Ăn xong, Ngọc Anh theo mẹ về nhà, chị Nhật Linh và hai đứa trẻ cũng được tài xế đến đón về. Thầy Nam lại lấy lý do lo lắng cho sự an toàn của đám học sinh bọn tôi nên xin đi cùng. Thầy ấy tỏ ý rằng mình rất cô đơn, không có ai đón Giáng Sinh cùng nên đi chơi với đám nhóc bọn tôi cũng có thể xem như là một niềm an ủi. Đương nhiên, thầy Nam chẳng bao giờ trực tiếp nói ra những lời đó, tất cả đều do tôi suy ra từ mấy lời vòng vo của thầy ấy. Mọi hôm, tôi là một trong những đứa có thái độ bài xích với việc thầy ấy đi cùng bọn tôi nhưng hôm nay, vì vẫn còn lời cảm ơn chưa có dịp nói ra nên tôi còn cảm thấy khá mừng vì thầy ấy vẫn tiếp tục đồng hành cùng bọn tôi như thế này. Trong nhóm bọn tôi, người không muốn đi cùng thầy Nam nhất chính là anh Đăng. Khi thầy Nam ngỏ ý đi cùng bọn tôi, hai người có lời qua tiếng lại vài ba câu. Song, sau cùng mọi chuyện vẫn được thu xếp ổn thỏa. Trên đường đến nhà thờ, sau khi đùa với nhau vài ba câu, anh Đăng lại đột nhiên nghiêm túc, nói với tôi: "Nhóc, anh thấy ông thầy này của em cứ sao sao ấy. " "Sao là sao anh?" Tôi ngạc nhiên, hỏi lại. "Hình như ổng có ý với em đấy, cẩn thận chút. Đừng có thân thiết với ổng quá, coi chừng bị dụ đấy nhóc. " Anh nhắc nhở tôi. Mãi vẫn chẳng nghe thấy tôi đáp lại, anh lại chậm rãi phân tích bằng cái giọng hậm hực: "Em không thấy hả? Có ông thầy chủ nhiệm nào đối xử với học sinh của mình như ổng đâu, nào là để cho gia đình cùng đón sinh nhật với em, mua bánh kem cho em, rồi còn nằng nặc đòi đi chơi cùng bọn em nữa. Đàn ông đẹp mã như thế, vừa nhìn đã thấy đáng nghi rồi!" Tôi phì cười, trêu anh: "Anh cũng đẹp trai, vậy anh cũng đáng nghi hả?" "Anh khác!" Anh đáp ngay bằng giọng chắc nịch. Hai đứa bọn tôi lại cười hì hì, bầu không khí thoáng chốc đã thoải mái trở lại. Lúc này, tôi mới chậm rãi giải thích cho anh: "Chị Nhật Linh với hai đứa nhỏ cũng là bạn của em, bọn họ đón sinh nhật cùng em cũng chẳng sao cả, vả lại, là em mời bọn họ trước mà. Còn về việc mua bánh kem, chắc là vì thầy ấy thấy ăn sinh nhật mà không có quà thì cũng kì nhưng lại không biết tặng gì cho em nên mới chọn đại thôi. " Dừng một chút, tôi lại đưa ra những lập luận của mình: "Em thấy không có chuyện thầy ấy có ý gì với em đâu anh. Trong lớp, em là lớp phó học tập, hay làm việc cho thầy ấy, chắc thầy ấy thấy em được việc nên ưu ái hơn một chút thôi. " Nghe tôi nói xong, anh vẫn còn khá nghi ngờ: "Mấy chuyện đó coi như giống như em nói đi, nhưng, ổng cứ muốn đi cùng bọn em là như nào? Chắc chắn là có vấn đề!" "Anh có biết ở trường học sinh bọn em hay gọi thầy ấy là gì không?" "Là gì?" Anh hỏi lại. Được dịp, tôi lại nói xấu thầy chủ nhiệm của mình: "Là 'vương tử băng giá' đó. Thầy ấy lạnh lùng lắm, còn có phần hơi lập dị nữa, nam nữ, già trẻ, lớn bé đều giữ một khoảng cách nhất