Cảm Ơn Vì Là "Chúng Ta"

Chương 28-2: Ngoại truyện

30-09-2024


Trước Sau

    Tôi là Trần Quân Phương, một học sinh của trường T.
Tôi sống cùng bố, một người nghiện rượu có tính khí nóng nảy, thích dùng bạo lực để giải quyết mọi vấn đề trong cuộc sống.
Tôi còn có một người mẹ rất xinh đẹp và dịu dàng, ngặt một nỗi bà ấy thường không ở nhà vì phải đi xa để làm việc.
    Kể từ khi tôi vào cấp 2, mẹ tôi nhận được công việc làm vú nuôi và giúp việc nhà cho một gia đình giàu có ở trung tâm thành phố.
Vì tính chất công việc, mẹ bắt buộc phải ở lại nhà chủ, không thể ở cùng tôi.
Tôi chỉ có thể gặp mẹ vào ngày cuối cùng của tháng.
    Mỗi lần mẹ về, tôi vui lắm, cả ngày chỉ muốn ở bên mẹ không rời.
Nhưng, bố tôi lại không thấy như vậy.
Ngày mẹ về, ông ta uống say hơn mọi ngày.
Ngày mẹ về, ông ta chào đón bà bằng những lời chì chiết và chửi rủa.
Ngày mẹ về, ông ta đánh bà bằng chiếc nịt da cũ mèm đeo ở thắt lưng.
Ngày mẹ về, căn nhà tôi chỉ toàn tiếng mắng nhiếc và khóc than.
    Bạo lực và tiếng van nài thường xuyên xuất hiện trong ngôi nhà cũ kĩ này, thường xuyên đến mức như thể là một điều hiển nhiên.
Có lẽ vì không chịu được cuộc sống khốn khổ này, mẹ tôi mới phải đi làm xa, rời bỏ căn nhà của bố tôi hòng thoát khỏi "nanh vuốt" của ông ta.
    Nhưng còn tôi thì sao? Sao mẹ lại bỏ tôi lại chứ?***    Ai cũng bảo tôi giống bố, là một cậu trai cao lớn với nước da ngâm đầy khỏe khoắn.
Tôi cũng thấy tôi giống ông ta, và tôi ghét điều đó.
Tôi nóng nảy, thích bạo lực, thích lao vào những trận đánh đấm với người khác để trút bỏ cơn giận dữ và đặc biệt thích nhìn người khác phải van xin mình tha cho mỗi khi bị tôi đánh.
    Từ nhỏ, tôi đã bộc lộ khuynh hướng bạo lực của mình với mọi người xung quanh.
Hồi 5 tuổi, tôi nhớ còn từng đánh bạn học đến gãy cả răng.
Tôi hả hê lắm, cứ đem đi khoe suốt.
Sau, tôi mới biết chiếc răng bị gãy của cậu bạn kia vốn đã lung lay từ trước, đang chờ thay răng.
Thế nên tôi chẳng xem đó là niềm tự hào nữa.
    Ở trường, nghe đến tên tôi, đứa nào cũng sợ xanh mặt, chẳng ai dám gây sự với tôi.
Nếu ai có gan làm thế, tôi sẽ thẳng tay đánh và dúi mặt đứa đó xuống đất hoặc bồn nước.
*****    Mùa hè năm trước khi tôi vào lớp bốn, gia đình Khánh My dọn đến cạnh nhà tôi.
Khánh My là một cô gái hoạt bát và hòa đồng, cô ấy có thể dễ dàng bắt chuyện và thoải mái chơi cùng đám trẻ trong xóm - điều mà đứa trẻ lớn lên ở đây như tôi còn chẳng làm được.
    Từ lần đầu gặp gỡ, tôi đã bắt đầu ghi nhớ dáng vẻ của cô ấy vào trong lòng.
Cô gái nhỏ nhắn với khuôn mặt bầu bĩnh, tươi tắn, đôi mắt sáng trong như ánh trăng rằm, khuôn miệng xinh xắn, đáng yêu.
