gáp nói: "Em... em cảm ơn thầy ạ. " "Ban nãy... ban nãy là em... em... không... " Tôi cố gắng giải thích nhưng đầu óc hoàn toàn trống rỗng. "Được rồi, tôi hiểu rồi. " Thầy ấy gật gù nói. Mình đã nói gì đâu nhỉ? Thầy ấy hiểu chuyện gì chứ? Tuy đã "qua ải" nhưng tôi vẫn chẳng thể thở phào nhẹ nhỏm. "Cho dù có chuyện gì... cũng đừng tự kết thúc sinh mạng của mình nhé. " Thầy Nam đặt tay lên đầu tôi, dịu dàng an ủi. Thầy ấy nghĩ tôi lao ra đường vì muốn tự sát ư? Oan uổng quá! Quả thật, đã có lúc tôi từng nghĩ đến cái chết, tâm trạng tôi bây giờ cũng đang "chạm đáy" nhưng tôi rất sợ đau, sợ phải biến mất, sợ những người yêu thương mình phải đau khổ và ti tỉ điều lo sợ khác nên trước mắt, tôi sẽ không chọn cách kết thúc tiêu cực ấy. Ban nãy đi trên đường, đầu óc tôi hoàn toàn trống rỗng, cứ tiến về phía trước một cách vô thức và rồi xuất hiện ở đây từ lúc nào. Mãi đến khi thầy Nam kéo tôi lại, tôi mới dần nhận thức được bản thân đang ở đâu. Tình trạng này khá giống với chuyện kì lạ tôi gặp lúc chiều nhưng lần này tôi vẫn biết được tôi đang đi, vẫn nhìn thấy mọi người và không gian không hề bị biến đổi, chỉ là tôi không biết bản thân đang đi đâu thôi. "Em... không có định tự tử đâu ạ. " Tôi thẳng thắn đáp. "Ừ. " Thầy Nam gật đầu, nhẹ giọng đáp . Không khí giữa bọn tôi thoáng chốc trở nên ngượng ngùng. Thầy ấy cứ nhìn tôi, vẻ mặt nghiêm túc, ánh mắt dò xét, tôi lại chẳng biết phải làm sao, cứ hết nhìn đông rồi lại nhìn tây. "Thầy Nam, tôi dắt xe của thầy lên lề nhé?" Giọng của một người đàn ông trung niên cắt ngang bầu không khí lạ lùng giữa hai người bọn tôi. Tôi hiếu kì quay ra sau nhìn thử. Ông chồng còm nhom của bác chủ xe hủ tiếu trước cổng trường tôi nhanh nhẹn dựng chiếc xe tay ga đang nằm sõng soài bên vệ đường lên. "Dạ, em cảm ơn anh. " Thầy Nam nói vọng sang. Bác trai thành thục dắt xe lên lề, xếp bên cạnh mấy chiếc xe của khách khác. Chợt, thầy Nam nghiêm mặt nhìn tôi, nói: "Với tư cách là giáo viên chủ nhiệm của em, tôi phải nói chuyện rõ với em về việc ban nãy mới được, vì nếu sau này em có việc gì... tôi sẽ hối hận lắm. " Tôi cũng muốn làm rõ với thầy Nam, tránh cho thầy ấy nghĩ nhiều, dành cho tôi sự quan tâm đặc biệt nào đó khiến tôi cảm thấy không thoải mái và người khác lại đồn linh tinh. Vậy nên, tôi theo thầy Nam đến chiếc bàn trống rồi ngồi xuống. Khi tôi đã chuẩn bị xong tinh thần để đối diện với "buổi thẩm vấn" của thầy Nam, thầy ấy lại hỏi một câu chẳng liên quan bằng vẻ mặt tỉnh bơ: "Em ăn hủ tiếu không?" "Dạ, em... em không đói. " Tôi từ chối theo thói quen. Tuy