định, trong trường chỉ có đúng một người bạn thân nên em đoán là... " Tôi cố ý kéo dài câu nói, cố nhịn cười rồi nói tiếp: "Ai cũng có đôi có cặp, không thì cũng đi thành nhóm, thầy ấy lại chẳng có ai để đi cùng, cảm thấy cô đơn, tủi thân nên viện cớ để đi chơi Noel với bọn mình thôi. " "Hoặc có thể thầy ấy cãi nhau với thầy Hưng nên muốn đi chơi với bọn mình cho đêm Noel đỡ sầu, đỡ nghĩ đến người yêu cũng nên. " Mấy lời sau, tôi chỉ nhỏ giọng nói cho mình mình nghe, còn khẽ cười trộm vì bản thân quá đỗi thông minh và nắm rõ lòng người. Anh Đăng vẫn chưa an tâm với thầy chủ nhiệm của tôi, lải nhải suốt chặng đường. Cuối cùng, chỉ khi tôi hứa với anh ấy rằng sẽ luôn đề phòng và giữ khoảng cách với thầy Nam, anh mới có thể yên lòng và thôi cằn nhằn. ***** Hôm nay trời khá lạnh, còn lộng gió, khác hẳn với không khí Noel năm trước. Nhưng, có một thứ vẫn không bao giờ thay đổi vào mỗi mùa Noel, đó chính là kẹt xe và tắc đường ở những khu vực gần nhà thờ, đặc biệt là các nhà thờ lớn được trang trí cầu kì. Tôi cũng đã dự tính được chuyện này, chuẩn bị kha khá nơi để đi, nhưng, đã đi đến nơi thứ ba rồi mà vẫn chẳng có nơi nào để bọn tôi dung thân. Tôi là kiểu người không thích những nơi quá đông đúc, chật chội đến mức cứ cách vài phút lại bị ai đó vô tình đụng phải, cho nên việc chen chúc vào biển người chỉ để chụp một tấm ảnh hay ngắm một tiểu cảnh, tôi xin phép từ chối. Cuối cùng, tôi quyết định dẫn mọi người đến thẳng địa điểm cuối cùng trong kế hoạch, ngôi nhà thờ nơi chú Bình – bạn thân của ba mẹ và cũng là cha đỡ đầu thứ nhất của tôi làm việc. Đó là một ngôi nhà thờ cổ khá nhỏ nằm bên cạnh một khu chợ tự phát. Vào dịp này, so với những nơi khác, nơi đó được trang trí khá đơn giản. Có lẽ vì vậy nên mặc dù vẫn nằm trên con đường xóm đạo, lượng người đến đây cũng không đông đến nghẹt thở như những nhà thờ lớn gần đó. Hơn nữa, gần như cả năm nay tôi không gặp chú Bình, tôi muốn nhân cơ hội này đến gặp chú. Chú Bình và chú Thanh là bạn thân của ba mẹ tôi, chú Bình là bạn "nối khố" của ba, còn chú Thanh là hàng xóm bên cạnh phòng trọ của mẹ. Ba mẹ tôi quen biết nhau đều là nhờ hai chú. **** Năm mẹ tôi 22 tuổi, chú Thanh chỉ vừa tròn 18, là sinh viên tỉnh lên thành phố để học đại học. Chẳng rõ duyên phận đưa đẩy thế nào, hai người cùng quê, cùng xã lại ở cạnh phòng nhau. Từ khi biết chú Thanh là đồng hương, cùng tuổi với cậu út nhà tôi, thấy chú hiền lành, lại một thân một mình ở thành phố rộng lớn này mẹ tôi bắt đầu xem chú như em trai mà quan tâm, chăm sóc. Có lần, chú Thanh đi nhậu với vài người bạn sau khi đá banh về, hai người trong nhóm chú xảy ra chút xích mích với chú Bình và bạn của chú ấy. Thanh niên còn trẻ hiếu chiến, cãi nhau vài câu lại lao vào đánh nhau. Chú Thanh là người không thích phiền phức và vẫn còn