Trong ấn tượng của tôi, My luôn xuất hiện với những chiếc đầm xinh xắn và đôi bím tóc buộc nơ màu hồng phấn, trông cô bạn giống như một con búp bê sứ tinh xảo và đắt tiền.
    Tôi không vội làm quen với My, vì ngại.
Bố My là một công nhân viên chức khó tính và quy củ, bố tôi là một thợ mộc nghiện rượu, lương chỉ ba cọc ba đồng.
Nhà của My là một căn hộ ba tầng hiện đại, nhà tôi chỉ là một căn cấp bốn cũ kĩ.
Bố mẹ My yêu thương và tôn trọng lẫn nhau, còn bố mẹ tôi thì không.
Đối diện với My, tôi như thể đang đối diện nỗi tự ti sâu thẳm bên trong mình.
    Một tên "đầu gấu" như tôi lần đầu biết sợ, sợ cô bạn bằng tuổi mới chuyển đến ấy.
Tôi tránh né mỗi khi cô ấy chào mình và chạy đi khi cô ấy lại gần bắt chuyện.
    Mấy tháng hè ngắn ngủi nhanh chóng kết thúc, năm học mới lại đến, tôi và My học chung lớp và được cô giáo xếp ngồi cùng bàn.
Là cô ấy chủ động kéo gần khoảng cách giữa hai bọn tôi, xóa đi những mặc cảm, tự ti của tôi, xoa dịu những tổn thương trong sâu thẳm trái tim tôi.
My trở thành người bạn thân duy nhất trong suốt những năm tiểu học của tôi.
    Tôi không còn thích đánh nhau, chỉ thích đi chơi cùng với My.
Vì hay đi cùng nhau, bọn tôi thường bị mọi người trêu chọc.
Nhưng thay vì bắt tụi nó ngậm mồm bằng cách của riêng mình như lúc trước, tôi bắt chước theo My, chỉ nhẹ nhàng phủ nhận rồi cho ra khỏi đầu ngay sau đó.
    Mặc cho người mẹ yêu quý của tôi bỏ tôi lại với người cha tồi tệ của mình, tôi đã không nổi giận.
    Tôi cảm thấy mình đang dần tốt hơn, vì có My.
*****    Vào một ngày nắng cháy của mùa hè lớp 6, người bạn thân duy nhất, điểm tựa duy nhất của tôi rời bỏ tôi để đến một nơi khác.
Tuy đã được cô ấy báo trước tận hai tháng nhưng khi nhìn thấy chiếc xe tải chở đồ của nhà My rời đi, trong lòng tôi vẫn vô cùng hụt hẫng và trống rỗng.
Cả ngày hôm ấy, tôi ngồi ở chiếc bàn cạnh cửa sổ trong phòng mình, thơ thẩn nhìn sang khung cửa sổ tối om của phòng cô ấy.
***    Trước khi đi, My từng nhắc đến chuyện "gửi" tôi cho Vân Anh – con nhỏ học giỏi nhưng chảnh chọe trong lớp, bảo tôi phải nghe lời nhỏ ấy.
Tôi đương nhiên không đồng ý, vì tôi không thích con nhỏ ấy, người gì thù dai như quỷ.
    Lớp 7, tôi lại học cùng lớp với Vân Anh và con nhỏ bạn thân của nó – Như Ngọc.
Chẳng biết My đã nói gì với Vân Anh, thái độ của nhỏ ấy đối với tôi đã hoàn toàn thay đổi.
Vân Anh chủ động  ngồi vào chiếc bàn phía trước tôi mặc cho năm ngoái tôi thường nghịch tóc và trêu nó trong giờ học.
Thỉnh thoảng, nhỏ lại hỏi han tôi về chuyện học tập và tâm trạng của tôi.
    Nếu không phải My nói rằng đã gửi gắm tôi cho Vân Anh, tôi còn tưởng con nhỏ ấy thích mình.