nhiên, vừa dứt lời bụng tôi không thức thời mà reo lên inh ỏi. Đi bộ một đoạn đường dài từ nhà đến trường, đồ ăn tôi nạp vào lúc đi chơi sớm đã được tiêu hóa hết, bây giờ tôi thật sự có hơi đói bụng. "Em không đói nhưng hình như bụng em đói rồi kìa. " Thầy ấy lại trêu tôi. "Em ăn gì để tôi gọi?" "Em không... " "Đói bụng rất dễ khiến cho người ta căng thẳng và mất bình tĩnh. Em có chắc là em có thể tập trung trả lời câu hỏi của tôi với chiếc bụng đói ấy không?" "Em... em... " "Vả lại, ban nãy em cũng đã mời tôi ăn sinh nhật còn gì, giờ tôi mời em lại coi như huề. " Nhắc đến sinh nhật mới nhớ, tôi vẫn chưa cảm ơn thầy Nam về chiếc bánh sinh nhật kia. "Thầy ơi... " Tôi mở lời, định cảm ơn thầy Nam thì bị ông chú ban nãy cắt ngang: "Hai tô ban nãy thầy gọi đây. Chúc hai người ăn ngon miệng. " Nói rồi, ông chú đặt luôn tô hủ tiếu khô và tô hủ tiếu hoành thánh không hẹ xuống bàn. "Đồ ăn dọn ra rồi, em cứ ăn đi, không phải ngại. Em thích ăn tô nào thì ăn, tôi sẽ ăn cái còn lại. " Thầy Nam đẩy hai tô đến trước mặt tôi, nói. Sao thầy ấy cứ ép mình ăn hoài vậy? Liệu có điều gì mờ ám không? Thầy ấy cho mình chọn như thế chắc không có vụ bỏ thuốc đâu ha? Tôi nhìn hai tô hủ tiếu trước mặt, rồi lại nhìn sang thầy Nam đang bận bịu lau muỗng đũa và pha đồ chấm. "Thầy ơi, thầy cho em mượn điện thoại được không ạ?" Thầy Nam cứ thế đưa điện thoại sang cho tôi mà chẳng hỏi bất cứ điều gì, rồi tỉnh bơ nói: "Mật khẩu cũ nhé. " Tôi ngẩn người, cố nhớ xem "mật khẩu cũ" trong lời thầy ấy nói là gì. Cứ thế nhìn điện thoại một lúc, đưa điện thoại cho thầy ấy, ngại ngùng nói: "Em... quên rồi ạ. " Thầy Nam cong môi cười, đáp: "091242. " Tôi y lời, nhập mật khẩu để mở điện thoại, rồi nhanh chóng ấn số để gọi. "Thuê bao quý khách vừa gọi... " Đến lần thứ ba, tôi thôi không gọi nữa, chuyển sang số khác. Sau hai lần không bắt máy, cuộc gọi cuối cùng cũng được kết nối, đầu dây bên kia vang lên một giọng nói có ngữ điệu vô cùng khó chịu: "Alo, ai đấy?" Tôi nói liền tù tì: "Anh Đăng, em là Vân Anh nè. Anh về nhà chưa? Khoảng 30 phút nữa, anh... đến trường đón em được không?" Anh Đăng ngạc nhiên hỏi lại: "Em vô nhà rồi mà, sao giờ lại ở trường?" Tôi nhìn thầy Nam, do dự một lát rồi mới đáp: "Chuyện dài lắm, em không tiện nói qua điện thoại, lát gặp em nói sau nha. " Thật ra, tôi vẫn chưa biết nên bịa câu chuyện thế nào để thuyết phục anh Đăng và thầy Nam nên tôi mới nói thế cho qua chuyện. Tôi chắc chắn sẽ không nói thật mọi chuyện với họ nên phải cố gắng nói dối sao cho tự nhiên nhất. Anh Đăng ở đầu dây bên kia lại hỏi: "Em gọi bằng số của ai thế? Điện thoại em đâu?" Tôi đáp ngay: "Em mượn điện thoại của thầy chủ nhiệm. " Anh Đăng như hét vào trong điện thoại: "Sao em lại ở cùng với cha đó nữa? Em đang làm gì đó?" Tôi đưa điện thoại ra xa khỏi tai, nhăn mặt trả lời: "Em đang ngồi ăn hủ tiếu với thầy ấy. " Anh Đăng lại nâng cao âm lượng, chất vấn: "Ổng rủ em đi ăn hủ tiếu? Hai người đã thân đến vậy rồi hả?" Sợ anh Đăng nghĩ linh tinh, tôi cố gắng giải thích: "Không phải như anh nghĩ đâu, bọn em chỉ vô tình gặp nhau rồi ngồi ăn chung thôi. Lát gặp, em sẽ nói rõ với anh. " Anh Đăng đột nhiên nói bằng cái giọng vô cùng nghiêm túc: "Đưa máy cho anh nói chuyện với thầy của em. " Tôi biết tính anh Đăng, nếu bây giờ tôi cúp máy, chắc chắn anh sẽ lại gọi cho thầy Nam đến khi nói chuyện được với thầy ấy thì thôi, như thế sẽ càng phiền người ta nên tôi đành chiều theo ý anh ấy. Trước khi đưa máy cho thầy Nam, tôi quay đi chỗ khác, nhỏ giọng nhắc nhở anh: "Anh nhớ là đừng có nói linh tinh đấy, không là chết em. " "Thầy ơi, thầy có thể nói chuyện với anh trai của em được không ạ?" Thầy Nam chỉ gật đầu không đáp, đưa tay nhận lấy điện thoại từ chỗ tôi, bình thản đối đáp với anh Đăng. "Alo?" "Không có ý gì cả. Em ấy mời tôi ăn sinh nhật, tôi mời em ấy lại hủ tiếu thôi. " "Ban nãy không phải Vân Anh bảo gặp trực tiếp sẽ nói rõ với cậu sau sao, cứ nghe lời em ấy đi. " "Yên tâm, tôi không có dụ dỗ hay dòm ngó gì em ấy đâu. Tôi lớn lên khỏe mạnh, bình thường, không biến thái, không hứng thú với con nít. " "Cậu có số của tôi, cũng biết tôi là thầy chủ nhiệm của Vân Anh và biết bọn tôi đang ngồi ăn hủ tiếu ở trước cổng trường T, em ấy có việc gì thì cậu cứ đi báo công an, lúc đó tôi có mà chạy đằng trời cũng không thoát nổi. " "Ừ, biết rồi. Tôi cúp máy đây. " Tôi nơm nớp lo sợ, từ đầu đến cuối chăm chú nhìn thầy Nam nhưng biểu cảm của thầy ấy lại chẳng có gì thay đổi, cả nhíu mày cũng không, khiến tôi mờ mịt. Tôi không biết anh Đăng đã nói những gì trong điện thoại nhưng qua mấy lời vừa rồi của thầy Nam, tôi đoán có lẽ chúng đều là những câu khiến người nghe cảm thấy không vui. Thầy Nam tắt chuông điện thoại, cho luôn vào túi quần, bình thản ăn hủ tiếu. Tôi vẫn không động đũa, nhìn thẳng vào thầy Nam, gấp gáp giải thích chuyện ban nãy: "Em thật sự không có ý định tự sát đâu ạ, chỉ là... " Thầy ấy cắt ngang lời của tôi: "Em ăn đi đã rồi nói, không thì nguội hết đó. " Tôi vâng lời, cho một viên hoành thánh vào miệng, vội vã nhai cho xong để nói tiếp thì thầy Nam đã chủ động mở lời hỏi trước: "Không phải bọn tôi vừa đưa em