khá tỉnh táo vì chỉ vừa uống được nửa cốc bia, chú không tham gia vào trận hỗn chiến, bình tĩnh đứng bên ngoài, gọi công an đến giải quyết. Tuy vậy, cuối cùng chú vẫn bị thương vì "đạn lạc" của đám người đang đánh nhau. Kết quả, cả bọn bị dẫn lên đồn vị tội gây rối trật tự công cộng. Mẹ tôi hôm ấy tăng ca, vừa nghe thấy chú đánh nhau, bị đưa đến phường, vội vã xin về sớm, nhanh chóng lên xem tình hình. Mẹ vốn tính nóng nảy, vừa biết chú Bình là người làm chú Thanh bị thương, mẹ đã mắng chú một trận ra hồn. Nếu chú Thanh và mấy chú công an không cản lại, có lẽ chú Bình và bạn của chú ấy sẽ còn bị mẹ tôi "giảng đạo" thêm một lúc nữa. Chẳng rõ sau đó thế nào, chú Bình và chú Thanh lại trở thành bạn của nhau. Chú Bình tuy nói là bạn "nối khố" của ba tôi nhưng chú ấy chỉ lớn hơn chú Thanh hai tuổi, kém ba tôi đến tận bốn tuổi. Là bạn đồng niên, lại có nhiều sở thích chung nên hai người ấy hợp nhau lắm, chú Bình cứ dăm bữa nửa tháng lại đến phòng trọ của chú Thanh chơi, dần dần thân với mẹ tôi sau khi ăn trực được vài bữa. Sau đó, chú Bình kéo thêm cả ba tôi vào nhóm, tạo thành bộ năm chơi chung cho đến tận bây giờ. Sở dĩ nói bộ năm là vì trong nhóm lúc trước còn có một bác có nhà gần xóm trọ, lớn hơn mẹ ba tuổi, nhưng bác đã ra nước ngoài định cư từ trước cả khi tôi sinh ra đời nên giờ chỉ còn lại bộ tứ mà thôi. Cứ đến dịp lễ, gia đình tôi lại tụ họp ăn uống với chú Bình và chú Thanh. Nhưng, vào ngày mùng ba Tết năm nay, sau khi nhậu say, ba tôi với chú Bình bắt đầu lời qua tiếng lại một lúc rồi chuyển sang cãi nhau lớn, còn lao vào đánh nhau vì chuyện gì đó mà tôi chẳng rõ vì hôm đó tôi sang nhà Ngọc chơi, chỉ được nghe mẹ kể lại. Sau đó, bọn họ giận nhau, không thèm nhìn mặt. Bây giờ, chỉ còn chú Thanh thỉnh thoảng vẫn đến nhà tôi chơi, chú Bình chẳng đến nữa. **** Lúc nhỏ, tôi thường đến nhà thờ này chơi, mặc dù tôi không theo đạo, đến thường xuyên đến mức những người làm việc ở đó đều quen mặt tôi, thỉnh thoảng còn cho tôi bánh và đồ chơi. Dần dần, tôi bắt đầu đi học, vòng quan hệ không ngừng được mở rộng, điều tôi quan tâm bắt đầu nhiều hơn trước và tôi cũng dần ít đến đây hơn. Nhưng, mọi năm, vào dịp Noel, dù có đi đâu, điểm đến cuối cùng của nhà tôi đều là chỗ của chú Bình. Những năm trước, tôi đến đây cùng ba mẹ. Năm ngoái, tôi không đến. Năm nay, tôi đến cùng những người bạn thân của mình. Trước khi đến, tôi có gọi điện thoại cho chú. Chẳng để tôi kịp nghĩ xem nên nói gì với chú, điện thoại chỉ vừa kêu hai tiếng "tút", chú Bình đã bắt máy ngay. Tôi trình bày vắn tắt mong muốn của mình, chú nghe xong liền đồng ý. Chú không vội tắt máy, cằn nhằn tôi mấy câu vì tội lâu không gọi cho chú, chú gọi đến lại chỉ nói được mấy câu rồi chuồn mất. Tôi yên lặng nghe chú càm ràm một lúc, trước khi cúp máy, chú không quên