    Tôi không chịu "hợp tác" với Vân Anh, vì tôi vẫn chẳng ưa nổi nó.
Nhưng, sau vài lần bị dọa méc My, tôi đành phải thuận theo.
Tôi thà chịu đựng con nhỏ chảnh chọe này còn hơn phải làm phiền đến cuộc sống mới của My.
    Vào một hôm mưa lớn đến tối trời, Vân Anh, Như Ngọc, Ngọc Anh và Gia Bảo – cậu bạn ngồi cạnh tôi chợt nổi hứng muốn lập nhóm để trao đổi việc học, giúp nhau tiến bộ.
Những con người học giỏi ấy lại muốn kéo cả một đứa dốt tất cả các môn trừ Thể dục và Toán là tôi vào cùng.
Tuy thuận theo ý tốt của mọi người vào hội nhưng tôi lại chẳng xem như là thành viên của nhóm, vì phần lớn những lúc bọn họ tụ họp, tôi đều không xuất hiện.
So với những bạn khác trong lớp, tôi thân thiết với nhóm ấy hơn thật nhưng để xem là bạn thân giống như với My lúc trước lại chẳng phải.
***    Đến hết kì 1 năm lớp 7, My trả lời tin nhắn của tôi rất chậm, cũng không thường xuyên chủ động hỏi thăm tôi như trước, có lẽ đã thích nghi với ngôi trường mới.
Tôi cũng chẳng còn nghe nhỏ Vân Anh dọa sẽ méc My như nó thường hay làm mỗi khi tôi không "nghe lời" nên tôi chẳng còn sợ nó nữa, thường xuyên làm trái ý nó.
     Vì chẳng có ai để tâm sự và dựa vào, tôi lại lao vào con đường bạo lực.
Tôi chơi cùng với một nhóm được mệnh danh là "trùm trường" với thành viên đa phần là học sinh khối 8, 9.
Sau giờ học, tôi thường cùng bọn họ đến khu đất trống vắng người sâu trong con hẻm đối diện trường – nơi đám học sinh của trường tôi và một trường cấp 3 gần đấy xem là "thánh địa" để tìm đến mỗi khi muốn xử lý mâu thuẫn.
Cả nửa năm đầu gia nhập, bọn họ kêu tôi đi theo chỉ để áp đảo số lượng.
Mãi đến khi thấy tôi đánh một anh lớp 11 đến bầm tím mắt và xịt cả máu mũi vì anh ta dám đánh tôi, tôi được cất nhắc lên "đội hình chính thức".
    Khi mới vào nhóm, tôi đã từng rất mong đợi vào điều này nhưng khi được thẳng tay đánh thật, tôi lại chẳng thấy vui mấy.
Bọn họ gọi, tôi đi.
Bọn họ bảo tôi đánh ai, tôi đánh người đó.
Cứ dăm bữa nửa tháng, tôi lại lao vào đấm đá theo chỉ thị của người khác, có khi còn chẳng biết người bị đánh là ai, có thù gì với tôi.
Càng đánh tôi càng trở nên giận dữ, đôi lúc còn chẳng khống chế được cảm xúc của mình, ra tay rất mạnh.
    Tôi đánh người khác được, người khác cũng có thể đánh tôi được.
Tôi thường xuyên mang những vết thương do những trận đánh đấm đến trường, có khi là một bên mắt bị bầm, cũng có khi là mấy vết chảy máu ở chân tay và thậm chí là trên mặt.
    Lần đầu nhìn thấy mấy vết thương trên người tôi, Vân Anh nó hoảng lắm, còn hỏi xem có phải bố tôi làm không, định báo lên thầy cô để họ giải quyết giúp tôi.
Trông vẻ mặt nó sốt sắng, tíu tít hỏi tôi hết thứ này đến thứ khác, thật giống lần đầu My thấy mấy vết bầm tím do dây nịt của bố quất vào da thịt tôi khi trước.
    Giống như năm đó, tôi nói dối rằng mình bị ngã.
Không giống với My, Vân Anh không tin tôi.