về nhà rồi sao? Sao giờ em lại ở ngoài đường một mình vậy?" "Em... em đói bụng nên đi mua đồ ăn... cũng giống như thầy vậy ạ. " Tôi ngồi thẳng lưng, điều chỉnh cơ mặt, mỉm cười nhẹ nhàng, thoải mái đối đáp, cố không để bị thầy ấy bắt thóp. "Tự nhiên em thèm món cơm tấm của quán bên đường đối diện trường mình nên lặn lội từ nhà ra tận đây ăn. Khi nãy lúc băng qua đường, em không để ý xe nên phiền đến thầy và người khác, em thật sự xin lỗi và cảm ơn thầy ạ. " Cũng may anh Đăng đột nhiên đòi nói chuyện với thầy Nam, vô tình kéo dài thời gian cho tôi, để tôi chuẩn bị thật tốt lời nói dối của mình. "Em có xe đạp mà nhỉ?" "Xe em lúc chiều đi học về cán phải đinh, bị lủng bánh nên không đi được nữa ạ. " "Ba mẹ em đâu?" "Ba mẹ em thường ngủ sớm, giờ cũng trễ rồi nên đã ngủ hết rồi thầy. Nhà em gần trường, đường đi cũng toàn là khu dân cư đông đúc nên em đi một mình cũng không sao ạ. " Tôi vận dụng hết trí tuệ và khả năng phản xạ của mình để trả lời những câu hỏi của thầy Nam. Từ đầu đến cuối, thầy Nam chỉ trưng ra bộ mặt bình thản như không nên tôi chẳng rõ thầy ấy có tin lời mình nói hay không, trong lòng vẫn lo lắng không thôi. "Tôi hỏi xong rồi, em ăn đi. " Tôi ngơ ngác nhìn thầy Nam gắp hủ tiếu cho vào miệng sau câu nói ấy. Tôi còn tưởng thầy ấy sẽ phải "tra khảo" tôi rất lâu mới được buông tha, thế mà chỉ hỏi mấy câu đã xong việc rồi? Chiếc bụng đói cứ reo lên từng hồi, đồ ăn ngon lại bày ngay trước mặt khiến tôi chẳng thể kiềm chế nổi. Hai bọn tôi chẳng ai nói với ai câu nào, chỉ cắm mặt vào ăn. Anh Đăng đến sớm hơn lời hẹn, chỉ cách cuộc gọi ban nãy tầm 10 phút, tôi còn chưa ăn xong bát hủ tiếu của mình. Chạy xe lên lề, anh đi nhanh sang chỗ bọn tôi, tức giận chất vấn thầy Nam: "Sao anh không bắt máy? Anh định làm gì em gái tôi?" Giọng anh có hơi lớn, kéo cả sự chú ý của mấy người bàn bên. Tôi xấu hổ, vội đứng lên kéo anh ngồi xuống, nhăn mặt nói: "Anh bình tĩnh xíu!" Nói rồi, tự cảm thấy thái độ của mình không tốt, có thể làm anh Đăng buồn lòng nên tôi nhanh chóng điều chỉnh lại bản thân, nhẹ giọng nói: "Thầy Nam không có làm gì em đâu, ban nãy thầy ấy còn cứu em đó. " "Cứu em?" Anh Đăng khó hiểu hỏi lại. "Dạ. Nãy em băng qua đường mà không nhìn, may có thầy ấy kéo lại, nếu không chắc giờ em nằm trong phòng cấp cứu rồi, còn liên lụy đến người ta nữa. " Tôi chậm rãi giải thích, lược bỏ đi một chút sự thật. Anh Đăng nhìn sang thầy Nam để xác nhận nhưng thầy Nam đến cả cái liếc mắt cũng chẳng thèm nhìn đến anh ấy. Hai người này khắc tuổi nhau à? Sao cứ gặp nhau là gây sự thế? Anh Đăng