dặn dò tôi: "Cháu cứ vào bằng cách cũ nhé, gần đến thì gọi cho chú. " Không giống những người khác, vào dịp lễ thế này, nhà tôi không vào bằng cổng chính mà vào bằng cổng sau. Tôi dẫn mọi người vào khu chợ, đi qua mấy sạp hàng đã đóng cửa im lìm, sau đó lại rẽ trái vào con đường bé xíu cạnh chỗ bán vải. Trí nhớ tôi khá kém, lại lâu không vào bằng cổng này nên tôi đã dẫn mọi người đi lạc mấy lần. Nếu bọn tôi đang đi đúng đường, tiếp tục rẽ phải, đi một lúc sẽ nhìn thấy một lối nhỏ chỉ đủ một chiếc xe máy đi qua ở bên trái, cuối đường chính là cổng sau của nhà thờ. Từ nãy đến giờ, tôi vẫn luôn mang theo cảm giác có lỗi khi nhiều lần dẫn mọi người đi sai đường. Đứng trước con đường nhỏ, tôi vội vã xuống xe, để lại cho mọi người một câu rồi nhanh chóng chạy mất: "Ở đây thoáng, mọi người đứng đợi xíu nhé, để em đi xem thử xem có phải không. " Tôi xách váy, dùng tốc độ của vận động viên điền kinh rẽ vào con hẻm bên cạnh, rồi nhanh chóng biến mất vào lối nhỏ gần đó. Phía sau hình như có tiếng ai gọi nhưng tôi lại chẳng nghe rõ nữa. Hai mặt bên của lối nhỏ này đều là tường nhà nên không khí ở nơi này khá yên tĩnh, dường như chẳng có bất kì âm thanh của sự sống nào ngoài hơi thở của tôi, khác xa với sự ồn ào ở bên ngoài. Tôi ngẩng mặt nhìn mấy sợi đèn giăng kín trên đầu, thôi không chạy nữa, chầm chậm đi dưới ánh sáng rực rỡ. "Đẹp quá! Cứ như thể mấy ngôi sao đang sà xuống đất vậy. " Tôi mỉm cười, nhỏ giọng nói. ... "Ba nhỉ?" Nắm tay ba chầm chậm đi trên con đường nhỏ lung linh sắc đèn, tôi cười đến tít mắt, huyên thuyên mãi không ngớt. "Vậy con có muốn có mấy ngôi sao đó không?" Ba tôi ra vẻ bí hiểm nói. "Có ạ. " Tôi hào hứng đáp. Nghe thấy ba nói thế, tôi đã nghĩ rằng tiếp theo đó, ba sẽ để tôi ngồi trên vai mình, đưa tôi lên cao, để tôi chạm vào mấy sợi dây đèn đang rũ xuống kia. Nhưng, tôi đã đánh giá ba tôi quá cao rồi. "Vậy lát gặp chú Bình, con biết phải làm gì rồi đấy. " Ba tôi nhướng nhướng đôi lông mày rậm của mình, vẻ mặt lộ rõ vẻ gian xảo, nói. "Dạ, con biết rồi. " Tôi ỉu xìu đáp. **** Đi một lúc trong lối nhỏ quanh co, chiếc cổng đen cũ kĩ, tróc sơn và bức tường ngả màu phủ đầy rêu xanh nằm ở cuối đường cũng đã xuất hiện trước mắt tôi. Tôi lấy điện thoại định gọi cho mọi người, nhưng vẫn chưa nghĩ xem nên gọi cho ai thì tôi đã thấy Minh Huy lao xe vun vút đến gần, sau đó là anh Đăng, Ngọc và Phương, cuối cùng là thầy Nam. Sau khi bị anh Đăng và đám bạn mắng cho một trận ra trò vì hành động bộp chộp, thiếu suy nghĩ của mình, tôi gọi cho chú Bình. Điện thoại nhanh chóng được nối máy chỉ sau vài tiếng tút lạnh lẽo. Giữa những âm thanh ồn ào xung quanh, tôi vẫn cảm nhận được niềm vui trong giọng nói của chú: "Con đến rồi hả? Đợi tí, chú ra liền. " Đợi một lúc, cánh cổng sắt nặng trịch từ từ được mở ra, chú Bình với