Cô bạn nằng nặc đòi báo giáo viên, còn định giúp tôi báo cảnh sát.
Và rồi, tôi quyết định nói thật trước sự lì lợm của cô ấy.
    Sau khi nghe xong nguồn gốc của những vết thương trên người tôi, Vân Anh lập tức thay đổi sắc mặt từ lo lắng sang tức giận.
Tôi tưởng nó sẽ cằn nhằn, khuyên nhủ tôi giống như My thường làm lúc trước và Như Ngọc, Gia Bảo làm lúc này, nhưng lại không phải.
    "Đánh nhau như thế...
có vui không?"    Vân Anh đã hỏi tôi như vậy.
    Nó nhìn thẳng vào mắt tôi, ánh nhìn như xoáy sâu vào trong cõi lòng.
Tôi vội lảng tránh ánh mắt của Vân Anh, quay sang ba đứa bạn còn lại trong nhóm cười khì khì, trấn an mọi người bằng mấy lời hứa hẹn sáo rỗng.
    Vân Anh vẫn không nói gì sau câu hỏi ấy, chỉ im lặng nhìn tôi bằng vẻ mặt khó đăm đăm.
    Bất quá...
bọn họ sẽ lại loại tôi khỏi cuộc sống của mình thôi.
    Nhưng, một năm học trôi qua, tôi vẫn chưa bị loại khỏi nhóm của nhỏ Vân Anh mặc cho tôi là một thành viên tồi, luôn khiến cho mọi người bận lòng.
Ngược lại, tôi và nhỏ Vân Anh còn càng ngày càng thân thiết.
*****    Tôi chật vật bước vào lớp 8 sau vài lần lao động cải thiện hạnh kiểm và bọn tôi vẫn học cùng nhau.
Sau nhiều lần khuyên nhủ và dùng cả biện pháp mạnh nhưng vẫn không thể khiến tôi thay đổi, bọn họ chẳng buồn quan tâm đến nữa, chỉ nhắc tôi cẩn thận.
    Bắt đầu từ năm lớp 8, dường như cuộc sống của Vân Anh đã bị lệch khỏi quỹ đạo ban đầu, lại trong giai đoạn dậy thì, tâm tính của nó dần thay đổi.
Vấn đề của bản thân còn chẳng lo xuể, nó chẳng có hơi sức đâu mà quan tâm đến tôi.
    Đáng ra phải cảm thấy tự do, thoải mái khi không còn bị Vân Anh "kìm kẹp" nhưng nhìn cô bạn như vậy, tôi lại cảm thấy có chút không quen.
    Vân Anh là một cô gái thoạt đầu trông có vẻ ít nói và xa cách nhưng khi ở bên cạnh đủ lâu và đủ thân thiết, sẽ phát hiện nhỏ có thể nói rất nhiều và là một cô gái cực kì ấm áp.
Một con người có thể tồn tại xen lẫn giữa sự tiêu cực và tích cực, vừa trải lòng với những tâm trạng nặng trĩu, ngay lập tức lại có thể đùa bằng mấy câu nói hài hước để đưa bầu không khí nhẹ nhàng trở lại, không khiến cho người nghe phải cuốn theo những cảm xúc tiêu cực của bản thân mà lo lắng.
Vân Anh còn là một đứa khá ngoan ngoãn và lễ phép, đôi lúc, tôi còn cảm thấy nó cư xử khách sáo quá mức, làm cho người khác cảm thấy thật xa cách.
    Nhưng gần đây, Vân Anh đã thay đổi rất nhiều, bắt đầu bằng việc nó thường nổi cáu với những chuyện bé xíu.
Vân Anh và Gia Bảo đã từng gây nhau một trận lớn đến mức khiến Gia Bảo quyết định rời khỏi nhóm bọn tôi.
Tuy sau đó, bọn họ cũng đã làm lành và chơi lại với nhau nhưng tình bạn giữa bọn họ ít nhiều cũng đã chịu ảnh hưởng không nhỏ.