ngồi đợi tôi ăn xong để đưa về. Có lẽ vì không có việc gì làm nên anh cứ ngồi nhìn tôi và thầy Nam khiến tôi có hơi không thoải mái, bèn đánh tiếng hỏi anh: "Anh đói không?" Anh hơi do dự, rồi đáp: "Cũng hơi đói. " Thấy vậy, tôi hào hứng quảng cáo: "Hủ tiếu quán này ngon lắm luôn, hay là anh ăn thử nha?" Anh nhìn sang thầy Nam, chẳng rõ đang nghĩ gì, cuối cùng cũng gọi một tô hủ tiếu mì ăn cùng với bọn tôi. Từ lúc ngồi vào bàn đến giờ, anh Đăng chưa hỏi tôi bất cứ điều gì, thật sự rất khác với anh mọi ngày. Điều này không những không khiến tôi buông xuống nỗi lo lắng mà còn khiến tôi càng thêm bất an. Thầy Nam là người ăn xong trước. Vừa buông đũa, thầy liền đứng lên, để lại cho bọn tôi mấy câu rồi cứ thế đi đâu mất. "Ông thầy của em... " Anh nhìn tôi định nói gì đó, song lại chuyển ánh nhìn sang hướng thầy Nam vừa rời khỏi, nói phong long: "Đang ăn mà bỏ đi đâu vậy trời? Không định ăn quỵt đấy chứ?" "Anh kệ thầy ấy đi. Thầy Nam là người hướng nội, không thích nói nhiều, tính cách có hơi lập dị một tí thôi nhưng là người tốt đó. " "Vả lại, xe thầy ấy còn đây mà anh lo gì. " Mặc dù bình thường, tôi hay nói xấu thầy Nam với đám bạn nhưng bây giờ cứ nghe anh Đăng chê bai thầy ấy, tôi lại không kiềm được mà lên tiếng bênh vực. "Nếu không phải nghe thấy em nói thích thằng nhóc kia, phát hiện em với nó yêu sớm, anh còn tưởng em với ông thầy Nam ấy đang có ý gì với nhau đấy. " Anh Đăng vội cho gắp hủ tiếu cuối cùng vào miệng, vừa nhai vừa nói. Tôi nhìn thẳng vào anh, chất vấn: "Các anh nhìn trộm bọn em từ đoạn thế?" Anh Đăng lắc đầu phủ nhận, lớn tiếng đáp: "Bọn anh không có nhìn trộm!" Song, giọng nói cứ thế nhỏ dần, ánh mát cũng dời sang nơi khác: "Chỉ là vô tình nhìn thấy một xíu thôi. " Tôi không tin anh nhưng cũng không vạch trần, trưng ra vẻ mặt thường dùng để làm nũng với những người thương mình, tôi nhỏ giọng nói: "Dạ. Vậy... mọi người nhìn thấy từ đoạn nào vậy ạ?" Anh Đăng lưỡng lự một lúc, rồi đáp: "Lúc em nói: 'Không được!' ấy. " "Mà anh nói này, em là con gái, có muốn bày tỏ tình cảm thì cũng nhẹ nhàng thôi. Cục súc như thế, coi chừng người ta sợ chạy mất dép đấy. " Tôi lườm anh, lèm bèm: "Nghe từ lúc đó đến tận lúc em nói thích cậu ấy mà còn bảo vô tình nhìn thấy có một xíu thôi?" Anh Đăng cười hì hì, gãi đầu, không đáp. "Thầy em có biết chuyện này không anh?" Tôi lại cố moi thêm thông tin từ anh họ. "Thầy em có... " "Tôi về rồi. " Anh Đăng chưa kịp trả lời, thầy Nam đã trở lại, trên tay cầm một túi nilon màu đen, ngồi xuống ghế đối diện tôi. (☛'∀`*)☛ ♥ Hết chương 49 ♥ ☚(*'∀`☚)