khuôn mặt nghiêm nghị, đẩy nhẹ đôi kính cận, chậm rãi bước ra từ trong bóng tối. Đây là khuôn mặt chú thường trưng ra trước mặt người khác, vẻ mặt của một người trí thức điềm đạm, trưởng thành và nghiêm túc. Chú khá cao và to con, luôn trưng ra bộ dạng lạnh lùng và kiệm lời, tạo cho người ta cảm giác xa cách và phải dè chừng. Nhưng, đó là chú Bình trong mắt người khác, những người chẳng biết gì về chú. Bản chất thật sự của chú chính là người đang ôm chặt tôi và nói mấy lời yêu thương sến súa này đây. Một ông chú có tâm hồn trẻ con được giấu trong vẻ ngoài của một người già đời, một ông chú cô đơn. Tôi đập vào lưng chú, thều thào nói: "Chú... Bình... con không... thở được... thả con ra. " Chú ấy vội vàng nới lỏng vòng tay ôm tôi, rối rít nói: "Chú xin lỗi, tại chú vui quá. Từ Tết đến giờ, hai chú cháu mình chưa gặp nhau nhỉ?" "Lâu lắm mới gặp mà chú đã muốn ám sát con rồi. " Tôi xị mặt, giả vờ giận dỗi, đáp. "Chú xin lỗi mà. Chúng ta mau vào thôi, chú chuẩn bị cho con nhiều thứ lắm. " Chú kéo tôi đi cùng mình vào trong, xem đám người đi cùng tôi chẳng khác nào không khí. Tôi vội quay lại phía sau, lớn tiếng gọi: "Vào đi mọi người. " Tôi lườm chú, càm ràm: "Chú chẳng thay đổi gì cả, rõ là người đáng yêu nhất quả đất này mà lúc nào cũng tỏ ra lạnh lùng làm chi không biết! Sao cứ làm lơ người khác vậy chứ?" "Thì chú có quen bọn họ đâu mà nói chuyện. " "Chú không nói chuyện với người ta thì làm sao mà quen được? Vả lại, nếu không quen cũng không nên xem người ta không tồn tại như thế chứ. " Tôi nhăn mặt, đáp ngay. "Chú biết rồi, mốt không như thế nữa là được rồi chứ gì. Con càng lớn càng giống mẹ con, cứ cằn nhằn suốt ngày. " "Chú càng già càng giống ba con, cứ khiến cho người ta lo lắng không thôi. " Tôi không chịu thiệt, bắt chước giọng điệu của chú, nói. "Được lắm, con nhóc này, nay còn biết đốp chát lại chú nữa cơ à?" Chú cốc nhẹ lên đầu tôi, phì cười. Chú dẫn chúng tôi rẽ sang đến bãi xe của người làm việc ở đây, bảo bọn tôi đứng đợi chú một lát, rồi đi mất. Có vài người biết và nhớ tôi, khi đi ngang qua còn dừng lại hỏi thăm vài câu, có bác lớn tuổi tốt bụng còn nhiệt tình dúi vào tay bọn tôi mấy túi bỏng gạo (nếp nổ). Thật ra, có vài người tôi nhớ mặt nhưng lại chẳng nhớ tên nên trong lòng từ đầu đến cuối vẫn luôn cảm thấy có lỗi với sự niềm nở của họ dành cho mình. Chú Bình đi đâu đó một lúc lại đem về một túi to toàn đồ ăn vặt nhét vào tay tôi, nói: "Chỗ này là quà sinh nhật của chú chuẩn bị cho con đó. Vẫn còn một món nữa nhưng gặp chút trục trặc nên vẫn chưa đưa con được, con đi chơi về là sẽ có. " "Mớ này là đủ rồi chú, chú không cần phải mua thêm gì cho con nữa đâu. " Tôi vội xua tay, thành thật đáp ngay. "Chú tặng con thì con cứ nhận, không phải ngại. " Chú vỗ vai tôi nói. Tôi định nói thêm thì đã bị