    Vân Anh bắt đầu hỏi tôi những câu hỏi kì lạ:    "Tao theo mày thì có thể làm 'trùm trường' không?"    "Muốn trông 'nổi loạn', 'đầu gấu' hơn thì tao phải làm gì? Mày chỉ tao được không?"    Thành tích học tập của Vân Anh cũng dần tệ đi, thường bị cô giáo chủ nhiệm gặp riêng nói chuyện.
    Nó không những không nghe lời khuyên nhủ của cô giáo, còn "quậy" hơn lúc trước, hùa theo những trò nghịch dại của đám học sinh hư trong lớp.
Chỉ trong một tuần học, nhiều lần bị ghi tên vào sổ đầu bài nên cô chủ nhiệm buộc phải gặp mặt phụ huynh để trao đổi.
    Sau hôm phụ huynh đến trường gặp mặt giáo viên, nó đi học với cơ thể hằn lên những vết tím, đen do đòn roi để lại.
Nhưng, tôi lại chẳng thấy nó buồn, ngược lại còn rất hay cười, trở về làm Vân Anh của trước đây.
***    Sau kỳ thi cuối kì, chúng tôi bước vào học kì hai của năm lớp 8 và kì nghỉ xuân dài 14 ngày.
Đám bạn xung quanh tíu tít bàn về những chuyến du lịch hoặc về quê thăm ông bà, còn tôi chỉ mong mỏi được gặp mẹ mình.
Ngoại trừ tôi vẫn ở lại thành phố này đón Tết, mọi người trong nhóm đều rời khỏi nơi này suốt cả kì nghỉ.
    Ngày 28 Tết, sau thời gian dài ngóng trông mẹ về ăn Tết, tôi nhận được một cuộc điện thoại:    "Năm nay, gia đình ông bà chủ định ở lại thành phố đón Tết nên mẹ không về được.
Con ở nhà phụ bố chuẩn bị bánh trái, hoa quả cúng Giao Thừa nhé...
"    Nói thêm với mẹ mấy câu, chờ mẹ cúp máy, tôi ôm mặt, thở dài.
Mang theo tâm trạng trống rỗng, tôi rời khỏi căn nhà lạnh lẽo chẳng có tí hơi ấm của mình, xách xe đạp quanh khắp các con đường.
    Những chậu mai vàng đủ mọi kích cỡ nở rộ trải dọc cả đoạn đường.
Những khu chợ tấp nập người mua kẻ bán ồn ào khắp cả một vùng.
Nhà nào cũng bày biện những chậu hoa rực rỡ như cúc, vạn thọ, mào gà,...
trước thềm, tô điểm thêm sắc màu và sinh khí cho nơi ăn chốn ở của mình.
Trước nhà của một vài căn hộ, những câu đối đỏ, hình linh vật cai quản năm  – con gà được dán ngay ngắn, phẳng phiu đón chờ một năm mới sắp đến gần.
    Trốn khỏi không khí náo nhiệt của ngày Tết, tôi quyết định tìm cho mình một chốn bình yên.
Tôi chạy vào con hẻm nhỏ đối diện trường, rẽ sang con đường đất đá để đi vào bãi đất trống mà tôi thường lui đến.
Gửi xe ở một ngôi miếu thờ thủy thần thưa người qua lại ở gần đó, tôi chậm rãi tản bộ đến chỗ bờ kênh được rào chắn sơ sài, thuần thục leo ra bên ngoài, ngồi đại xuống một chỗ mà tôi cho là an toàn, khoanh chân ngắm nhìn mặt nước tĩnh lặng.
    Trước khi đến đây, tôi đã gom được kha khá hòn đá vừa tay.
Đối diện với mặt nước quá đỗi yên tĩnh trước mặt, tôi vung tay ném mạnh hòn đá xuống hồ.
Chỗ nước nơi hòn đá đáp xuống tạo thành một cái lỗ nhỏ, sau lan dần ra thành cả một vùng lớn.