chú chặn lại: "Chú đặt rồi, không hủy được đâu nên con đừng từ chối nữa. " Chú ấy như đi guốc trong bụng tôi vậy, tôi nghĩ gì chú đoán ra ngay. *** Vì hôm nay đã là ngày 24, nhà thờ có rất nhiều việc phải làm nên chú Bình đành tạm biệt tôi để đi giúp mọi người. Cả nhóm sau đó cũng lên sân trước nhà thờ chơi. Ngọc tranh thủ lúc vắng người kéo mọi người vào mấy tiểu cảnh trang trí xung quanh để chụp hình. Để đảm bảo ảnh có đủ thành viên của nhóm các bạn nhỏ bọn tôi, vị trí chụp ảnh được giao cho anh Đăng và thầy Nam. Ban đầu vốn định để họ luân phiên chụp nhưng sau khi nhìn thấy mấy tấm ảnh xấu đến chẳng nói nên lời của anh Đăng, vị trí nhiếp ảnh gia đó được giao hẳn cho thầy Nam. Chụp được một lúc, tôi lại cảm thấy như mình đang "bốc lột" thầy Nam, cứ bắt thầy ấy chụp mãi cũng chẳng được nên định bụng nhờ người qua đường chụp giúp. Trong lúc bọn tôi loay hoay bàn xem nên làm thế nào để có thể có đủ mọi người trong khung hình, một người đàn ông râu tóc bạc phơ, khuôn mặt phúc hậu, đôi mắt hiền hòa, tay ôm chiếc máy ảnh chuyên nghiệp ở gần bên nghe thấy, ngỏ ý chụp giúp bọn tôi. Thật ra, tôi vẫn luôn có ác cảm với những người thợ chụp hình dạo, vì tôi và người thân đã có kha khá trải nghiệm không vui với bọn họ. Trong lúc bọn tôi còn đang phân vân xem có nên đồng ý hay không vì có thể sẽ bị vòi một cái giá "trên trời" ngay sau đó, ông đã chủ động nói rõ với bọn tôi: "Ông giúp bọn cháu như một người qua đường tốt bụng thôi, không tính phí đâu. " Thầy Nam là người giúp bọn tôi quyết định, đưa điện thoại của mình cho ông. Ông tận tình hướng dẫn bọn tôi xếp đội hình và tạo kiểu, sẵn sàng lăn xả để bọn tôi có những bức ảnh đẹp. Khi xem lại số ảnh chụp, có phải đến hơn chục tấm ảnh cho bọn tôi lựa chọn và hầu như tấm nào cũng khiến bọn tôi ưng mắt. Ông đúng là nhiệt tình thật! Khi bọn tôi còn đang mãi mê xem ảnh ở đây, ông đã lẳng lặng rời đi. May thầy Nam tinh mắt phát hiện nếu không bọn tôi đến một lời cảm ơn cũng chưa nói được đã để ông "trốn" mất, thế thì chẳng phải phép chút nào. Thầy Nam phát hiện ra ông, tôi phát hiện ra hai người ấy nên cũng vội vã chạy sang. "Bác chụp cho bọn cháu thêm vài tấm ảnh nữa được không ạ?" Khi tôi đến gần hai bọn họ, vừa hay nghe thấy lời đề nghị này của thầy Nam. Tôi nhớ lại đống ảnh trong máy thầy ấy, không khỏi cảm thấy kì lạ. Ông vừa chụp không công cho bọn tôi nhiều ảnh như vậy, thầy ấy còn nhờ ông chụp thêm, thế này chẳng phải đang lợi dụng lòng tốt của người khác ư? Dừng lại một chút, thầy ấy lại nói tiếp: "Cháu là giáo viên của bọn nhóc ấy, hiếm lắm mới có dịp đón Giáng Sinh cùng nhau thế này nên cháu muốn tặng cho mấy em ấy thứ gì đó để làm kỉ niệm. Bác chụp rồi rửa mỗi ảnh sáu tấm giúp cháu nhé. " Sau đó, bọn tôi được chụp ảnh nhóm bằng máy cơ. Phải đến kiểu thứ bảy, bọn tôi mới thôi không chụp nữa. Tổng cộng nãy giờ chụp được bảy ảnh, mỗi người một tấm, ở đây có sáu người nên tổng là bốn mươi hai tấm. Hình như bình thường giá tầm hai mươi đến năm mươi nghìn... . Tôi vừa nhẩm tính vừa len lén nhìn thầy Nam, thấy thầy ấy vẫn bình thản như không, đứng đợi ông chụp hình rửa ảnh và tính tiền. "Thầy Nam của bọn mình hình như giàu lắm hả mày?" Tôi đẩy nhẹ vai Ngọc, nhỏ giọng hỏi. "Ừ, hình như vậy. Trong trường mình có tin đồn thầy Nam là thiếu gia nhà giàu đó. Nội nhìn khí chất của thầy ấy thôi cũng đoán được tin đồn đó tám, chín phần là thật rồi. " Ngọc cũng đang nhìn thầy Nam, nhăn mặt đáp. Trong lúc hai đứa con gái bọn tôi đang buôn chuyện, phía sau lưng một giọng nam chợt vang lên: "Đồng hồ ông thầy đấy đang đeo là của hãng C đấy. " "Anh Cu Đen, sao anh biết?" Tôi tò mò, buộc miệng hỏi. "Đã bảo đừng có gọi anh như thế trước mặt người khác mà!" Anh Đăng nghiêm mặt, cảnh cáo tôi. "Em... em quên mất. " Tôi rụt cổ đáp. Anh Đăng quay về với chủ đề lúc nãy: "Lúc chụp hình, anh đứng bên cạnh thầy bọn em mà, khi anh ta xem đồng hồ, anh có vô tình nhìn sang nên thấy. " "Mắt anh tốt thật đó! Chẳng bù cho em, tới tối nhìn gì cũng mờ mờ mịt mịt. " Tôi ngạc nhiên nhìn anh ấy, không khỏi cảm thán. "Nhưng hãng C thì sao? Hãng ấy nổi tiếng lắm ạ?" Ngọc ở bên cạnh hỏi vào vấn đề chính. "Không chỉ nổi tiếng đâu, nó là xa xỉ phẩm đấy. Bữa anh có lướt thấy, giá đồng hồ của hãng ấy không dưới trăm triệu đâu. " Anh Đăng đáp ngay bằng bộ dạng của mấy bà cô hay buôn chuyện trong chợ. Càng nghe anh nói, hai đứa con gái bọn tôi càng há hốc, mắt và miệng không ngừng mở to. Ngừng một lúc, anh lại cười rồi nói tiếp: "Mà có khi cái của ông anh đó là hàng nhái thôi cũng không chừng, giờ người ta dùng hàng nhái nhan nhản ấy mà. " "Hàng nhái thì bao nhiêu một chiếc ạ?" "Tùy. Bữa bạn anh mua hàng rep 1:1, kiểu dáng khác của ông anh hồi nãy, giá tầm hơn 500 đô một tí. " "500 đô là bao nhiêu nhỉ?" "Tận mười mấy triệu á?" Tôi và Ngọc gần như đồng thanh. Nó vừa dứt lời, tôi liền quay sang nhìn nó trân trân vì sốc. Bọn tôi định nói thêm mấy câu thì thầy Nam và hai cậu bạn Phương, Huy từ bên chỗ ông cụ chụp hình trở về. Vừa tiếp nhận được một loạt tin chấn động, bây giờ, tôi chẳng thể nhìn thầy Nam như bình thường nữa, ánh nhìn cứ vô thức dán chặt trên cổ tay của thầy ấy, nơi có vài chục hoặc cả trăm triệu đang hiện diện ở đó. "Em muốn xem giờ hả?" Thầy Nam đột ngột hỏi tôi. Dứt lời, thầy Nam đưa đồng hồ lên xem giờ, xong lại xoay mặt đồng hồ về hướng tôi cho tôi xem. Tôi nhìn mặt đồng hồ sáng choang, cười khờ, giả vờ cảm thán: "Mới đi có một tí mà đã gần tám giờ rồi, nhanh ghê!" Nó đẹp thật! Có vẻ như thứ gì đắt tiền cũng đẹp cả, vì cho dù vẻ ngoài không đẹp, nội hàm của nó chắc chắn đẹp. (☛'∀`*)☛ ♥ Hết chương 47 ♥ ☚(*'∀`☚)