    Lúc trước, Khánh My từng dạy cho tôi cách để kiềm chế cơn giận dữ của mình, làm thế nào để giải thoát "con quái vật giận dữ" vô tình được nuôi dưỡng trong lòng ra bên ngoài mà không hại đến ai.
Mỗi lần trong lòng tích tụ nhiều chuyện không vui, tôi lại tìm đến bờ kênh này như tìm đến một liều thuốc giảm đau có thể gây nghiện.
Tâm trạng tôi theo từng cú ném ấy sẽ dần thoải mái lên và khi trút hết sự khó chịu ở trong lòng, tôi sẽ dừng lại.
    Tôi nhớ, khi lần đầu đến đây, tôi ném ba cái, còn Khánh My thì bảy, hét lên mấy lời mà người lớn đánh giá là không hay, rồi bọn tôi cùng nhau về nhà.
    Gần đây, tôi thường xuyên đến khu đất trống rộng lớn này, phần vì để đánh nhau, phần vì để "trút giận" với con kênh.
Mỗi lần đến đây, số lượng đá bị ném xuống lòng kênh của tôi lại nhiều hơn lần trước một chút.
    Đến lần ném thứ 17, tôi xoay người, trở về nhà.
    Đi được vài bước, tôi chợt khựng lại khi nhìn thấy một đám thanh niên đang tiến về phía mình.
Vẻ mặt ai nấy cũng đằng đằng sát khí, ánh mắt thù hằn dán chặt trên người tôi, đặc biệt là thằng con trai cao gầy đi đầu.
    "Anh Long, anh dẫn nhiều người như thế...
định đi đâu thế?"    Tôi mỉm cười, mở lời hỏi Hoàng Long – một anh trai lớp 11 từng bị tôi đánh theo chỉ thị của trưởng nhóm vì trêu ghẹo bạn gái của bạn anh ta.
    Vừa nói, tôi vừa chầm chậm lùi ra phía sau, đảo mắt quan sát xung quanh để tìm vũ khí.
    Đám người của Hoàng Long cũng chầm chậm tiến về phía tôi, từng bước áp sát, không để cho tôi có cơ hội chạy trốn.
     "Đi bắt con chuột cống lúc trước dám cắn anh mày ấy mà.
"   Hoàng Long nhếch mép cười vênh váo, cúi người nhặt lên một cành cây trông có vẻ khá chắc, vung mạnh trong không khí kêu lên một tiếng xé gió đầy uy lực.
    Và rồi, bọn tôi lao vào nhau như thể đây là trận chiến của một nhóm chiến binh thực thụ.
Lúc đầu, mượn cơn bực tức ở trong lòng, tôi dễ dàng khống chế tình hình, để cho bản thân nhận phải ít đòn nhất có thể và khiến cho bọn kia ăn trọn mấy cú vụt mạnh vào người.
Nhưng, sức người có hạn, được một lúc, tôi bắt đầu thấm mệt và dần lộ ra nhiều sơ hở để bọn Hoàng Long nhanh chóng đảo ngực tình thế.
Tôi ra sức chống trả nhưng như một liều thuốc kích thích, việc chống trả ấy của tôi càng làm cho chúng "hăng máu" hơn, ra đòn cũng hiểm hơn.
    Tôi bị bọn chúng đẩy ngã, vừa đánh vừa đạp.
Nằm co ro trên đất, ôm lấy đầu và mặt để bảo vệ chính mình, lần đầu tiên tôi cảm thấy hối hận.
Hối hận vì sự ngu dốt của mình, hối hận vì tôi cũng là một kẻ bắt nạt, từng tham gia vào những lần đánh hội đồng người khác của đám người bất hảo mà tôi chơi cùng, chỉ với lý do -chướng mắt.
    Khi tôi chịu đựng những chuyện này ở đây, họ đang làm gì nhỉ?(Còn tiếp...
)

Trước Sau
Bình luận văn minh lịch sự là động lực cho tác giả. Nếu gặp chương bị lỗi hãy "Báo lỗi chương" để BQT xử lý!